Nước mía dễ uống
Điều không thể phủ nhận được là nước mía dễ uống. Nó dễ uống bởi trong nước mía có một lượng đường nhất định. Trong thân cây mía, nếu ta ép lấy nước mía, cân đong lên thì trong thân mía có khoảng 8 - 18% là đường, tính trung bình là 15% đường trong đó. Tức là nếu bạn lấy 100g dóng mía róc vỏ để ăn được, sau đó ép ra lấy nước, bạn sẽ thu được khoảng 15g đường. Lượng đường có thể ít hơn hoặc nhiều hơn 15g tùy thuộc vào từng loại mía, nhưng với 2 loại mía thông thường phổ dụng thì bạn sẽ thu được từ 15 - 18g đường vì chúng là những giống mía ngọt.
Lưỡi ngọt thì thích, ngọt tạo ra xung động thần kinh dễ chịu từ đầu lưỡi, cơ thể của con người vốn hảo ngọt nên nước mía đương nhiên là dễ uống. Trong quá trình chế biến nước mía đá, người ta còn cho thêm chút chanh quất vào trong đó. Độ chua nhẹ của quất cộng với độ ngọt dịu của mía đã làm cho nước mía ngọt thanh, uống khá dễ chịu.
Nhờ vào đặc tính này của nước mía mà người ta rất thích uống nước mía.
Nước mía làm mát nhanh
Trong y học cổ truyền, mía được xếp vào nhóm thực vật có tính mát (tính lương), có tác dụng giải khát, tiêu phiền, bớt nhiệt bốc nóng. Càng uống nước mía thì bạn càng hấp thu nhiều “độ mát”, cơ thể bạn càng giải tỏa bớt nhiệt ra ngoài.
Mùa hè là mùa của nóng nực, mùa của nhiệt thịnh, mùa của bốc lửa, mùa của mất nước và khát nước. Nắng nóng làm hoa mắt, chóng mặt, rối loạn thần kinh.
Nước mía có tính mát, đã đối chọi được với tính nóng của mùa hè. Nước mía có tính giải khát đã đối chọi với sự mất nước. Nước mía làm tiêu phiền đã đối chọi với nhức đầu do nóng. Nước mía có khả năng làm tiêu nhiệt nóng đã đối chọi với bốc hỏa do nắng.
Do đó, chỉ cần uống 500ml nước mía đá, bạn sẽ thấy đã mát, tiêu nóng, bớt nhiệt và hồi phục nhanh. Trong quá trình chế biến, người ta còn cho thêm đá, để tạo ra cảm giác an dịu. Do đó, nước mía đã hấp dẫn thì càng hấp dẫn hơn. Từ trẻ con tới người cao tuổi, ai cũng thích uống nước mía đá.
Nước mía làm giải độc
Giải độc là đặc tính của nước mía. Nhưng mùa hè thì độc ở đâu? Hai thứ này ghép với nhau tưởng như chẳng liên quan. Song thực tình lại rất liên quan. Liên quan như sau:
Mùa hè làm mồ hôi thải ra nhiều. Mồ hôi ra càng nhiều, kéo theo đó là muối và chất béo ra theo. Nhưng chất này thường đọng lại ở cổ lỗ chân lông, làm hạn chế khả năng thải độc ra ngoài, chỉ còn khe hở hẹp cho mồ hôi thấm qua. Do đó, chất cặn bã sẽ bị đọng lại trong tuyến mồ hôi hoặc ngay cổ của lỗ chân lông. Nó không được tống thải ra ngoài da.
Mùa hè lại quá nóng. Nóng quá làm tổn thương tế bào niêm mạc bề mặt đường hô hấp. Chúng giải phóng ra các chất trung gian hóa học có hại. Những chất này gián tiếp làm ngộ độc cơ thể.
Mùa hè nhiệt thịnh, nhiệt thịnh làm suy chức năng gan, giảm hoạt động của tỳ vị, công năng khử độc của gan không còn tốt, chất độc thường bị ứ lại và tích tụ.
Mùa hè làm mất nước, nước tiểu thường ít và vàng đục. Đi tiểu thường đau gắt. Chất độc thường đọng kết lại trong thận.
Vì thế, vào mùa hè, bạn bị mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, tiểu gắt, tiểu vàng, tiểu són. Nguyên nhân một phần là do nắng nóng, một phần là do chất độc tích lại gây ra.
