Tại sao không đánh thuế vàng?

Các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải đánh thuế vàng. Nhiều người mua vàng đầu cơ, mua bán nhằm sinh lời, khi đã kinh doanh cần phải chịu một số sắc thái thuế cho hoạt động đầu tư giống bất động sản, chứng khoán.

Giá vàng trong nước thời gian qua có nhiều biến động, liên tiếp lập kỷ lục, “một mình một chợ”. Trong khi đó, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn ở mức cao. Để ổn định thị trường vàng, bên cạnh việc xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC, cho phép nhập khẩu vàng…, một số ý kiến đề xuất đánh thuế vàng. Bởi thực tế, bên cạnh nhu cầu mua vàng tích trữ, nhiều nhà đầu tư “lướt sóng” vàng kiếm lời.

Trao đổi với Khoa học và Đời sống, TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam; chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú; Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Law firm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), chia sẻ góc nhìn về đề xuất trên.

Nên đánh thuế vàng

Cùng việc xóa độc quyền vàng miếng, mở lại nhập khẩu vàng, một số ý kiến đề xuất nên đánh thuế vàng, bởi thực tế thời gian qua, không ít nhà đầu tư “lướt sóng” để kiếm lời. Các chuyên gia đánh giá sao về đề xuất này?

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú: Vàng là loại hàng hóa đặc biệt. Vì vậy, mua bán vàng phải chịu thuế là hợp lý. Thực tế, những biến động thị trường vàng gần đây cho thấy, bên cạnh người dân có nhu cầu mua vàng tích trữ, số lượng đầu cơ, “lướt sóng” kiếm lời không ít.

Trong công điện mới nhất, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước cùng các bộ, ngành quản lý thực hiện ngay giải pháp bình ổn thị trường vàng, xử lý tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và quốc tế ở mức cao. Mục tiêu không để tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế, tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.

Ngân hàng Nhà nước đã trình sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng theo hướng xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC, đề xuất khả năng cho phép doanh nghiệp đủ điều kiện sản xuất vàng miếng. Tuy nhiên, trên thực tế, nhu cầu mua vàng hiện vẫn cao do đầu tư vàng mang lại lợi nhuận cao hơn đầu tư bất động sản, gửi tiết kiệm hay chứng khoán. Do đó, việc xem xét đánh thuế vàng là cần thiết để chống "vàng hóa" nền kinh tế. Chúng ta cần dùng công cụ thuế để điều tiết những giao dịch có tính chất đầu cơ, mua vàng miếng tích trữ.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú.

Luật sư Trương Anh Tú: Cần nghiên cứu kỹ việc đánh thuế vàng. Bởi hiện nay, vàng cũng có nhiều sắc thái thuế đánh vào, như thuế giá trị gia tăng VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu…

Thống kê của Hội đồng Vàng thế giới cho thấy, trong vài năm gần đây, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 50-60 tấn vàng nguyên liệu, nhưng tổng lượng vàng khai thác được trong nước chỉ đạt 2-3 tấn/năm. Như vậy, gần như toàn bộ lượng vàng nguyên liệu cần thiết cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước phải nhập từ nước ngoài. Nói cách khác, nước ta chủ yếu nhập khẩu vàng.

Trong khi đó, Việt Nam hiện nay quy định thuế suất nhập vàng thỏi cao nhất khu vực (3%), trong khi đại đa số quốc gia khác giảm xuống còn 0,5% hay 0%. Đặc biệt, hầu hết nước và vùng lãnh thổ trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Hồng Kông, Đài Loan... đến nay đều áp dụng mức thuế nhập khẩu vàng nguyên liệu 0%.

Do chi phí nhập vàng nguyên liệu cao, cộng với thuế GTGT đánh vào vàng thành phẩm cũng cao (trước đây 20%, mới giảm xuống 10%), khiến giá thành sản phẩm vàng trang sức mỹ nghệ bán ra thị trường không có tính hấp dẫn và không cạnh tranh được với hàng hoá vừa đẹp vừa rẻ của các quốc gia láng giềng có thị trường vàng phát triển, thuế suất nhập khẩu ở mức 0% như Thái Lan, Malaysia...

Các chủ doanh nghiệp cho rằng, đây cũng là một trong những nguyên nhân chính làm cho lượng vàng trang sức xuất khẩu ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam chỉ dừng ở con số nhỏ.

