PGS.TS Hoa Hữu Lân.
PGS.TS Hoa Hữu Lân, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu Phát triển Văn hóa – Xã hội, Viện Nghiên cứu Kinh tế Xã hội Hà Nội cho rằng, tài sản bất minh nghĩa là tài sản tham nhũng, phải bị tịch thu. Tuy nhiên, trong một xã hội mà “lậu” lấn át lương thì việc xác minh tài sản bất minh rất khó. Nếu chỉ sống bằng lương thì liệu giám đốc sở có xây được biệt phủ, có mua được xe hơi? Ai sẽ chứng minh đó là tài sản bất minh?
“Lậu” mênh mông lắm
Đề xuất đánh thuế nặng với tài sản bất minh là giải pháp được Chính phủ trình Quốc hội xem xét quy định vào dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), được Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày tại phiên họp thẩm tra của Ủy ban Tư pháp ngày 5/3. Tại phiên họp, một số ý kiến cho rằng: Với tài sản bất minh, không chứng minh được nguồn gốc hoặc giải trình không rõ ràng thì phải tịch thu, xử lý trách nhiệm hình sự chứ không chỉ đánh thuế cao (thuế thu nhập cá nhân) ở mức 45%. Ông đánh giá thế nào về giải pháp này?
Tôi cho rằng khi xây dựng luật phải làm rõ khái niệm thế nào là tài sản bất minh. Đối tượng điều chỉnh của luật chắc chắn là cán bộ công chức, đặc biệt là những người đứng đầu, lãnh đạo bộ máy. Số người này có thu nhập từ lương của ngân sách Nhà nước theo các quy định của pháp luật. Tài sản bất minh rõ ràng là tài sản bất hợp pháp, nguồn thu không công khai, không chính đáng, không chứng minh được nguồn gốc.
Ví dụ như loại tài sản nào ạ?
Trước tiên đó là tài sản không kê khai. Cán bộ hàng năm đều phải kê khai tài sản, nếu có một tài sản nào đó không kê khai thì chứng tỏ tài sản đó không chính đáng. Rồi tài sản của mình nhưng đứng tên của người khác, ví dụ như nhà đất đứng tên vợ, con, trong khi vợ, con là những người không có khả năng làm ra thu nhập cao như vậy. Rồi tài sản do tham nhũng, xà xẻo, phong bì phong bao, quà biếu, hối lộ… mà thành.
Theo ông có khó để xác định một tài sản là bất minh hay không?
Nếu có công cụ để thực hiện thì không khó chút nào. Chỉ cần không chứng minh được nguồn gốc của tài sản thì đương nhiên đó là tài sản bất minh.
Người ta vẫn nói nhiều đến thực trạng lương là phụ, “lậu” mới là chính. Nếu chỉ dựa vào lương để “đo” tài sản bất minh của cán bộ công chức, thì có sợ là sẽ động chạm đến nhiều người?
Phải thẳng thắn nhìn nhận một thực trạng là “lậu” to hơn lương. Người ta vẫn hỏi nhau câu cửa miệng là “lương lậu thế nào” chứ không hỏi là “lương thế nào”. Văn hóa phong bì, chạy chọt diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp. Từ giáo dục, y tế, văn hóa…văn hóa phong bì, “bôi trơn” đã trở nên phổ biến. Nếu quy mức lương của cán bộ công chức ra mức sống tối thiểu thì đa phần phải sống dưới mức nghèo khổ. Nhưng ai cũng muốn vào làm nhà nước, thậm chí sẵn sàng bỏ hàng trăm triệu đồng ra để “chạy”.
Khoản thu nhập ngoài lương cao hơn lương, liệu đó có phải là thu nhập chính đáng?
Cũng có những người họ năng động, làm thêm để có thêm thu nhập. Nhưng tôi chỉ thấy một thực tế là lương một giám đốc sở khoảng 10 triệu đồng/tháng, ấy thế mà bác nào cũng đi ô tô, cũng có nhà to, chưa kể một số bác có biệt phủ. Chẳng có bác nào nghèo cả. Với mức lương ấy, mức sống thế này, thì bao giờ tích cóp cho đủ mua xe, mua nhà? Tất cả những tài sản ấy là “lậu”, mà nếu quy đổi vào lương thì sẽ ra ngay sự bất hợp lý.
Đám cưới mừng hàng chục nghìn đô
Theo ông vì sao lại có “lậu”
Lậu là biến thiên của lương. Vì lương không đủ sống nên người ta buộc phải tìm cách xoay sở để có “lậu”. Đến giờ, người ta coi lậu là đương nhiên, mặc định công nhận nó như một nguồn thu nhập chính đáng. Đó chính là mầm mống để tham nhũng phát triển. Đó là lý do để người ta sẵn sàng chi vài trăm triệu đồng “chạy” một suất biên chế. Là nguyên nhân để người ta ham hố chức quyền. Là bởi chẳng ai lên chức mà nghèo.
