U bã thức ăn dễ tử vong
Bệnh viện Đa khoa Đức Giang vừa phẫu thuật gắp ra được 1 lạng măng trong ruột bệnh nhân Vũ Quang T. 59 tuổi (Gia Lâm, Hà Nội). Ông T. nhập viện với triệu chứng đầy bụng, ăn uống khó tiêu, đau âm ỉ, nóng rát vùng thượng vị. Kết quả thăm khám ông bị tắc ruột, được chỉ định nội soi gắp bã thức ăn ra khỏi dạ dày. Kíp nội soi do BS Vũ Huy Hiền,Trưởng khoa Thăm dò chức năng tiến hành. Sau 1h30 phút các bác sĩ lấy ra được khoảng 1 lạng măng.
BS Hiền cho biết, kíp phẫu thuật không thể cắt nhỏ được khối bã thức ăn để đi xuống ruột mà phải nội soi gắp từng mảnh nhỏ ra.
BS Trương Thanh Tùng, Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa cho biết, tắc ruột do đọng bã thức ăn là một cấp cứu ngoại khoa thường gặp, chiếm gần 20% các cấp cứu bụng. Đây là một bệnh nguy hiểm, nếu tắc ruột không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nặng như thủng ruột, giãn ruột, ruột hoại tử, viêm phúc mạc và xuất huyết. Hầu hết, bệnh nhân thường phải phẫu thuật. Nếu nhẹ, u bã thức ăn đọng ở dạ dày có thể thực hiện bằng cách mổ nội soi, cắt nhỏ khối u và đưa ra. Khi bã thức ăn đọng ở ruột, đặc biệt là ruột non, phải phẫu thuật mở và rất khó khăn.
Thói quen ăn sai mang lại tai hại
BS Hiền giải thích, u bã thức ăn là một khối thức ăn không tiêu, tùy theo thành phần của nó, người ta chia thành nhiều loại như: bã thức ăn thực vật, khối bã thức ăn động vật, khối lông tóc hoặc khối hỗn hợp nhiều loại. Loại thường gặp nhất là khối bã thức ăn thực vật. Khối bã thức ăn thực vật được hình thành ở dạ dày gây loét dạ dày và di chuyển xuống ruột non khi dạ dày không còn toàn vẹn sau nhiều phẫu thuật khác nhau như: cắt dạ dày, cắt dây X, nối vị tràng…
PGS.TS Triệu Triều Dương, Viện trưởng Viện tiêu hóa, Bệnh viện TƯQĐ 108 cho biết, tắc ruột do u bã thức ăn rất thường gặp ở người già và trẻ nhỏ. Cơ chế hình thành u bã thức ăn liên quan đến vai trò của chất xơ và các yếu tố cơ hội. Thời điểm ăn, loại thực phẩm và thói quen ăn quá nhanh, nhai không kỹ chất xơ là một trong những nguyên nhân mang tính nguy cơ gây tắc ruột do bã thức ăn.
U bã thức ăn thường hình thành khi thực phẩm có nhiều chất tanin như hồng xiêm, hồng ngâm, sung, ổi và thức ăn có nhiều chất bã xơ như măng, cam, bưởi, quýt, mít, ngô... Đặc biệt, nếu ăn khi đói, dạ dày còn trống, nồng độ HCl cao, hoa quả có nhiều pectin và nhựa dễ bị kết tủa làm kết dính các sợi xơ thực vật, tạo thành khối bã rắn chắc. Thông thường bã thức ăn hình thành ở dạ dày. Trong quá trình di chuyển xuống phía dưới có thể gây tắc ở vị trí nào đó của ống tiêu hóa. Những dấu hiệu sớm của việc bã thức ăn lưu lại dạ dày khiến người bệnh khó chịu, đau thượng vị, buồn nôn, nôn, đầy bụng, chán ăn, sút cân, hơi thở hôi. Bệnh nếu không được xử lý phẫu thuật kịp thời dễ dẫn đến các biến chứng nặng như vỡ - thủng, hoại tử ruột, viêm phúc mạc, xuất huyết, nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân... và tử vong.
Theo PGS.TS Triệu Triều Dương, hiện mọi người thường sử dụng nhiều chất xơ để tránh táo bón, tốt cho sức khỏe nhưng cần lưu ý, chất xơ thực phẩm không phải là một dưỡng chất. Nó chỉ cần thiết cho sự tiêu hóa, là chất điều hòa nhu động ruột phòng chống táo bón nhưng sự lên men chất xơ của các vi khuẩn có thể phát sinh một số rối loạn. Trong ruột một số vi khuẩn sử dụng chất xơ như dưỡng chất, sản xuất axit béo bay hơi hay các khí (methan, hydrogen).
Nếu dùng quá nhiều chất xơ, có thể sình hơi, đầy bụng, thậm chí tắc ruột.
Để phòng tránh u bã thức ăn phải nấu chín, ninh nhừ. Khi ăn phải nhai kỹ, không ăn quá nhanh hoặc nuốt chửng thức ăn, không ăn quá nhiều rau quả có tanin và hàm lượng chất xơ cao, nhất là những người có tiền sử phẫu thuật dạ dày, ruột. Uống đủ nước, ít nhất là 2 lít nước/ngày; tập thể dục đều đặn để giúp ruột được kích thích, dễ dàng co bóp và lưu thông tốt...Nếu phát hiện sau khi ăn, bị đau bụng, ói mửa, đại tiện ra máu hoặc không thể đi tiêu, cần đưa đi khám để có thể phát hiện bệnh kịp thời.
Thúy Nga