<div> <div> <p class="image"><img alt="Tách làn riêng cho xe máy để giảm tai nạn 1" src="https://khds.1cdn.vn/2021/01/30/cdn-baogiaothong-vn_img-bgt-2021-vnpxe-may-1611912850-width1280height819.jpg" /></p> <p class="img_chu_thich">Tách làn riêng cho xe máy là biện pháp căn cơ để giảm <span>TNGT</span> bền vững (Ảnh minh họa)</p> </div> <p>Thay vì để xe máy và xe ô tô cùng lưu thông hỗn hợp như hiện nay, thời gian tới, các dự án cải tạo, nâng cấp đường giao thông khi phê duyệt cần phải tách riêng một làn cho xe máy, giúp người điều khiển phương tiện được an toàn hơn, từ đó góp phần giảm TNGT.</p> <p><strong>Lưu thông hỗn hợp, TNGT rình rập</strong></p> <p>Anh Trần Văn Giáp, lái xe Công ty TNHH vận tải thương mại Hà Anh (Hải Phòng), người có thâm niên 10 năm lái xe container chia sẻ, hiện đa phần các tuyến đường ở Việt Nam vẫn chủ yếu là lưu thông hỗn hợp, nhiều đoạn xe máy chạy chung làn với xe container rất nguy hiểm.</p> <section class="bnrBt txtCent"> </section> <p>Trong khi đó, không phải ai đi xe máy cũng chạy đúng luật, nhiều người vượt ẩu, chen lấn, luồn lách nên nguy cơ xảy ra TNGT rất cao.</p> <p>Anh Phạm Duy Hồng, lái xe Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Hải Phượng (Hải Phòng) thường xuyên chạy trên tuyến QL5 bày tỏ, vào giờ cao điểm, xe ô tô, xe máy cùng chen chúc nhau trên một làn đường, chỉ cần tài xế lơ là không quan sát sẽ xảy ra va chạm ngay.</p> <p>“Các cơ quan chức năng sớm xem xét, bố trí các làn đường riêng cho xe máy. Cùng đó, phải phạt thật nghiêm các xe cố ý chạy sai làn đường quy định”, anh Hồng nói.</p> <p>TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, Trường Đại học Việt - Đức cho rằng, <span>vụ tai nạn</span> xe container tông 21 xe máy ở Long An làm nhiều người chết và bị thương cách đây gần 2 năm là bài học lớn.</p> <p>Theo ông Tuấn, tất cả các thiết kế đường bộ lâu nay đều tham khảo thiết kế từ các nước phát triển. Song khác biệt là ở Việt Nam có quá nhiều xe máy, trong khi các tuyến đường đều không thiết kế làn riêng cho loại phương tiện này.</p> <p>“Nơi nào có luồng xe tải nhiều, lưu lượng lớn và cho phép cả xe máy hoạt động, về cơ bản phải tách dòng ấy ra mới đảm bảo được an toàn”, ông Tuấn nói.</p> <p><strong>Sẽ là tiêu chí khi duyệt dự án</strong></p> <p>Chiến lược Quốc gia đảm bảo trật tự ATGT giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có đặt ra mục tiêu các tuyến đường cải tạo, nâng cấp sẽ được xem xét xây dựng làn đường dành riêng cho mô tô, xe máy, xe đạp.</p> <p>Liên quan vấn đề này, PGS. TS. Chu Công Minh, giảng viên khoa cầu đường Đại học Bách khoa TP HCM cho rằng, trước mắt nên rà soát lại về diện tích mặt đường, tình hình giao thông tại từng khu vực.</p> <p>Tuyến đường nào đủ điều kiện thì xây dựng làn đường cho các loại xe lưu thông riêng. Đối với những tuyến đường chưa đủ kinh phí, có thể thiết kế đường gom dành cho xe máy, xe tải và ôtô sẽ đi vào làn đường còn lại.