Bạn Nguyễn Thị Lý (Hà Nội) và nhiều bạn đọc khác thắc mắc về việc gia đình thường xuyên hầm, hấp tam thất với thịt gà, thịt nạc để cả nhà ăn. Nhiều người cho rằng cách ăn này có thể khiến cho các quý ông trong gia đình bị hỏng “con giống” do nóng và tinh dịch bị loãng. Vậy thực hư thế nào?
Có công năng tráng dương
Trả lời vấn đề này, ThS Hoàng Khánh Toàn, chủ nhiệm khoa Y học cổ truyền, bệnh viện TƯQĐ 108 cho biết, không có căn cứ nào để cho rằng dùng tam thất có thể làm cho suy giảm khả năng tình dục và sinh sản ở nam giới. Ngược lại, cổ nhân còn khẳng định tam thất chín còn có tác dụng "bổ huyết ích khí, tráng dương tán hàn" và nghiên cứu hiện đại cũng cho thấy tam thất còn có công năng tương tự nội tiết tố sinh dục. Tuy nhiên, vì là vị thuốc chữa bệnh phần huyết nên tam thất được dùng cho phụ nữ nhiều hơn.
ThS Hoàng khánh toàn phân tích, theo y học cổ truyền, tam thất là một vị thuốc vị ngọt hơi đắng, tính ấm, không độc, có công dụng tán ứ chỉ huyết (làm tan huyết ứ và cầm máu), tiêu thũng định thống (làm hết phù nề do ứ trệ và giảm đau), thường được dùng để chữa các chứng bệnh như các chứng xuất huyết, sưng nề tụ máu do trật đả, hung tý giảo thống (đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim), bế kinh do huyết ứ, thống kinh (hành kinh đau bụng), sản hậu phúc thống do ứ trở (đau bụng sau khi sinh con), sưng nề do viêm nhiễm…
Như vậy, có thể thấy, về cơ bản tam thất là một vị thuốc bệnh với công năng chủ yếu là tán ứ, hoạt huyết, chỉ huyết. Tuy nhiên, các y thư cổ đều cho rằng, tam thất “năng khứ ứ sinh tân” hay “hoạt huyết nhi sinh huyết”, nghĩa là bản thân tam thất không phải là thuốc bổ huyết nhưng trong các trường hợp khí huyết suy hư mà có ứ trệ thì công dụng hoạt huyết hoá ứ của nó cũng có ý nghĩa bổ huyết, sinh huyết một cách gián tiếp.
Cũng có sách cho rằng tam thất “sinh dụng chỉ huyết tán ứ, tiêu thũng chỉ thống; thục dụng bổ huyết ích khí, tráng dương tán hàn” (dùng sống thì hoạt huyết cầm máu, giảm đau tiêu thũng; dùng chín thì bổ khí huyết, làm mạnh dương khí và trừ hàn). Kinh nghiệm dân gian thường hầm cách thuỷ tam thất với gà choai cũng là nhằm mục đích lấy công năng hoạt huyết sinh huyết của tam thất phối hợp với tác dụng bổ ích khí huyết của thịt gà để thu được hiệu quả bồi bổ khí huyết cao nhất. Với ý nghĩa đó, ngời ta còn coi tam thất bổ không kém gì sâm và gọi nó là Sâm tam thất hoặc Nhân sâm tam thất.
Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy tam thất có tác dụng cầm máu, hoạt huyết, bảo hộ cơ tim, chống thiếu máu cơ tim, chống rối loạn nhịp tim, hạ áp, chống ôxy hoá, làm chậm quá trình lão hoá, bảo vệ tế bào não trong điều kiện thiếu máu...
Trên thực tế, thỉnh thoảng bạn dùng tam thất hấp, hầm với thịt nạc, thịt gà cho chồng và con trai ăn hoàn toàn không có hại gì cả và chắc chắn cũng không sợ nóng và loãng tinh dịch như nhiều người nghĩ. Kết quả nghiên cứu hiện đại đã cho thấy tam thất còn có tác dụng tương tự như nội tiết tố sinh dục nên còn góp phần thúc đẩy quá trình sinh trưởng và phát dục của cơ thể, đúng như cổ nhân coi tam thất có công năng “tráng dương”.
