Chị M.H. (25 tuổi, Thanh Hóa) mang thai con đầu lòng đã đến bệnh viện kiểm tra, bác sĩ siêu âm phát hiện không có hình ảnh tim thai, thai chỉ tương ứng 8 tuần 6 ngày, có nghĩa là thai đã ngừng phát triển (thai lưu) gần 4 tuần.
TS Lê Minh Châu, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, kiểm tra thai nghén định kỳ qua siêu âm là biện pháp tốt nhất phát hiện các dị thường ở thai. Với những trường hợp thai lưu, bác sĩ sẽ có hướng xử trí kịp thời vì thai lưu lâu ngày sẽ nguy hiểm đến tính mạng của mẹ, có thể nhiễm trùng huyết dẫn đến tử vong. Thai phụ mang thai nên đến bệnh viện kiểm tra ngay nếu xuất hiện một trong các biểu hiện các bất thường như: Không còn cảm giác căng tức bầu ngực; Có thể sẽ ra một chút máu, dịch âm đạo màu hồng nhạt, màu nâu, màu nâu đậm; Đau lưng, đau bụng. Với thai > 5 tháng sẽ không thấy thai cử động hay thai đạp bụng mẹ.
Chẩn đoán thai chết lưu được chia 2 giai đoạn gồm:
Giai đoạn 1: Thai chết lưu dưới 20 tuần, nhiều trường hợp không có triệu chứng làm cho việc phát hiện bị muộn. Siêu âm là thăm dò có giá trị, cho chẩn đoán sớm và chính xác.
Giai đoạn 2: Thai chết lưu trên 20 tuần (thường dễ chẩn đoán hơn): sản phụ thấy thai không cử động nữa, 2 vú có thể tiết sữa non, nếu có 1 số bệnh kèm theo như nôn nghén nặng, tiền sản giật, bệnh tim thì bệnh tự thuyên giảm, bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn. Trong các trường hợp, siêu âm là thăm dò cho kết quả chẩn đoán sớm và chính xác nhất.
Nguyên nhân dẫn đến thai chết lưu có rất nhiều, có thể quy về 3 nguồn khởi phát: từ phía bố mẹ, từ phía thai nhi và các thành phần phụ của thai nhi. Về phía bố mẹ do bất thường nhiễm sắc thể của bố hoặc mẹ, người mẹ mắc hội chứng antiphotpholipid, bố hoặc mẹ bị giang mai, bất đồng nhóm máu bố và mẹ do yếu tố RH (-) và RH (+); bất đồng nhóm máu giữa mẹ và thai; mẹ mang bầu bị tiền sản giật, nhiễm virus Rubella; Mẹ mắc dị thường tử cung bẩm sinh. Về phía thai nhi bị rối loạn nhiễm sắc thể. Rối loạn nhiễm sắt thể thường là do gene di truyền hoặc có sự đột biến trong quá trình thụ tinh hay phát triển của phôi thai; Thai bị dị dạng như phù rau thai, não úng thủy, vô sọ…; Thai nhi không lấy được không khí và dưỡng chất từ mẹ do bánh rau thai bị xơ hóa; Sự phát triển không đồng đều của đa thai có thể làm một trong hai thai nhi bị chết. Về phía phần phụ của thai, dây rốn bị chèn ép, dây rốn bị xoắn, dây rốn bị rối và quấn vào cổ; Bánh rau bị bong, xơ hóa, u mạch máu màng đệm; Lượng nước ối bất thường, quá nhiều hay quá ít cũng làm thai nhi bị chết lưu.
Có những trường hợp sản phụ mắc thai lưu mà không rõ bất kỳ nguyên nhân nào, đó là trường hợp thai lưu không rõ nguyên nhân. Với những thai phụ đã có tiền sử thai lưu, để mang thai lần tiếp theo được an toàn, mẹ nên xét nghiệm sàng lọc trước khi có thai:
- Xét nghiệm hội chứng antiphotpholipid được làm trong lúc thai lưu nhưng vẫn trong bụng mẹ hoặc trước 2 tuần sau khi hút thai;
- Xét nghiệm bệnh lây qua đường dục (giang mai);
- Làm nhiễm sắc thể đồ tìm nhiễm sắc thể bất thường ở cả bố và mẹ;
- Xét nghiệm phát hiện bất đồng nhóm máu Rh.
Ngoài ra, mẹ mang thai nên có chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và con. Nên luyện tập thể dục thể thao nâng cao sức khỏe, tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm và giữ cho tinh thần lạc quan, vui vẻ.