</p> <p>“Cơ quan quản lý cần có hướng dẫn cụ thể về thiết kế làn xe máy và tiêu chuẩn làn đường dành cho xe máy. Trên cơ sở đó, các địa phương sẽ biết cần dùng dải phân cách cứng hay mềm, có căn cứ xây dựng dự toán, quyết toán, nghiệm thu bảo trì và đưa ra phương án phù hợp với từng tuyến đường”, ông Minh đề xuất.</p> <p>Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) cho biết, việc phân làn đường riêng cho xe máy đã bàn từ năm 2012 và đã được đưa vào chiến lược đảm bảo ATGT 2015 - 2020.</p> <p>Tuy nhiên vì nhiều lý do, nhất là không có nguồn lực nên chưa thực hiện được. “Kinh nghiệm các nước cho thấy, muốn giảm TNGT phải tách làn riêng cho xe máy và ô tô”, ông Thạch nói và cho rằng, trong vòng vài ba chục năm nữa, xe máy vẫn là loại phương tiện phổ thông và hiện số vụ TNGT liên quan đến xe máy vẫn chiếm trên 60% tổng số vụ tai nạn hàng năm. Rất khó giảm TNGT theo mục tiêu 5 - 10% mỗi năm nếu không tách riêng làn đường cho xe máy.</p> <p>Theo ông Thạch, thực tế hiện nay ở nước ta đã có nhiều địa phương triển khai thành công làn đường dành riêng cho xe máy. Chẳng hạn như tại TP HCM, trên nhiều trục hướng tâm vào thành phố; QL22 từ Tây Ninh về TP HCM và nhiều tuyến đường khác cũng đã có làn riêng cho xe máy. Đối với dự án cải tạo, nâng cấp QL19, phía tài trợ vốn là Ngân hàng Thế giới cũng đề nghị tách làm đường riêng cho xe máy.</p> <p>“Chiến lược đảm bảo ATGT Thủ tướng đã phê duyệt, sau này khi duyệt dự án cải tạo, nâng cấp hay xây mới tuyến đường nào đó, phải có làn dành riêng cho xe máy. Có làn đường riêng cho xe máy sẽ được coi là tiêu chí khi duyệt dự án. Đây là biện pháp căn cơ để giảm TNGT bền vững liên quan đến xe máy”, ông Thạch nói.</p> <p> </p> <div class="sp-anh8 sp-quotedep8"> <p><strong>Malaysia giảm 83% người chết do TNGT nhờ làn riêng xe máy</strong></p> <p>Thế giới chứng kiến thiết kế làn đường dành cho xe máy để tăng cường an toàn đường bộ đầu tiên từ năm 1984. Hiện nay, phương pháp phân làn riêng biệt cho xe máy khá phổ biến trên thế giới.</p> <p>Đặc biệt tại châu Á, một số nước/thành phố đã áp dụng phân làn riêng dành cho xe máy để kéo giảm TNGT, tắc đường như: Indonesia, Philippines, Đài Loan (Trung Quốc)... Báo cáo của Tổ chức <span>Y tế</span> Thế giới năm 2010 mang tên “An toàn với xe mô tô 2-3 bánh” cho thấy, biện pháp xây dựng làn dành riêng cho xe máy đã được chứng minh giúp kéo giảm TNGT liên quan tới loại xe này, chủ yếu ở khu vực Trung Đông và châu Á.</p> <p>Điển hình nhất là Malaysia, nước này bắt đầu triển khai làn dành riêng cho xe máy tại thủ đô Kuala Lumpur khoảng 20 năm trước và hiện vẫn tiếp tục dự án. Các làn dành riêng cho xe máy tại Malaysia thường có thêm chỗ trú cho tài xế khi trời mưa nặng hạt. Những khu vực này thường được thiết kế ngay dưới gầm cầu, hoặc có hẳn một phòng trú như bốt điện thoại.</p> <p>Trên đường liên bang, làn dành cho xe máy sẽ nằm ngoài cùng bên trái mỗi chiều đường, được phân biệt bằng vạch kẻ trắng đen, cho phép lái xe di chuyển với tốc độ chậm hơn. Để ra khỏi đường, các phương tiện có thể rẽ phải. Nhờ phương án này, Malaysia đã kéo giảm tới 83% số người thiệt mạng vì TNGT đường bộ so với trước đây.</p> <p> </p> </div> <p> </p> </div> <p> </p>