Ngày 15/6, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam triển khai chiến dịch tiêm chủng cho 70% dân số trưởng thành, tương đương 150 triệu liều vaccine Covid-19 để đạt được miễn dịch cộng đồng.
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu di truyền dịch tễ học và loãng xương thuộc Viện nghiên cứu Y khoa Garvan, Australia, đồng thời là Giám đốc Trung tâm Công nghệ Y tế thuộc Đại học Công nghệ Sydney, Australia, cho biết, chiến lược chống Covid-19 thực tế nhất là xây dựng một cộng đồng có khả năng miễn dịch để kiềm chế virus lây lan.
Theo đó, cách xây dựng hệ thống miễn dịch mạnh là tiêm chủng vaccine cho nhiều người trong cộng đồng, từ đó có kháng thể (antibodies) để chống trả virus. Nói cách khác, người được chủng ngừa gián tiếp bảo vệ người chưa hoặc không được tiêm chủng. Điều này cũng có nghĩa là tỷ lệ tiêm chủng càng cao thì nguy cơ lây lan trong cộng đồng càng thấp, và dịch sẽ được dập tắt. Đây là nguyên lý chính của khái niệm miễn dịch cộng đồng.
Theo các chuyên gia, con số 70% để đạt miễn dịch cộng đồng còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố. PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho biết con số 70% dựa trên các nghiên cứu về vấn đề miễn dịch cộng đồng trên thế giới.
Nói dễ hiểu, ví dụ trong một cộng đồng (phải là một quốc gia) có 10.000.000 dân, tiêm vaccine được 7.000.000 người thì 3.000.000 người còn lại có thể không tiêm nhưng dịch cũng không bùng phát lớn mà chỉ có các ca lẻ tẻ với ổ dịch rải rác.
Song, ông Phu nhận định, con số 70% chỉ đúng khi hiệu quả vaccine có giá trị 100%. Như vậy, lúc đó sẽ không cần áp dụng các biện pháp giãn cách, phong tỏa. Tuy nhiên, các nghiên cứu trên thế giới hiện nay cho thấy vaccine không thể đạt hiệu quả 100% nên con số 70% chỉ có giá trị tương đối.
Ngoài ra, nguy cơ vaccine không có tác dụng hoặc giảm hiệu quả với những biến chủng mới thì không thể nói là có miễn dịch cộng đồng với chủng mới này được, mặc dù cộng đồng đó đã có miễn dịch tác dụng với chủng cũ. Tuy vậy, tin tốt là các nghiên cứu cho thấy các vaccine hiện nay vẫn có tác dụng với tất cả các chủng virus đang lưu hành.
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, bên cạnh hiệu quả vaccine, tỷ lệ tiêm vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng còn phụ thuộc vào hệ số lây lan. Hệ số lây lan là nếu một người lây nhiễm cho hai người khác, và hai người đó lây nhiễm cho 4 người khác... thì hệ số lây lan là 2.
Đây là vấn đề của thống kê học. Mô hình cho biết tỷ lệ cần tiêm chủng để đạt miễn dịch cộng đồng là T = 1 - 1/R0. Trong đó, R0 là hệ số lây nhiễm. Như vậy, hệ số lây nhiễm càng cao thì T cũng càng lớn; R0 càng thấp thì T càng nhỏ. Đó chính là lý do tại sao hệ số lây nhiễm R0 rất quan trọng trong dịch tễ học bệnh truyền nhiễm.
Công thức trên dựa vào một giả định rất quan trọng là tiêm vaccine có thể bảo vệ tuyệt đối (100%). Tuy nhiên thực tế thì mức độ hiệu quả của đa số vaccine hiện nay không có cao như 100%, mà thường là 50 đến 95% như các nghiên cứu vaccine. Khi triển khai tiêm vaccine trong cộng đồng thì hiệu quả không cao như trong quần thể nghiên cứu. Do đó, T phải được điều chỉnh cho hiệu quả của vaccine.
Gọi E là hiệu quả của vaccine, tỷ lệ miễn dịch cộng đồng bây giờ là: T= (1 - 1/R) / E.
Như vậy, tỷ lệ miễn dịch cộng đồng phụ thuộc vào hai tham số là hệ số lây lan và hiệu quả vaccine. Kiểm soát hệ số lây lan phải thông qua biện pháp y tế công cộng. Kiểm soát E là qua vaccine. Phương trình này có ý nghĩa thực tế là: để kiểm soát dịch, chỉ vaccine vẫn chưa đủ, mà phải kèm theo biện pháp y tế công cộng như 5K Việt Nam đang áp dụng.
Theo một nghiên cứu tổng quan thì hệ số R = 2,87, tức tương đối cao, phản ảnh mức độ lây lan như chúng ta thấy ở Việt Nam. Nếu giả định rằng hiệu quả vaccine trong cộng đồng là 70%, thì tỷ lệ cần phải tiêm vaccine là 93%. Cụ thể: T = (1 - 1 / 2,87) / 0,7 = 0,93.
Giả sử, biện pháp y tế công cộng sẽ giúp giảm R xuống còn 2,5, thì tỷ lệ cần tiêm vaccine vẫn khá cao: 86%. Chỉ khi nào giảm hệ số lây lan R xuống còn 2,0, thì tỷ lệ người cần tiêm vaccine mới là 71%.
"Do đó, con số tiêm vaccine 70% để đạt miễn dịch cộng đồng còn phải phụ thuộc vào hiệu quả vaccine và hệ số lây lan vốn rất khác biệt giữa các cộng đồng", giáo sư nói.
Một số người dù tiêm đủ vaccine vẫn có thể mắc Covid-19 và lây truyền virus cho người khác, song không vì điều đó mà nghi ngờ hiệu quả của vaccine. Theo ông Phu, lợi ích của vaccine phải nhìn trên tổng thể, ở yếu tố miễn dịch cộng đồng. Tiêm vaccine đồng loạt, với tỷ lệ khoảng 70-80% người trong cộng đồng được chích ngừa, có thể bảo vệ được cộng đồng đó khỏi mắc bệnh, từ đó giảm số ca bệnh nặng, giảm số người tử vong, giảm áp lực lên hệ thống y tế.
Mỹ dù triển khai tiêm vaccine ở phần lớn dân số, vẫn ghi nhận số người mắc Covid-19 khoảng 10.000 mỗi ngày. Tuy nhiên, con số này đã giảm rất nhiều lần so với trước đây, khoảng 400.000 ca một ngày. Số ca bệnh nặng, số tử vong cũng giảm hẳn, chỉ còn vài trăm trường hợp qua đời một ngày so với hàng nghìn ca vào mùa đông xuân trước. Tương tự, số mắc mới, số tử vong ở Trung Quốc cũng giảm mạnh sau khi tiêm vaccine diện rộng.
Phó giáo sư, tiến sĩ Đào Xuân Cơ, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho rằng tiêm vaccine là chìa khóa kiểm soát dịch hiệu quả nhất. Đến nay, hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tiêm tổng cộng một tỷ liều vaccine Covid-19, là tín hiệu đáng mừng trong công tác chống dịch.