Cắt 27cm đại tràng và 6 tuần điều trị
TS.BS Trần Anh Quỳnh, Phó Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, Bệnh viện vừa phẫu thuật và điều trị thành công cho trẻ cho trẻ bị tắc ruột do táo bón liên quan đến phân su. Đó là bé Khôi (2 tuổi, Hà Nội) có tiền sử chậm phân su sau sinh. Ba tuần sau khi chào đời, bé có hiện tượng khó đi ngoài, có lúc phải thụt bằng mật ong mới đi được. Khi ăn dặm, bé ăn vẫn thường xuyên táo bón và cần thụt phân nhưng thỉnh thoảng vẫn tự đi ngoài được nên mẹ bé hy vọng bệnh sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, bệnh không thuyên giảm, bé liên tục đau bụng, chán ăn, mệt mỏi và được gia đình đưa đi khám thì phát hiện phình đại tràng và chỉ định phẫu thuật.
Phẫu thuật cho bệnh nhi bị tắc ruột. |
Kết quả trên phim, trẻ có trực tràng nhỏ hẹp, đại tràng sigma giãn, ứ đọng nhiều phân, tỷ lệ đường kính trực tràng và sigma đảo ngược. Bệnh nhi được thụt tháo phân và phẫu thuật cắt 27cm đại tràng giãn, trong đó có 7cm đại tràng bị vô hạch thần kinh. Sau đó trẻ được điều trị thuốc và nong hậu môn hàng ngày vào giờ cố định. Sau 6 tuần trẻ đã tự đi ngoài dễ dàng, ngày 1 lần, phân khuôn, mềm. Cháu bé tăng 2kg và chất lượng cuộc sống được cải thiện.
PGS.TS Phạm Duy Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp khuyến cáo, các bậc cha mẹ cần đưa trẻ đến khám bác sĩ ngay khi trẻ có biểu hiện sau: Chậm phân su 24h sau sinh, bụng chướng; Táo bón kéo dài trên một tuần, thay đổi chế độ ăn không có tác dụng Táo bón ảnh hưởng đến tiêu hóa như kém ăn, gầy sút, suy dinh dưỡng kèm theo nôn... Bởi táo bón không chỉ gây đau bụng quanh rốn, chướng bụng, chán ăn, mệt mỏi, suy dinh dưỡng, thay đổi hành vi, tính tình... mà còn gây són phân, tắc ruột...
Hỏng đường tiêu hóa vì phân su thải chậm
Các chuyên gia cho biết, sau sinh ruột trẻ chứa từ 60 - 150g phân su màu xanh đen, đặc quánh, thành phần gồm có ít nitơ, ít chất mỡ, chủ yếu là mucopolysacharide cùng các chất cặn bã của tiêu hóa nước ối và tế bào thượng bì của ruột tróc ra. Phân su được thải ra trong những giờ đầu, thường bắt đầu 8 - 10 giờ sau sinh, đa phần trẻ đào thải phân su trong vòng 24 giờ sau sinh. Nếu phân su được đào thải chậm, thường có những vấn đề về đường tiêu hóa, cần được thăm khám để phát hiện sớm.
Tắc ruột phân su: Là biểu hiện sớm nhất của bệnh xơ nang tụy (80 - 90%), tụy xơ làm cho phân su đặc quánh dính chặt vào niêm mạc ruột gây tắc ruột. Quá trình này có ngay từ trong tử cung, nên các biến chứng vỡ, xoắn ruột có thể xảy ra ở tiểu khung trước đẻ gây viêm phúc mạc. Trẻ sinh ra chậm đi phân su, nôn, bụng trướng, có thể có biểu hiện nhiễm trùng nhiễm độc do biến chứng. Điều trị gồm có cắt đoạn ruột bị tắc, phục hồi lưu thông, chống nhiễm trùng, bổ sung tinh chất tụy ngoại. Bệnh tiên lượng nặng.
Nút nhầy phân su: Phân su tắc ở đại tràng thành nút nhầy làm cho trẻ chậm đào thải phân su. Cần được loại bỏ nút nhầy bằng đặt sonde hậu môn.
Teo ruột non: Là những tổn thương bẩm sinh làm gián đoạn sự liên tục của ruột. Nơi bị teo không có lòng ruột hoặc ruột bị gián đoạn trên một chiều dài nhất định. Triệu chứng bao gồm nôn, bụng trướng, chậm tiêu phân su, đặt sonde hậu môn không ra phân xu, mà ra chất nhầy hoặc kết thể phân su. Điều trị ngoại khoa với cắt bỏ đoạn ruột teo, tái lập lưu thông.
Hirschprung: Là hiện tượng đại tràng bị giãn ra do thiếu các tế bào thần kinh trong cơ ruột già ở trẻ, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn ruột già. Phần ruột phía trên chỗ tắc nghẽn phình lên, kết quả gây căng trướng bụng và khiến việc đại tiện trở nên bất thường. Đối với trẻ sơ sinh dấu hiệu dễ nhận biết nhất chính là trẻ không đi phân su sau hơn 24 giờ, bụng trẻ căng trướng, nôn và có dấu hiệu mất nước. Khi được kích thích hậu môn bằng ống thông, trẻ đi ra phân nhiều và hơi, giống hiện tượng tháo nút tắc ở cống nước. Điều trị ngoại khoa loại bỏ đoạn đại tràng vô hạch.