Đổi mới xương do hai quá trình tạo xương và hủy xương tồn tại song song. Các tế bào hủy xương (hủy cốt bào) có vai trò hủy xương, các tế bào tạo xương (tạo cốt bào) có chức năng tạo mới xương thay thế cho phần xương bị hủy. Ở trẻ em, quá trình tạo xương mạnh hơn hủy xương làm cho xương phát triển. Ở người già quá trình hủy xương mạnh hơn tạo xương gây ra tình trạng loãng xương. Ở tuổi thiếu niên xương phát triển nhanh, 18 - 20 tuổi ở nữ hoặc 20 - 25 tuổi đối với nam xương phát triển chậm lại.
Loãng xương nguyên phát gồm loãng xương týp 1 là loãng xương sau mãn kinh ở phụ nữ, loãng xương týp 2 là loãng xương tuổi già, gặp ở cả nam và nữ. Loãng xương thứ phát do bất động quá lâu, do các bệnh nội tiết như cường vỏ thượng thận, suy tuyến sinh dục, cường giáp trạng, do thuốc như corticoid, heparin...
Hormon sinh dục nữ estrogen có tác dụng ức chế hoạt động của tế bào hủy xương. Sau mãn kinh, nồng độ oestrogen giảm mạnh, làm tế bào hủy xương không bị ức chế và tăng hoạt động làm tăng quá trình hủy xương. Loãng xương thường xuất hiện sau mãn kinh 3-4 năm. Người bệnh có thể không biết mình mắc bệnh cho đến khi xương trở nên yếu đi, dễ gãy khi gặp những sang chấn nhỏ ví dụ như trẹo chân, va đập hoặc té ngã. Giảm mật độ xương khiến xương ở cột sống có thể bị xẹp (còn gọi là gãy lún). Biểu hiện của tình trạng này bao gồm có cơn đau lưng cấp, giảm chiều cao, dáng đi khom và gù lưng. Cảm giác đau nhức các đầu xương, người bệnh sẽ cảm thấy đau dọc các xương dài, thậm chí đau nhức như bị kim chích toàn thân.
Đau ở vùng xương chịu gánh nặng của cơ thể thường xuyên như: cột sống thắt lưng, xương chậu, xương hông, đầu gối, những cơn đau lặp lại nhiều lần. Những cơn đau sẽ tăng lên khi vận động, đi lại, đứng ngồi lâu và sẽ thuyên giảm khi nằm nghỉ. Đau ở cột sống thắt lưng hoặc hai bên liên sườn, gây ảnh hưởng đến các dây thần kinh liên sườn, dây thần kinh đùi và thần kinh tọa. Những cơn đau trở nặng khi vận động mạnh hoặc bất ngờ thay đổi tư thế. Vì vậy, người có dấu hiệu bị loãng xương thường rất khó thực hiện những tư thế như cúi gập người hoặc xoay hẳn người.
Hậu quả của loãng xương là gãy xương, có thể gãy cổ xương đùi và lún xẹp đốt sống (chiếm 50% các loại gãy xương và chiếm 25% số người trên 70 tuổi), gãy đầu dưới xương cẳng tay. Phụ nữ sau mãn kinh có thể bị thấp đi 6,4cm và hình ảnh của lún đốt sống có thể là gù, còng lưng và vẹo cột sống. Để điều trị loãng xương, các bác sĩ sử dụng thuốc giảm đau, canxi, vitamin, bổ sung nội tiết tố, thuốc tăng khối lượng xương (Thyrocalcitonin, Biphosphonate), chế độ ăn giàu canxi, chế độ vận động hợp lý, hạn chế chất kích thích (rượu bia, thuốc lá...). Các phương pháp vật lý trị liệu để giảm đau, đặc biệt dùng hồng ngoại và tử ngoại để tăng cường hấp thu vitamin D, từ trường để chống loãng xương.
PGS.TS Hà Hoàng Kiệm, BV Quân y 103