Nước mía thì sao? Nước mía không có độc. Uống nước mía, bạn không bị nhiễm thêm chất độc vào trong cơ thể. Trong khi đó, nước mía lại cung cấp đường đơn, đường này có lợi cho gan để khử nội độc tố, bởi trong quá trình khử độc, nhất định phải cần đường trong chuỗi phản ứng sinh hóa. Nước mía lại có nhiều nước, nước có nhiều sẽ làm hòa loãng chất độc ra.
Đối với thận, nước mía có hoạt tính lợi tiểu. Chỉ cần uống từ 500ml - 1.000ml nước mía trong 1 ngày, bạn sẽ thấy lợi tiểu thu được rõ. Nước tiểu sẽ có nhiều hơn, trong hơn, đi tiểu bớt buốt rát hơn, chất độc sẽ bị rửa trôi ra khỏi thận. Điều này thực có lợi. Thế nên nước mía được khuyên nên uống trong ngày hè.
Nước mía ngừa say nắng
Say nắng là một trong những biến chứng nặng nhất của nắng nóng gây ra. Cơ chế gây ra rối loạn này có nhiều. Một số cơ chế sau được chỉ ra: mất nước, rối loạn điện giải, thân nhiệt tăng cao, ức chế thần kinh. Và nếu dựa theo cơ chế này thì nước mía hoàn toàn đập tan được say nắng và dự phòng không cho nó xảy ra.
Nếu say nắng xảy ra do mất nước, bạn có thể yên tâm sử dụng mía vì nước trong mía có hàm lượng khoảng 80 - 85%. Nước từ mía lại là nước dễ hấp thu nên bạn sẽ tái cung cấp nước cho cơ thể.
Nếu say nắng xảy ra do rối loạn điện giải thì bạn có thể dẹp bỏ được cơ chế này. Vì trong nước mía có một ít can xi, phospho, kali, mangan, magie. Nhưng điện giải này sẽ làm bù vào phần khuyết thiếu do sự mất điện giải gây ra. Nhất là canxi, sẽ chống được co giật xuất hiện trong say nắng.
Nếu say nắng xảy ra do thân nhiệt tăng cao thì nước mía lại có tác dụng làm mát. Nó vừa không cung cấp năng lượng nhiều, vừa không sinh thêm nhiệt, vừa có tính mát lại vừa có tính tiêu khát. Vì thế, nó có thể làm thân nhiệt hạ xuống.
Nếu say nắng xảy ra do sự ức chế thần kinh thì nước mía có thể tái kích hoạt thần kinh, trì hoãn sự hôn mê. Đó là do trong nước mía có một nhóm chất sinh học có tên là policosanol. Nhóm chất này có tác dụng làm tăng giải phóng acetylcholin, vốn là một chất trung gian hóa học thần kinh quan trọng trên não bộ. Nó sẽ tái khởi động các quá trình dẫn truyền thần kinh, tái hoạt động các synap bị ức chế, tái hoạt hóa các trung tâm thần kinh sống còn của sự sống.
Với chừng ấy thứ như thế, nước mía xứng đáng có được quyền năng chống và dự phòng say nắng. Và đương nhiên, bạn rất nên sử dụng nước mía trong ngày hè.
Để có được tác dụng này, bạn phải chấp nhận tốn kém. Bởi liều nước mía cốt có được tác dụng này là 40ml/kg cơ thể (nước mía cốt chứ không phải nước mía hòa với đá). Tức là bạn phải sử dụng chừng 2 lít nước mía trong 1 ngày trong đó có ít nhất 1 lít được sử dụng trước và trong khi làm việc dưới nắng nóng. Uống hết được chừng này, bạn sẽ yên tâm hạ thấp được nguy cơ say nắng xảy ra. Liều nước mía có thể được hạ thấp nếu bạn sử dụng thêm rau má và rau diếp cá đi kèm.
Nước mía tăng sức mạnh tình dục
Một trong các khía cạnh khác người ta khuyên nên uống nước mía mùa hè đó là bởi sự liên quan đến sức mạnh tình dục. Mùa hè nóng nên sự ôm ấp, vuốt ve thường ít được ưa thích. Sự nóng nực làm giảm hứng thứ chuyện chăn gối phòng the của các cặp vợ chồng. Nước mía có thể giúp đỡ chuyện này.
