Trên trang cá nhân - nghệ sĩ Thúy Đạt - em gái song sinh của cố nhạc sĩ - viết bài thơ thay lời tiễn biệt:
"Đau xót quá anh ơi
Thế là bát máu sẻ làm đôi
Từ nay em đã mất anh rồi
Khúc ruột mẹ cho giờ chia nửa
Em hát một mình với đơn côi
Vắng tiếng đàn anh lời tâm sự
Réo rắt ngọt bùi những khúc nhôi
Tạo hóa cho anh về đất mẹ
Cùng với tổ tiên hỡi anh ơi..."
Đại tá, nhạc sĩ, nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Tiến (tên thật là Nguyễn Văn Tiến), sinh năm 1953 tại Nam Định trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Ông nội ông là nghệ nhân đàn bầu đất Thành Nam, cha là nghệ sĩ đàn bầu Nguyễn Tiếu, công tác tại Nhà hát Ca múa nhân dân Trung ương.
Từ nhỏ, nhạc sĩ Nguyễn Tiến và em gái song sinh được cha dạy và chơi thành thạo nhiều nhạc cụ dân tộc. Năm lên 10 tuổi, nghệ sĩ đã từng biểu diễn đàn bầu cho Bác Hồ nghe và nhận được lời khen ngợi, khích lệ từ Bác.
Năm 1970, sau khi học ở Trường Nghệ thuật Quân đội, ông về công tác tại Đoàn Ca Múa Tổng cục Chính trị, là nghệ sĩ đàn bầu xuất sắc của nước nhà.
Trong một lần chia sẻ trên báo chí về nghề, nhạc sĩ Nguyễn Tiến tâm sự, trong cuộc đời làm nghệ thuật của ông có hai vai. Vai thứ nhất là nhạc sĩ dành cho người sáng tác và vai thứ hai là nghệ sĩ dành cho người biểu diễn. Để phấn đấu làm tròn một vai cũng là cực kỳ khó, nhưng rất mừng là ông có được cả giải thưởng vinh danh Nghệ sĩ Nhân dân và Giải thưởng Nhà nước.
Nhạc sĩ Nguyễn Tiến quan niệm, với người nghệ sĩ, bên cạnh kỹ thuật thì cái hồn của mình mới là quan trọng.
Mà tâm hồn đó phải được tạo hình từ trong cuộc sống hàng ngày, mình sống thế nào thì tiếng đàn phát ra như vậy. Mình sống chân thành, tiếng đàn mình chân thành; mình sống lãng tử, tiếng đàn của mình lại lãng tử.
Nhưng, tất cả cái chân thành, lãng tử của một nghệ sĩ, sáng tạo của một cá nhân phải được đúc kết trong tiếng đàn tròn trĩnh, sâu lắng.
Bài hát Hoa cau vườn trầu được ra đời trong một lần ông về quê và vô tình nghe được câu chuyện tình buồn. Có một người con trai yêu thầm nhớ trộm cô gái hàng xóm, sau đó người con trai ra trận. Khi anh trở về, họ đã nhiều tuổi và vì nhiều lý do, họ vẫn không thể đến với nhau.
“Hoa cau rụng trắng đêm trăng buồn” là hình ảnh diễn tả nỗi xót xa về thân phận của những mối tình thời chiến.
Ở vai nghệ sĩ, nghệ sĩ Nguyễn Tiến được gọi với cái tên Tiến bầu. Với những cố gắng không ngừng nghỉ trong sự nghiệp, ông 18 lần đoạt Huy chương vàng trong nước và quốc tế cho các tiết mục trình diễn đàn bầu. Năm 2012, ông được trao danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân với vai trò nghệ sĩ đàn bầu, đạo diễn, chỉ huy âm nhạc.
Ở vai nhạc sĩ, ông là tác giả của nhiều ca khúc được công chúng yêu thích như: Hoa cau vườn trầu, Phú nước non, Chiều mưa Hà Nội, Chiều xứ Lạng, Nhớ đêm giã bạn, Hồn Việt, Chuyện tình lá diêu bông, Hoa cỏ may, Nam Định mình ơi, Dời đô...Năm 2012, nhạc sĩ Nguyễn Tiến được phong tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật.