Lâu nay, việc đun nước lá mùi già để tắm chiều 30 Tết đã trở thành một việc không thể thiếu với nhiều gia đình, như một phong tục đẹp.
Đi chợ Tết vào những ngày 29, 30, trong rất nhiều thứ cần mua, các bà nội trợ không bao giờ quên lá mùi già về đun nước tắm.
lá
Theo quan niệm dân gian, tắm nước lá mùi già trong ngày cuối năm mang ý nghĩa tẩy những điều không sạch sẽ, xua tan những chuyện không hay để nghênh đón những điều may mắn trong năm mới.
Ngoài ý nghĩa truyền thống, nhiều người thích tắm nước lá mùi vì nó mang lại cảm giác thoải mái, dễ chịu. Đun một nồi nước lá mùi, cả căn nhà cũng trở nên thơm tho hơn, có không khí Tết hơn. Còn theo Đông y, cây mùi còn có tác dụng giảm đau nhức nửa đầu, giảm căng thẳng, làm sạch da…
Lá mùi dùng để tắm thường là lá mùi già, có hoa, lác đác những trái nhỏ, thân chuyển từ màu xanh sang nâu tía.
Chị Hà (Đông Anh - Hà Nội) tiểu thương kinh doanh lá mùi già cho biết, từ sáng đến giờ chị đã bán được 1 tạ lá mùi. Đấy là năm nay tình hình buôn bán chậm hơn, chứ như mọi năm mỗi ngày gia đình chị mang vào thành phố đến vài tạ hàng.
Những ngày cuối năm có thể bắt gặp những xe bán mùi già ở nhiều góc phố hay tại các chợ.
Lá mùi già mua về sẽ được rửa sạch, không để nát lá rồi cho vào nồi nước đun sôi sẽ tạo mùi thơm rất dễ chịu khi tắm.
Nhiều nơi còn bán lá mùi cùng các loại lá xông khác. Các loại lá xông đều có vị cay, tính ấm, có tác dụng lưu thông khí huyết, giải tỏa căng thẳng thần kinh phục hồi sức khỏe.
Cùng với nhịp sống hiện đại, những nét truyền thống như tắm nước lá mùi khộng những vẫn tồn tại mà ngày càng phổ biến, trở thành một phong tục đẹp không thể thiếu trong ngày Tết mà ai cũng hào hứng giữ gìn..
>>> Mời độc giả xem thêm video Mê mẩn “mâm cỗ” ngày Tết phải mất 3 tháng mới “nấu” xong