Nhiễm typ độc dễ ung thư cổ tử cung
Theo các chuyên gia, ung thư cổ tử cung là bệnh lý ác tính của biểu mô lát (biểu mô vảy) hoặc biểu mô tuyến cổ tử cung. Bệnh xảy ra khi các tế bào phát triển bất thường, nhân lên vô kiểm soát, xâm lấn khu vực xung quanh cũng như di căn tới các bộ phận khác của cơ thể. Qua nghiên cứu người ta nhận thấy, nữ giới mắc ung thư cổ tử cung thường ở độ tuổi sinh hoạt tình dục (30-45 tuổi), người dưới 20 tuổi hiếm khi mắc bệnh, trong khi đó những trường hợp trên 65 tuổi phát hiện bệnh thường do tầm soát không tốt ở độ tuổi trước đó.
Mặc dù ung thư cổ tử cung khá phổ biến nhưng không phải chị em nào cũng hiểu hết về căn bệnh này. Nhiều chị em bị viêm nhiễm phụ khoa tái đi tái lại đã lo sợ ung thư. Theo BS Nguyễn Duy Phương, phòng khám Sản- Phụ khoa BV đa khoa Medlatec, viêm phụ khoa có nhiều dạng như viêm cổ tử cung, viêm âm đạo, âm hộ… không phải cứ viêm nhiều thì gây ung thư. Viêm phụ khoa ở phụ nữ nguy hiểm nhất là gây viêm ngược dòng, viêm từ cơ quan bên ngoài như cổ tử cung, âm đạo, âm hộ… đi ngược vào tử cung, ra hai vòi trứng gây viêm vòi trứng, tắc vòi trứng, ảnh hưởng tới chức năng sinh sản. Viêm phụ khoa rất ít khi gây ung thư, trong các bệnh ung thư phụ khoa thì đứng đầu là ung thư cổ tử cung; ung thư âm đạo, âm hộ cũng có nhưng rất hiếm.
Theo BS. Nguyễn Duy Phương, ung thư cổ tử cung là do hậu quả của virus HPV. Virus HPV là một nhóm gồm hơn 200 virus liên quan, một phần trong số đó lan truyền qua đường sinh dục. HPV được phân loại thành HPV nguy cơ thấp và HPV nguy cơ cao. Có khoảng 14 typ HPV nguy cơ cao, trong đó HPV16, 18, 31,45 được xác định là nguyên nhân ung thư cổ tử cung chủ yếu.
Hầu như tất cả mọi người trong độ tuổi sinh hoạt tình dục đều nhiễm HPV ít nhất một lần trong đời, và trong số đó, có khoảng 50% trường hợp nhiễm HPV nguy cơ cao. Khi bị nhiễm HPV, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ được kích hoạt để chống lại sự lây nhiễm này. Tuy nhiên, không phải lúc nào cơ thể cũng phòng vệ thành công, trong trường hợp bị nhiễm HPV nguy cơ cao, ví dụ typ độc HPV 16,18,31,45 nhiều năm có thể gây biến đổi tế bào ở cổ tử cung và 99% nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung ở phụ nữ là do nhiễm virus HPV.
Tiêm phòng bệnh từ khi nào?
Ung thư cổ tử cung hoàn toàn có thể tầm soát được bằng việc thăm khám định kỳ, nếu chẳng may phát hiện bệnh thì có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, đa số bệnh nhân phải cắt tử cung, xạ trị, hóa trị nên không còn chức năng sinh sản. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm, trước khi cắt tử cung, bác sĩ có thể trữ trứng. Người bệnh chỉ cần đến các bệnh viện có trung tâm hỗ trợ sinh sản để trữ trứng, làm thụ tinh trong ống nghiệm với người chồng rồi trữ phôi lại.
Văcxin HPV ngừa ung thư cổ tử cung được đánh giá là an toàn và có thể đem lại hiệu quả cao trong việc bảo vệ phụ nữ tránh khỏi những căn bệnh liên quan đến virus HPV typ 16 và 18, hai typ chủ yếu gây ung thư cổ tử cung. Trẻ em gái từ 9 tuổi nên tiêm ngừa để đảm bảo được bảo vệ trước khi có khả năng nhiễm loại virus này. Độ tuổi an toàn để văcxin có hiệu quả cao nhất là dưới 26 tuổi và chị em phụ nữ chưa lập gia đình hoặc chưa quan hệ tình dục.
Do văcxin mới chỉ phòng được typ 16 và 18, hiệu lực phòng bệnh từ 4-6 năm, các typ khác không phòng được nên chị em vẫn phải tiến hành song song giữa tiêm văcxin và tầm soát ung thư cổ tử cung. Hiện nay nhiều bệnh viện đã có thể làm được xét nghiệm sinh học phân tử, ThinPrep… bác sĩ lấy dịch từ ống cổ tử cung, phân lập xem bệnh nhân mắc HPV typ nào để điều trị. Theo khuyến cáo của WHO, cứ 3 năm phụ nữ nên làm lại xét nghiệm 1 lần nhưng với tình trạng nhiễm căn bệnh này khá cao ở VN, phụ nữ có thể tầm soát bệnh hàng năm, tùy vào đối tượng có một hay nhiều bạn tình, hoàn cảnh sống, cơ địa và tuổi của mỗi người.
Khánh Thủy