Luật sư Trương Anh Tú

TS Lê Duy Bình: Tôi lại cho rằng, việc đánh thuế vàng nên làm. Bởi các loại thuế nhập khẩu, thuế VAT hay thuế thu nhập doanh nghiệp… mang ý nghĩa khác. Thời gian qua, nhìn trên thị trường vàng có thể thấy, hoạt động mua bán vàng không chỉ để làm tài sản, tích lũy tài sản, mà còn là hoạt động đầu tư của rất nhiều người dân, của nhiều nhà đầu cơ. Khi đã là hoạt động đầu tư, kinh doanh có sinh lời thì nên chịu một số sắc thái thuế cho hoạt động đầu tư đó.

Thực tế, việc mua đi, bán lại là hoạt động đầu tư. Một số kênh đầu tư như cổ phiếu chứng khoán, trước cũng không đánh thuế, nhưng sau có lãi, vẫn phải đánh thuế hay như bất động sản và một số hoạt động đầu tư khác, có lãi phải nộp thuế. Do đó, nếu coi vàng là hoạt động đầu tư, phải chịu một sắc thái thuế mới, cũng thông lệ của các nước trên thế giới.

Những lưu ý nếu đánh thuế vàng

Thưa các chuyên gia kinh tế, nếu đánh thuế vàng, chúng ta cần phải lưu ý những điều gì?

TS Lê Duy Bình: Khi đánh thuế vàng, cần phải phân định, nếu người dân có nhu cầu mua vàng làm tài sản tích trữ hoặc trang sức, nhu cầu sử dụng, sẽ không phải chịu thuế. Việc xác định mức thuế thế nào sẽ phụ thuộc quy định sau này để tách bạch và đúng ý nghĩa của sắc thái thuế đó.

Nếu hoạt động đầu tư vàng để kiếm lời, mua đi, bán lại, kinh doanh thì nên bị đánh thuế. Tuy nhiên, để làm được điều này, pháp luật cần có quy định rõ ràng, cụ thể và cần cả hệ thống hỗ trợ.

Ví như, vàng đó phải có giấy biên nhận, biên lai, hóa đơn mua bán rõ ràng, mới có cơ sở đánh thuế. Tôi cho rằng, việc thực thi đánh thuế vàng sẽ tương đối khó, phức tạp. Nhưng về mặt ý nghĩa, nguyên tắc, việc đánh thuế vàng nên làm.

TS Lê Duy Bình.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú: Trường hợp đánh thuế mua bán vàng, thuế suất bao nhiêu, Bộ Tài chính sẽ đề xuất và Quốc hội quyết định. Mua bán vàng phải có hợp đồng, hóa đơn ngay từ đầu vào đến khâu bán lẻ. Việc này vừa chống đầu cơ, buôn lậu, trốn thuế, vừa công khai, minh bạch trong quản lý.

Bên cạnh đó, Nhà nước không để độc quyền vàng ở thị trường nội địa, chống nhập lậu vàng và quản lý chất lượng vàng trong mua bán.

Xin cảm ơn các chuyên gia.

Mới đây, Tổng cục Thuế có công văn yêu cầu các Cục thuế địa phương tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động mua bán vàng, bạc, đá quý. Tổng cục Thuế chỉ đạo các Cục thuế, Chi cục thuế thực hiện rà soát toàn bộ doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh, gia công vàng, bạc, đá quý trên địa bàn quản lý, đặc biệt là hoạt động kinh doanh mua bán vàng nguyên liệu và vàng miếng.

Kịp thời phát hiện doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh có phát sinh mua bán, chế tác vàng, bạc, đá quý, nhưng không kê khai thuế, có sự chênh lệch giữa giá vốn, doanh thu thực tế với giá vốn, doanh thu kê khai thuế giá trị gia tăng.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện tổ chức, cá nhân kinh doanh vàng, bạc, đá quý vi phạm pháp luật về thuế, có dấu hiệu tội phạm, thì chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Pháp đánh thuế vàng thế nào?

Tại Pháp, yêu cầu khi bán vàng, chủ sở hữu nộp thuế 11% trên tổng số tiền bán hoặc nộp 36,2% trên mức lãi. Người có vàng sẽ được miễn thuế khi bán nếu nắm giữ từ 22 năm trở lên.

Người bán cần có hóa đơn khi mua. Giao dịch không có hóa đơn giá rất thấp vì bên mua phải nộp thuế thay bên bán (khi bán lại) và phải chịu một số loại phí, thuế khác.

Theo VietnamDaily
back to top