Nhiều hoạt chất
Cây hoa sữa mang giá trị y học đối với nhiều bệnh lý, nhất là trong y học cổ truyền tại Ấn Độ, Myanmar và Trung Quốc. Tại Việt Nam, kinh nghiệm dân gian cũng ghi nhận nhiều tác dụng chữa bệnh. Tuy nhiên, việc sử dụng cần tuân thủ liều lượng để tránh tác dụng phụ hoặc ngộ độc.
Hoa sữa còn có tên gọi khác: Mồng cua, mò cua, mùa cua.Tên khoa học: Alstonia scholaris (L.) R. Br. – Echites scholaris L. Họ Trúc đào (Apocynaceae), bao gồm khoảng 250 chi và 2000 loài cây nhiệt đới, cây bụi và dây leo. Họ này nổi tiếng với những loại cây có hoạt tính sinh học và dược tính rất cao.
Thân cây: Cây có kích thước trung bình đến lớn, cao đến 20m, rộng 10m. Vỏ cây màu xám, nhựa màu trắng đục và có vị đắng.
Lá: Mọc thành chùm 3–10 lá, cuống dài 1–3cm, hình trứng hẹp, mặt trên lá bóng, mặt dưới màu xám.
Hoa: Màu trắng, trắng xanh, vàng hoặc kem, tạo thành chùm, nở từ tháng 10 đến tháng 3, hương thơm nồng nàn.
Quả: Dài 25–50cm, màu nâu, hạt nhỏ, có trùm lông giúp phát tán nhờ gió.
Phân bố: Trung Quốc (Quảng Tây, Vân Nam), tiểu lục Địa Ấn Độ (Bangladesh, Nepal, Pakistan, Sri Lanka), Đông Nam Á (Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Lào).
Thu hái – Sơ chế: Vỏ cây thu hái quanh năm, tốt nhất vào mùa xuân hạ khi dưỡng chất tập trung nhiều nhất. Vỏ được cạo bỏ lớp bần bên ngoài, phơi hoặc sấy khô.
Hợp chất hóa học: Trong cây hoa sữa có nhiều hoạt chất như:
Alkaloid: Echitamine, scholaricine, mang tác dụng kháng khuẩn, chống ung thư, và chống viêm.
Flavonoid: Chống oxy hóa, giảm viêm.
Triterpenoid: Bảo vệ gan, kháng khuẩn.
Hoa sữa có tác dụng chữa bệnh - Ảnh minh hoạ |
Cách dùng hoa sữa chữa bệnh
Trong y học cổ truyền cây hoa sữa có vị đắng, tính mát. Quy kinh Phế và Can. Có tác dụng chủ trị: Tẩy giun, trị sốt, tiêu chảy, kiết lị, rắn cắn, bệnh ngoài da; Hỗ trợ điều trị hen suyễn, viêm phế quản, bệnh tim, bệnh phong, bệnh nấm da; Kích thích tiêu hóa, bổ máu, giảm căng thẳng.
Nghiên cứu khoa học cho thấy, hoa sữa có tác dụng:
Hoạt động chống ung thư: Alkaloid echitamine làm giảm tăng sinh tế bào ung thư (Zhou et al., 2013). Nghiên cứu tiền lâm sàng chứng minh hoạt tính chống ung thư phổi (Keawpradub et al., 2015). Li et al. (2015) nghiên cứu tại Trung Quốc đã chứng minh tác dụng ức chế của flavonoid trong lá đối với ung thư gan.
Kháng khuẩn, kháng viêm: Chiết xuất metanol từ lá có tác dụng ức chế vi khuẩn gram dương và gram âm, bao gồm S. aureus và E. coli (Ravikumar et al., 2014). Sharma et al. (2017) cho biết các triterpenoid từ vỏ cây mang lại hiệu quả chống viêm hiệu quả.
Chống tiểu đường: Methanol trong lá có hoạt tính chống alpha-glucoside, tiềm năng điều trị tiểu đường.
Giảm căng thẳng và chống lo âu: Chiết ethanol từ lá giúp cải thiện chức năng hệ thần kinh trung ương, tăng khả năng gắn kết thích nghi (Gupta et al., 2019).
Chống oxy hóa: Gupta et al. (2019) nghiên cứu flavonoid từ lá giúp bảo vệ các tế bào trước tác nhân oxy hóa, giảm nguy cơ lão hóa và bệnh tim mạch.
Trong y học cổ truyền Việt Nam, cây hoa sữa được sử dụng trong một số điều trị dân gian:
Chữa ho và viêm họng: Lá cây hoa sữa giã nát, vắt lấy nước để ngậm hoặc sắc uống.
Giảm đau khớp và viêm: Vỏ cây khô được tán thành bột, pha với nước đắp lên vết đau.
Chữa tiêu chảy: Nước sắc vỏ hoặc lá cây hoa sữa thường được người dân sử dụng khi gặp các vấn đề đường ruột.
Chữa nang thận: Nước sắc vỏ cây hoa sữa được dùng chữa nang thận, nâng cao sức khoẻ tổng thể.
Chữa đau răng: Vỏ cây hoa sữa sắc nước ngậm miệng hàng ngày.
Thiếu máu và buồn nôn sau hóa trị: 20g lá sao vàng, sắc uống.
Kích thích tiêu hóa: 75g vỏ cây tán nhỏ, ngâm trong rượu 500ml, uống 4–8g/ngày trước bữa ăn.
Liều dùng an toàn
Vỏ cây:10–15g khô sắc với 1 lít nước, chia uống trong ngày.
Lá cây:5–10g khô sắc với 500ml nước, uống 2 lần/ngày.
Dùng ngoài: Lá tươi giã đắp lên vết thương hoặc vùng sưng.
Nhựa cây:1–2 giọt pha loãng trong 100ml nước, chỉ dùng ngoài.
Lưu ý khi sử dụng:
- Tránh dùng cho phụ nữ mang thai hoặc người có dấu hiệu dị ứng.
- Dùng quá liều vô tình có thể gây độc tác hại đến cơ quan.
- Tránh dùng cho người bị viêm mũi, xoang hoặc viêm kết mạc dị ứng.
TTƯT.BS Quách Tuấn Vinh (Chủ tịch Hội Đông Y Hoàn Kiếm)