Pin yếu thì sử dụng vào thắp sáng, trồng hoa
TS Vật lý Nguyễn Văn Khải, Trung tâm Dung dịch Hoạt hóa, Điện hóa và Đèn tiết kiệm năng lượng cho biết, theo các tài liệu quảng bá sản phẩm của các nhà sản xuất, vòng đời của một dự án điện mặt trời là 25 năm. Tuy nhiên, theo một số tài liệu nước ngoài cho thấy, dù hiệu suất sản sinh ra điện có giảm nhưng một tấm pin mặt trời có thể sử dụng tốt sau 25 năm, thậm chí 40 năm và lâu hơn thế tùy vào mục đích sử dụng. Lo lắng pin mặt trời sẽ thành rác thải khó tái chế, gây ô nhiễm môi trường… phải đặt trong đối sánh với các nguồn năng lượng khác. Tính toán về tác hại với môi trường của từng loại năng lượng thì sử dụng pin năng lượng mặt trời vẫn đem lại nhiều tiện ích.
Đối với các dự án năng lượng mặt trời, ngay cả khi vòng đời dự án kết thúc thì cũng vẫn có thể tái chế các tấm pin năng lượng mặt trời bởi nhôm, nhựa, kính và đặc biệt là tế bào quang điện đều có giá trị, có thể tái sử dụng. “Như gia đình tôi đều sử dụng pin năng lượng mặt trời hiệu suất cao, trang bị bóng đèn led tự lắp để thắp sáng cho toàn bộ ngôi nhà. Các tấm pin được tôi lắp từ những năm 1997 đến nay vẫn sử dụng rất tốt. Các tấm pin được sử dụng hết thời gian mà nhà sản xuất đưa ra vẫn có thể tái sử dụng sang việc khác. Ví dụ, tấm pin mặt trời sử dụng đã lâu nhưng có yêu cầu công suất lớn, đòi hỏi tính đồng đều cao thì hạ xuống, dùng để thu điện cho nơi chỉ có nhu cầu thắp sáng như trồng rau, nuôi cá cho đến khi hết công suất. Đối với pin mặt trời, không có thời hạn và không có phế thải, mà sẽ dùng với mục đích khác, cho các đối tượng khác”, TS Vật lý Nguyễn Văn Khải nói.
Điều TS Vật lý Nguyễn Văn Khải băn khoăn là ở nhiều nơi, nhiều dự án điện mặt trời, người lắp đặt, vận hành, sử dụng, bảo dưỡng, thay thế hệ thống điện mặt trời còn thiếu kiến thức nên thường mắc những sai lầm, có khi làm hỏng cả dự án giống như chuyện dự án điện mặt trời Quảng Bình phải dừng hoạt động hay dự án ở Đăk Nông phải phá dỡ chỉ sau 2 tháng nghiệm thu.
Lắp đặt phải đúng cách
Theo TS Vật lý Nguyễn Văn Khải, pin mặt trời hỏng nhanh thường do người dân không được hướng dẫn, không biết sử dụng. Thứ hai, bộ phận thiết kế, lắp ráp cẩu thả, không có kiến thức vật lý, không có kỹ thuật lắp ráp điện mặt trời. Hướng và góc rất quan trọng trong khâu thi công lắp đặt năng lượng mặt trời. Nếu ta xác định không đúng hướng mặt trời với góc lắp đặt thì hiệu quả sử dụng của hệ thống năng lượng mặt trời giảm rõ rệt, nhiều lúc không mang tính khả thi. Do đó, việc xác định góc và hướng cho những tấm pin cần được quan tâm đầu tiên. Thông thường mặt trời mọc ở hướng Đông và lặn ở hướng Tây, nếu muốn tấm pin có thể lấy lượng ánh sáng mặt trời nhiều nhất từ sáng đến chiều thì tấm pin cần đặt xuôi về hướng Nam một góc khoảng 10 - 15 độ. Đây là hướng và góc lý tưởng để tấm pin đạt hiệu quả vận hành cao nhất.
Khi chọn được góc và hướng cho việc lắp đặt năng lượng mặt trời thì khâu tiếp theo là tiến hành thi công hệ thống tấm pin mặt trời lắp đặt áp mái. Trong giai đoạn thi công này phải nắm rõ hướng và góc nghiêng để lắp đặt một cách chính xác, khoảng cách giữa các tấm pin với mái tối thiểu là 115mm, khoảng cách giữa các module ít nhất là 10mm. Nếu lắp các tấm pin quá gần và khoảng cách cách với mái quá ngắn thì trong quá trình hoạt động, độ giãn nở có thể khiến cho tấm pin va chạm và xảy ra tình trạng hư hỏng.
Theo TS Vật lý Nguyễn Văn Khải, để khuyến khích phát triển điện mặt trời, cần có chính sách khuyến khích các nhà khoa học trẻ nghiên cứu, sáng tạo sử dụng pin mặt trời; đặc biệt là việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời, không để nước ngoài thu gom các tế bào quang điện vì tạo ra tế bào quang điện là vô cùng khó. Cần xây dựng các loại giáo trình cho các loại đối tượng khác nhau. Từ nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất và tái sử dụng điện mặt trời. Tránh những cách hiểu sai về điện mặt trời, gây lãng phí nguồn tài nguyên dồi dào của đất nước.