Không quá 3 ngày
Khi nhiệt độ xuống thấp, chúng ta sẽ xuất hiện tâm lý ngại tắm, sợ tắm, thậm chí nhiều người còn xác định “bẩn thì chỉ khó chịu nhưng không chết, nhưng tắm ngày lạnh, cơ thể bị lạnh thì có thể sinh bệnh mà chết”. Vì thế, nhiều người vào ngày lạnh thường bỏ qua việc tắm. Điều đáng nói, vào những đợt rét, nhiệt độ xuống thấp có thể kéo dài đến 5 -7 ngày, có những người suốt cả quãng thời gian này không tắm giặt.
BS Hoàng Xuân Đại, nguyên chuyên viên Bộ Y tế cho biết, vào những ngày nhiệt độ hạ thấp, nếu không phải làm những việc tiết mồ hôi như luyện tập thể thao, làm các công việc chân tay nặng nhọc… thì không nhất thiết ngày nào cũng phải tắm, có thể cách một ngày tắm một ngày, hoặc 2 -3 ngày tắm một lần.
Tuy nhiên thời gian không quá 3 ngày. Lý do là bởi dù mùa đông thì cơ thể vẫn hoạt động, các bộ phận của cơ thể vẫn hoạt động và bài tiết, dù với các công việc nhẹ nhàng không tiết mồ hôi, nhưng các tế bào chết vẫn hình thành, vì thế, nếu để quá lâu, các chất cặn bã mà cơ thể thải ra sẽ bít các lỗ chân lông khiến da không “thở” được từ đó sinh bệnh, bệnh do ở bẩn.
Ngoài ra một lưu ý nữa, là vào những ngày không tắm, bạn vẫn cần phải vệ sinh các khu vực nhạy cảm, hãy dùng khăn mềm và nước ấm loại bỏ vi khuẩn ở vùng nhạy cảm như nách, bộ phận sinh dục…, và đặc biệt là phải thay quần áo mặc trong bằng một bộ quần áo mới.
Chuyên gia Nguyễn Minh Hương: Bạn không nên tắm bằng nước quá nóng. Tắm nước quá nóng có thể sẽ khiến da bị mất đi độ ẩm nhất định, dễ gây kích ứng, khô nẻ, thậm chí thường xuyên tắm lâu trong nước nóng không chỉ khiến da mà cơ thể cũng mất nước, gây mệt mỏi. Nước tắm nên pha với tỉ lệ là 2 lạnh, 1 nóng là vừa đủ. Khi tắm không nên dội nước nóng ào ào hoặc dội thẳng nước từ đầu xuống chân chân, hãy bắt đầu tắm bằng cách xối nước vào hai chân, hai tay rồi mới đến toàn bộ cơ thể để cơ thể từ từ thích nghi. Khi tắm xong, bạn nên dùng khăn bông mềm thấm khô da.
Tắm nhanh không cần sữa tắm/xà phòng
Thời gian tắm vào mùa lạnh nên kéo dài bao lâu thì phù hợp?. Theo BS Hoàng Xuân Đại, thời gian tắm không cố định, tùy từng người mà đưa ra thời gian tắm hợp lý để đảm bảo sức khỏe. Tuy nhiên, vào mùa đông, thay vì ngâm mình trong bồn nước, hoặc “thong thả” mát xa cơ thể vời sữa tắm/xà phòng, bạn có thể tắm nhanh trong vòng 5- 10 phút. Câu hỏi đặt ra là trong 5 -10 phút, có thể bạn sẽ không làm sạch hết sữa tắm/ xà phòng bám trên cơ thể.
Chuyên gia Nguyễn Minh Hương, Thẩm mỹ viện Trúc Lâm (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, nhiều người cho rằng, nếu không tắm bằng xà phòng/sữa tắm, cơ thể sẽ không thể gột bỏ được các tế bào chết và vi khuẩn bám trên da. Thực tế, chúng ta không phủ nhận vai trò của sữa tắm/xà phòng tắm trong việc loại bỏ vi khuẩn, tế bào chết trên cơ thể cũng như tác dụng dưỡng da, tăng độ ẩm cho da, thậm chí còn giúp làn da có mùi thơm của sữa tắm/xà phòng.
Tuy nhiên, không nhất thiết ngày nào cũng phải tắm bằng xà phòng/sữa tắm. Cần nhớ rằng, nước cũng có vai trò làm sạch rất tốt, ngoài ra, bản thân làn da của chúng ta cũng có khả năng tự làm sạch. Thời gian xưa, khi chưa có sữa tắm, xà phòng, cha ông ta cũng chỉ dùng nước mà cơ thể vẫn đảm bảo sạch sẽ. Vì thế, bạn không nhất thiết phải rập khuôn ngày nào cũng tắm bằng sữa tắm/xà phòng. Vì vậy bạn có thể yên tâm nhanh vào mùa đông mà không cần đến các chất tẩy rửa này.
Ngoài ra, dù tắm nhanh, tắm “qua” như cách gọi của nhiều người, thì bạn vẫn phải đảm bảo tắm kỹ các khu vực nhạy cảm như cổ, nách, bẹn, gót chân, bàn chân, kẽ chân, móng chân… thường là những khu vực “bẩn” nhất trên cơ thể.