Theo Reuters, chính quyền mới của Afghanistan do Mullah Abdul Ghani Baradar đứng đầu cũng sẽ có sự tham gia của con trai thủ lĩnh đầu tiên của Taliban Mullah Omar, Mullah Yaqoob, đại diện đàm phán của phong trào Taliban tại Doha, Sher Mohammad Abbas Stanekzai.
Thủ lĩnh tôn giáo Haibatullah Akhunzada của Taliban sẽ thực hiện quyền kiểm soát, tập trung vào các vấn đề tôn giáo và quản trị trong khuôn khổ của Hồi giáo.
Reuters dẫn lời một quan chức Taliban cho biết: “Tất cả các nhà lãnh đạo cao nhất đã đến Kabul, đang trong giai đoạn chuẩn bị cuối cùng để công bố chính phủ mới”.
Abdul Ghani Baradar là đồng sáng lập và là phó thủ lĩnh tối cao của Taliban ở Afghanistan. Trước khi trở thành lãnh đạo cơ quan chính trị của Taliban, ông ta đã giữ các chức vụ cao cấp của Taliban trong thời gian lực lượng này cầm quyền từ năm 1996 đến năm 2001.
Khi Liên quân do Mỹ dẫn đầu tiến hành cuộc tấn công năm 2001, Baradar lãnh đạo nhóm chiến binh Taliban ở Pakistan. Năm 2010, bị bỏ tù. Theo một số thông tin, ông ta được trao quyền bí mật thảo luận về một thỏa thuận hòa bình với các quan chức Afghanistan. Sau khi được trả tự do theo yêu cầu của Mỹ vào năm 2018, Baradar lãnh đạo cơ quan chính trị của Taliban.
TOLONews dẫn tuyên bố một thành viên Ủy ban Văn hóa Taliban, Anamullah Samangani, cho biết một lãnh đạo khác của phong trào, Mullah Hibatullah Akhundzada, có thể sẽ đứng đầu chính phủ Afghanistan. Abdul Ghani Baradar được cho là sẽ trở thành Bộ trưởng Ngoại giao mới.
Nếu xét mối quan hệ của Baradar với Mỹ và vai trò trong các cuộc đàm phán Doha, khả năng cao là Baradar được đề cử làm người đứng đầu chính phủ mới.
Trong một diễn biến thú vị, ngày 1/9, Al Jazeera bản tiếng Anh đưa tin: Các chiến binh Taliban cảm thấy "tức giận" và "bị phản bội" sau khi phát hiện quân đội Mỹ đã vô hiệu hóa hàng chục máy bay trước khi hoàn tất rút quân khỏi thủ đô Kabul của Afghanistan.
Quân đội Mỹ rút khỏi sân bay Kabul ngày 30/8. Trước khi cất cánh, theo Tướng Frank McKenzie, tư lệnh trưởng Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ, binh sĩ đã "vô hiệu hóa" 73 máy bay.
Phóng viên Charlotte Bellis của Al Jazeera, có mặt ở sân bay Kabul ngay sau khi rút quân cho biết, vì một lý do nào đó, Taliban hy vọng Mỹ để lại các máy bay chiến đấu nguyên vẹn cho khai thác sử dụng.
“Khi tôi đặt câu hỏi, tại sao bạn nghĩ rằng người Mỹ sẽ để mọi thứ nguyên vẹn cho bạn? Họ nói vì chúng tôi tin rằng đó là tài sản quốc gia, chúng tôi là chính quyền mới và điều này có ích cho chúng tôi” - Bellis nói trong phóng sự - "Họ thất vọng, họ tức giận, họ cảm thấy bị phản bội vì tất cả các trang thiết bị này đều bị hỏng không thể sửa chữa được".
Lực lượng Taliban hiện đang có 48 máy bay cường kích hạng nhẹ của Lực lượng Không quân Afghanistan (AAF). Không rõ bao nhiêu máy bay có thể hoạt động. Hiện nay, Taliban chỉ có thể khai thác sử dụng một số máy bay trực thăng Mi-8/17 và UH-60 Black Hawk. Hàng chục máy bay chiến đấu khác do Mỹ viện trợ đã chạy sang Turkmenistan và Tajikistan.
Trong tương lai, Taliban chắc chắn sẽ cần sự hỗ trợ của nước ngoài để phục hồi lực lượng không quân. Không có gì ngạc nhiên nếu Mỹ tiếp tục cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho chính kẻ thù của mình với lý do hợp tác chống IS ở Afghanistan. Không thể khẳng định được mối quan hệ phức tạp giữa Mỹ và Taliban trong cuộc chơi địa chính trị ở Trung Đông.