Một thứ thu nhập không hợp pháp nhưng lại phổ biến, phải chăng là do cơ chế?
Người ta ở trong vòng xoáy ấy thì phải tuân theo quy luật. Đi đám cưới mừng vài chục nghìn đô. Ăn tân gia mừng cả chiếc ô tô. Đám giỗ mừng cả tỉ đồng… Là bởi đằng sau nó là lợi ích nhóm, là sự cấu kết tiền – quyền, là tham nhũng để tạo ra những món “lậu” kếch xù lớn gấp nhiều lần lương.
Nếu Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi tới đây quy định tài sản bất minh sẽ bị đánh thuế 45% thì hẳn sẽ hạn chế được tham nhũng, thất thoát?
Theo tôi thì không nên quy định đánh thuế 45% mà phải tịch thu. Vì tài sản bất minh là tài sản bất hợp pháp, được hình thành do tham nhũng, rút ruột ngân sách, thì phải trả về ngân sách. Nếu chỉ đánh thuê 45% thì vô hình trung công nhận 55% kia là hợp pháp. Như thế thì không ổn. Nó chẳng khác gì “phạt cho tồn tại”, không cẩn thận lại làm tình trạng tham nhũng phức tạp thêm. Vì sau khi trừ thuế thì số còn lại cũng không nhỏ. Biến cái bất minh thành hợp pháp là không nên.
Theo ông đó là đề xuất chưa hợp lý?
Đúng thế. Nếu đã xác định là tài sản bất minh thì đồng nghĩa đó là tài sản bất hợp pháp. Ngoài tịch thu, phải truy cứu trách nhiệm, xử lý theo các quy định của pháp luật. Làm như thế thì luật mới nghiêm, mới có tính răn đe và hạn chế phần nào tham nhũng.
Hãy làm cho luật có tính khả thi
Theo ông thì trong xây dựng luật về phòng chống tham nhũng, làm thế nào để luật có tính khả thi cao?
Tham nhũng là vấn đề phức tạp, nhức nhối, liên quan đến cán bộ nên nếu không làm cẩn thận, luật sẽ không có tính khả thi. Trong khi “lậu” phổ biến như thế, việc chứng minh tài sản bất minh phải làm rất bài bản, kín kẽ để đảm bảo sự công bằng. Trước tiên thì phải dựa vào sự trung thực của cán bộ bằng bản kê khai tài sản cá nhân, sau đó mới tính đến các phương pháp khác. Việc tịch thu tài sản bất minh cũng không phải là dễ nếu không có quy định cụ thể, rõ ràng.
Thực tế là khi cái sai được mặc nhiên công nhận thì nó trở thành cái đúng. Điều chỉnh nó rất khó?
Đúng là thế, tôi cũng rất đồng tình. Bây giờ luật chúng ta đã cấm các lãnh đạo không được nhận quà biếu vào các dịp lễ, Tết nhưng ai kiểm soát được cái đó? Hội nghị tổng kết cuối năm không được liên hoan, nhưng hàng quán mỗi dịp đó vẫn chật ních người. Hà Nội một thời quy định đám cưới gia đình cán bộ không được quá 50 mâm, rồi nó cũng trở thành chuyện hài vì chẳng ai áp dụng thế.
Vậy có cách nào để kiểm soát được?
Chúng ta phải tiến tới việc đẩy mạnh quá trình như cổ phần hóa doanh nghiệp, đẩy mạnh sự nghiệp cân đối tự thu chi, trong cả các đơn vị sự nghiệp hành chính cũng phải đẩy mạnh tính tự chủ. Thay vì tâm lý tiêu “tiền chùa” thì phải chuyên sang che chế tiêu tiền túi. Khi người ta phải cân đong đo đếm chi tiêu sao cho hiệu quả vì ngân sách chỉ có thế, thì khó có chuyện lãng phí được.
Ở góc độ quản lý vĩ mô thì liệu có cách khả thi hơn?
Vừa rồi chúng ta thành lập một cơ quan “siêu bộ” là Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp cũng là một cách làm tốt, nếu thực hiện đúng. Việc quản lý ngân sách tại các bộ, ngành phải được một cơ quan độc lập giám sát, thẩm tra, phân phối. Không để các bộ, ngành, địa phương tự ý dùng ngân sách, dễ dẫn đến tình trạng “vung tay quá trán”.
Xin cảm ơn ông!
Theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, việc truy thu thuế này không loại trừ việc xử lý trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản đối với người kê khai, nếu các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết một vụ án hình sự khác chứng minh được tài sản kê khai không trung thực, tài sản tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý có được hoặc có nguồn gốc từ hành vi phạm tội. Ngoài ra hiện nay pháp luật về hình sự, xử lý vi phạm hành chính đã quy định việc xử lý đối với tài sản tham nhũng, tài sản có nguồn gốc bất hợp pháp (do vi phạm pháp luật, do phạm tội mà có), theo đó, những tài sản này có thể bị tịch thu, tiêu hủy… theo quy định của pháp luật.
Tô Hội (thực hiện)