Bằng các nghiên cứu khoa học, người ta đã chỉ ra nước có khả năng làm thay đổi hoạt động tình dục của con người. Về khía cạnh này, nó có 3 tác dụng: tăng ham muốn tình dục, tăng độ dẻo dai tình dục và tăng số lượng tinh trùng trong mỗi lần xuất quân.
Để chứng thực điều này, người ta đã ép lấy nước mía, làm bay bớt hơi nước để thu lấy một dung dịch gọi là dung dịch sáp của nước mía. Trong dung dịch này có đầy đủ dưỡng chất của nước mía nhưng ở trạng thái cô đặc, bảo toàn các chất sinh học và đặc biệt là vô khuẩn hoàn toàn.
Tiếp đến, người ta tách các tế bào sinh hormon cư trú ở trong tinh hoàn (các tế bào Leydig). Cho thêm một chút ít hormon LH. Sau một thời gian, người ta thấy, nước mía không những không làm chết tế bào sinh hormon mà ngược lại, còn làm cho chúng sinh sôi phát triển nhiều hơn.
Đem lấy dịch trong ở xung quanh tế bào sinh hormon đi xét nghiệm, người ta thu được kết quả ấn tượng, nồng độ hormon nam giới testosteron tăng lên khá cao. Chính sự tăng cao hoóc-môn testosteron đã làm cho người nam giới tự nhiên thèm chuyện ấy, khi đã lâm trận thì cuộc tình kéo dài và bản thân hormon này làm tăng sản xuất tinh trùng. Nên thực ra không có gì là khó hiểu khi uống nước mía tự nhiên lại thu được chuyện tăng tinh trùng. Chỉ với một nồng độ rất thấp của sáp mía, vào cỡ 12 - 50ug/ml, đã thu được hiệu ứng này.
Thế nên, nước mía được xem là thức uống có thể bổ sung để giúp bạn không còn lười chuyện ấy trong mùa hè “nóng phát ngốt”.
Nước mía giải bia rượu
Về mặt này, cánh mày râu xem ra hả hê. Bởi nó như là phương thức giúp cánh mày râu thỏa cơn khát bia mà vẫn không lo ngộ độc. Sự tình được biện giải như sau:
Cánh mày râu vốn có thói quen rủ nhau xà vào các quán bia mỗi khi chiều đến. Nhẹ nhàng thì ngồi bia hơi, khá hơn thì gọi bia chai, sang hơn thì ngồi trong nhà hàng. Họ quan niệm uống bia lạnh, ực một ngụm to sẽ đã khát tuyệt đỉnh. Và họ thấy sảng khoái thật.
Sự thực, độ sảng khoái đó đến từ 2 tác dụng: bia được bảo quản lạnh, uống lạnh là đã sướng; bia có nồng độ cồn nhẹ, làm nâng thần kinh, tăng sự hưng phấn, làm tạm thời quên đi cái nóng như thiêu của mùa hè. Cho nên, từ thành thị tới nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược, từ bắc vào nam, đâu đâu cũng thấy mấy anh đàn ông con trai thích uống bia vào chiều hè. Và các quán nhậu thì đông như không đếm xuể.
Do sự lạm dụng bia rượu, người ta khuyên nên uống nước mía mùa hè vì nước mía có tác dụng giải bia rượu.
Nước mía ngọt, vì ngọt nên đi vào gan rất nhanh. Nước mía ngọt, vì ngọt nên hóa giải rượu rất tốt. Gan là cơ quan chuyển hóa bia rượu, là nơi sử dụng đường để biến đổi lượng bia rượu uống vào nên nước mía vô hình trung đã thúc đẩy quá trình giải bia rượu rất nhanh.
Nước mía lại có tác dụng chống nôn nên sẽ làm giảm nhẹ triệu chứng của nhiễm độc bia rượu. Trong nước mía có một ít thiamin, tức là vitamin B1. Chất này là chất xúc tác làm thúc đẩy nhanh quá trình chuyển hóa trong gan.
Lợi dụng đặc tính này, người ta thường khuyên uống nước mía trước khi uống bia rượu hoặc có thể uống sau đó khi cảm thấy hơi chếnh choáng. Các anh con trai mày râu cũng đã rất tỉnh trong vấn đề này, dù có khi hơi ngà say nhưng vẫn đủ “tỉnh đòn” biết lấy một ít nước mía uống sau khi lỡ uống quá cốc.