Tuy nhiên, nếu dùng thường xuyên thì e không ổn, nhất là lại dùng tam thất sống, vì không chắc cơ thể chồng và con bạn có hội chứng huyết ứ hay không. Vả lại, cổ nhân có câu “nam khí, nữ huyết”, nghĩa là nam giới nên trọng thuốc bổ khí, nữ giới nên trọng thuốc bổ huyết. Bởi vậy, khi dùng tam thất thường xuyên, tốt nhất chồng và con bạn nên đến khám và được tư vấn trực tiếp bởi thầy thuốc có chuyên khoa.
Quý nhưng phải dùng đúng
PGS.TSKH Trần Công Khánh, Giám đốc trung tâm nghiên cứu và phát triển cây thuốc Việt Nam cho biết, tam thất (tam thất bắc) là rễ của cây tam thất, còn gọi là Sâm tam thất, Kim bất hoán (vị thuốc quý, vàng không đổi được. Tam thất làm tăng nhanh quá trình phục hồi sức khỏe cho người suy nhược, hoặc sau khi bị bệnh nặng, nhất là đối với các sản phụ.
Tuy nhiên, theo GS.TS Nguyễn Xuân Sinh, nguyên Chủ nhiệm bộ môn dược học cổ truyền, trường ĐH Dược Hà Nội, tam thất là vị thuốc quý có nhiều tác dụng chữa bệnh nhưng cần dùng cho đúng. Tốt nhất không nên dùng tam thất một cách đơn điệu để “bổ” như nhân sâm mà nên dùng tam thất dưới dạng “thực phẩm” tam thất tần gà hoặc dùng dưới dạng bột mịn, ngày 4 – 10g, uống với nước ấm. Khi dùng cần chú ý: đối với trường hợp làm tiêu máu tụ, chỉ nên sử dụng tam thất khi triệu chứng xuất huyết mới xảy ra. Ví dụ xuất huyết tiền phòng ở mắt, dùng tam thất lúc này rất tốt. Nếu trong mạch máu hoặc trong tim đã có các cục máu đông, không nên dùng tam thất nữa. Nếu dùng, cục máu này sẽ là trung tâm để kết tụ, làm cho cục máu to dần lên, ảnh hưởng đến sự lưu thông của mạch máu, đôi khi gây ra đột quỵ…
ThS Hoàng Khánh Toàn nhấn mạnh, tùy vào mục đích sử dụng để dùng tam thất cho phù hợp. Theo dược học cổ truyền, tam thất có nhiều cách bào chế và cách chế khác nhau thì công dụng cũng không giống nhau. Thông thường tam thất được dùng dưới 3 dạng:
- Dùng tươi, rửa sạch, giã nát và đắp lên tổn thương.
- Dùng sống, rửa sạch, phơi hay sấy khô rồi thái phiến hay tán thành bột, thường dùng để chữa các chứng như xuất huyết, tổn thương do trật đả, xích lỵ, đại tiện ra máu tươi, đau thắt ngực do thiểu năng mạch vành hoặc nhồi máu cơ tim, bệnh gan...
- Dùng chín, hay còn gọi là thục tam thất, rửa sạch, ủ rượu cho mềm rồi thái mỏng sao qua, tán bột hoặc rửa sạch, thái mỏng rồi sao với dầu thực vật cho đến khi có màu vàng nhạt rồi đem tán bột, thường dùng với mục đích bồi bổ cho những trường hợp cơ thể suy nhược, khí huyết bất túc.
Dùng sống chủ yếu để tán ứ chỉ huyết, tiêu thũng định thống; dùng chín chủ yếu để bồi bổ. Liều dùng thông thường: mỗi ngày sắc uống từ 5-10 g, uống bột từ 1,5 - 3,5 g, dùng ngoài không kể liều lượng.