Hỏi: Gần đây họ hàng tôi liên tiếp có người mắc ung thư. Người ung thư dạ dày, người ung thư máu, ung thư vú…nên tôi rất sợ. Xin bác sĩ cho biết nếu tôi đi xét nghiệm máu và nước tiểu có tầm soát sớm được ung thư không?
Hà Thái (Ninh Bình)
PGS. TS Nguyễn Nghiêm Luật, nguyên giảng viên ĐH Y Hà Nội cho biết, muốn chẩn đoán ung thư cho kết quả chính xác cần phải dựa vào xét nghiệm máu, nước tiểu, chẩn đoán hình ảnh, dùng phương pháp tế bào học và nhiều phương pháp khác. Đối với ung thư máu người ta phải làm xét nghiệm Immunophenotyping ; xét nghiệm tế bào di truyền; xét nghiệm dịch não tủy.
Bác sĩ sẽ tiến hành chọc tủy và đem đi xét nghiệm để phân loại và xác định các loại tế bào máu trong tủy. Nếu lượng junvenile cell trong máu tăng cao, vượt quá 5% hoặc thậm chí có thể hơn 30% thì có thể xác định bệnh nhân bị ung thư máu. Đối với xét nghiệm máu và nước tiểu nói chung, xét nghiệm có ý nghĩa trong đánh giá tình trạng nặng, nhẹ cũng như dự đoán diễn tiến của bệnh trong quá trình điều trị.
Một xét nghiệm máu giúp hỗ trợ trong chẩn đoán ung thư như xét nghiệm kháng nguyên PSA giúp phát hiện ung thư tuyến tiền liệt; xét nghiệm kháng nguyên CA 125- một dạng kháng nguyên ung thư 125 trong máu giúp phát hiện ung thư buồng trứng; xét nghiệm CA 199 phát hiện ung thư tụy, dạ dày…Khi xét nghiệm máu thường phải kết hợp cùng các xét nghiệm khác để đưa ra kết quả chính xác nhất. Xét nghiệm máu không khẳng định chắc chắn tìm ra tế bào ung thư, bởi kết quả xét nghiệm có lúc cho âm tính, có lúc cho dương tính.