Nhưng chỉ có ba lưu ý:
1. uống từng ngụm nhỏ; 2. chỉ uống khi dừng ở mức chếnh choáng, say hơn không sử dụng được; 3. nước mía không vô song nên đừng lấy tư tưởng dựa dẫm để uống bia vô tội vạ.
Để thu được tác dụng này, bạn ép lấy 1 lít - 1,5 lít nước mía cốt, cho vào đó 2 quả quất nhỏ, 4 lát gừng bé, ép lẫn. Sau đó nhấp dần từng ngụm. Làm thế nào uống được hết chỗ nước mía đó trong 2 giờ. Bạn sẽ bớt nôn do bia rượu và chừng khoảng 1 giờ sau, bạn sẽ cảm thấy tỉnh rượu hơn. Nếu bạn uống dưới liều 1 lít nước mía, tác dụng sẽ không thu được. Liều hiệu dụng là 25mg nước mía cho 1kg thể trọng.
Nước mía chống táo bón ngày hè
Táo bón như một rối loạn đặc trưng của mùa hè. Trong mùa hè, tỷ lệ người bị táo bón tăng cao hơn so với thông thường, tất nhiên, ta phải loại trừ những người bị ngộ độc thực phẩm. Tại sao lại có hiện tượng này?
Đó là vì mùa hè làm mất nước qua đường mồ hôi. Mất nước nên cơ thể hấp thu nước rất mạnh từ mọi nguồn, trong đó có ruột. Phân bị hấp thu nhiều nước nên đã cứng và rất rắn. Mùa hè nóng nực làm ức chế thần kinh, hoạt động của hệ thần kinh giao cảm bị giảm xuống, nhu động ruột cũng giảm theo, khiến cho sự ngừng trệ phân tăng lên. Vì vậy phân đã cứng lại càng cứng hơn. Mùa hè nóng làm tăng sự tích tụ, ngưng kết, phân sẽ có điều kiện tích lại và đóng kết lại khiến cho táo bón gia tăng.
Nước mía đối ngịch với vấn đề này. Nước mía làm hết táo.
Nó thực hiện được bằng các cơ chế sau: nóng làm tích kết, nước mía làm thanh nhiệt, hết nóng, phá tích tụ; mất nước làm hấp thu nước từ phân, nước mía tái cung cấp nước làm mềm phân; nắng hè làm ức chế nhu động ruột, nước mía làm kích thích nhu động ruột nhờ vào các hoạt chất policosanol có ở trong nước mía; nhuận tràng kém thì phân tích cứng, nước mía làm nhuận tràng hết cứng phân.
Do đó, không có gì khó hiểu khi người ta lại khuyên bạn nên uống nước mía mùa hè. Uống để hết táo bón do nóng hỏa gây ra.
Uống như nào để thu được tác dụng này? Bạn lấy 50ml nước mía, lại lấy tiếp 50ml mật ong. Hai thứ này đem trộn vào nhau, có thể cho thêm đá, cứ thế uống ngày 2 lần kéo dài từ 3 - 5 ngày liền. Nhớ là uống lúc đói. Vài ngày sau, bạn thấy đi dễ như không có chuyện gì xảy ra.
Lưu ý:
Rõ ràng là nước mía có lợi khi sử dụng trong ngày hè. Đặc biệt khi nước mía được cộng thêm với đá lạnh. Nhưng để đảm bảo thu được lợi mà không nhiễm thêm hại, bạn phải đảm bảo vệ sinh trong quá trình chế biến.
Mía không được ngâm tẩm chất độc, vỏ phải được cạo sạch, ép ngay khi róc ra, nếu không ép ngay thì phải được che chắn cẩn thận khỏi côn trùng ruồi muỗi. Máy ép nước mía phải được vệ sinh. Nhất là đá lạnh. Đá lạnh thường xuyên bị nhiễm chất độc, chất bẩn, vi khuẩn và mầm bệnh kèm theo. Bạn phải đảm bảo đá sử dụng là đá sạch.
Nếu không tin tưởng thì bạn nên mua nước cốt mía và mang về tự chế đá trong tủ lạnh gia đình. Có như vậy, nước mía sẽ lợi hoàn toàn. Tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm là tiêu chí quan trọng nhất trong ngày hè. Nếu không, lợi chưa thấy mà hại thì đã kéo đến trước.