Hiện nay, ung thư lưỡi ngày càng gia tăng, chủ yếu ở người bệnh trên 40 tuổi, nguyên nhân chủ yếu do hút thuốc lá và uống rượu.
Khoảng 70% người bệnh ung thư lưỡi khi phát hiện bệnh là ở giai đoạn 3 hoặc 4 khi vùng khoang miệng, lưỡi đã lở loét nặng nề. Người bệnh phải chịu đựng đau đớn khi ăn, nuốt, thậm chí miệng có mùi khó chịu…
Tùy vào tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Tuy nhiên, phương pháp điều trị chính thường là phẫu thuật cắt bỏ gần như toàn bộ hoặc toàn bộ lưỡi nếu ở giai đoạn trễ và sau phẫu thuật, người bệnh sẽ bị khuyết hổng lưỡi, sàn miệng, đáy lưỡi, amiđan, vòm khẩu cái… ảnh hưởng nặng đến chức năng nói và nuốt.
Ung thư lưỡi là một trong 20 loại ung thư thường gặp nhất, ở giai đoạn đầu các triệu chứng thường không rõ ràng nên rất dễ bị bỏ qua. Thường người bệnh có cảm giác như có dị vật hoặc xương cá cắm vào lưỡi, rất khó chịu nhưng qua đi nhanh.
Ngoài ra ở lưỡi có một điểm nổi phồng, niêm mạc trắng, xơ hóa hoặc tổn thương là vết loét nhỏ. Có những người có thể sờ thấy tổn thương chắc, rắn, không mềm mại như bình thường. Bên cạnh đó, nguyên nhân dẫn đến ung thư lưỡi một phần do người bệnh sử dụng nhiều bia rượu, thuốc lá và vệ sinh răng miệng kém hoặc chấn thương do răng nhọn gây ra khi cọ xát nhiều vào vùng da trong miệng.
Việc điều trị ung thư lưỡi giai đoạn đầu khi bướu còn nhỏ, bác sĩ có thể chọn phẫu thuật hoặc xạ trị tùy theo tình trạng bệnh và nhu cầu người bệnh. Tuy nhiên, ung thư lưỡi phát hiện ở giai đoạn sớm thì có thể được phẫu thuật tạo hình lại, phục hồi chức năng nói, nuốt giúp người bệnh quay lại cuộc sống thường nhật.
Từ năm 2020 đến nay, Khoa Ngoại Ung bướu và chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp đã tái tạo lưỡi cho hàng chục người bệnh ung thư lưỡi và mang lại kết quả điều trị vô cùng tích cực.
Gần đây nhất là trường hợp người bệnh nam 53 tuổi tại Cát Bà, Cát Hải, Hải Phòng mắc ung thư lưỡi giai đoạn muộn, nhập viện trong tình trạng có khối u to vùng lưỡi bên trái cùng hạch cổ nổi to. Trải qua 3 đợt hóa trị để u và hạch nhỏ lại, người bệnh được chỉ định phẫu thuật cắt bán phần lưỡi, nạo vét hạch và tạo hình lưỡi từ phần cơ và da ở ngực. Sau phẫu thuật, người bệnh phục hồi gần như hoàn toàn về chức năng nói, nuốt cũng như hình thể của lưỡi.
Hình ảnh người bệnh phục hồi hoàn toàn sau phẫu thuật - Ảnh: BVCC |
Để thực hiện tạo hình khuyết hổng lưỡi, các bác sĩ đã sử dụng các loại vạt từ chính cơ thể của người bệnh như: vạt da cơ ngực lớn, vạt dưới cằm, vạt cơ bám da cổ, vạt đùi trước ngoài… đảm bảo sao cho tất cả người bệnh sau phẫu thuật không bị ảnh hưởng chức năng hô hấp, nuốt và giao tiếp.
Đây là một kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi đội ngũ phẫu thuật viên phải có kinh nghiệm và chuyên môn sâu.
Cách phòng ngừa ung thư lưỡi
– Giữ gìn vệ sinh răng miệng, bỏ các thói quen xấu như hút thuốc lá, sử dụng rượu bia…
– Khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, cần đến ngay Khoa Ngoại Ung bướu để có thể phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
BSCKI. Nguyễn Bá Mạnh, Phó trưởng Khoa Ngoại Ung bướu và chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp