Suy giảm nhận thức
Theo BSCKII Lê Trung Nhân, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Chợ Rẫy, điểm đặc biệt là 2/3 số người nhiễm Covid-19 nhiều tuần đến nhiều tháng sau khi khỏi bệnh vẫn còn đối mặt với hàng loạt triệu chứng và di chứng kéo dài, như mệt mỏi, khó thở, ho kéo dài, giảm sự tập trung, bị huyết khối, xơ phổi…
Các rối loạn đa dạng này được xem là di chứng của Covid-19 hay “hậu Covid-19” (thuật ngữ tiếng Anh: Post-Covid hay Long-Covid).
Ở các bệnh nhân Covid-19 mức độ nặng và nguy kịch, những di chứng để lại đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tinh thần.
Các bất thường này không chỉ liên quan đến hệ hô hấp mà còn ảnh hưởng lên hệ tim mạch, huyết học, thần kinh, tiêu hóa, nội tiết, rối loạn tâm lý, rối loạn giấc ngủ, suy giảm nhận thức...
Khỏi Covid-19 chưa bao lâu, nhiều bệnh nhân đột nhiên bị đau đầu, mất ngủ, cảm giác lú lẫn, mất trí nhớ vì không thể nhớ tên và chỗ để các vật dụng thông thường, đôi lúc còn quên việc mình đã từng làm, quên tên người thân.
Sau đó, bệnh nhân bắt đầu gặp khó khăn trong giao tiếp, không thể diễn đạt được đúng ý mình muốn, không thể tập trung được như trước đây, kể cả trong việc nấu ăn. Suy giảm trí nhớ hay suy giảm nhận thức đã làm xáo trộn cuộc sống thường ngày của nhiều người.
Nhiều bệnh nhân Covid-19 sau khi hồi phục lại cảm thấy chán nản hay hồi hộp, lo lắng, đánh trống ngực.
Theo TS.BS Hồ Đặng Trung Nghĩa, Trưởng Bộ môn Nhiễm (Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch), kể từ tháng 12/2019 đến nay, hiểu biết của các nhà khoa học về bệnh Covid-19 do virus SARS-CoV 2 ngày càng mở rộng.
Virus không chỉ gây tổn hại giới hạn ở hệ hô hấp mà còn ảnh hưởng đến nhiều hệ cơ quan khác như thận, gan, tim, da và não.
Theo các báo cáo trong y văn, biểu hiện thần kinh được ghi nhận từ 5 - 50% các trường hợp nhiễm SARS-CoV- 2 gồm: đột quỵ, viêm não, co giật, rối loạn vận động, suy giảm ý thức, kích động, lú lẫn và một số biểu hiện tâm thần kinh.
Virus xâm nhập hệ thần kinh, gây tổn thương mạch máu não gây ra các biểu hiện trên. Các trường hợp có tổn thương ở hệ thần kinh cần phải nhập viện để được điều trị kịp thời.
Song song với biểu hiện tổn thương ở hệ thần kinh, nhiều bệnh nhân bị rối loạn lo âu, sang chấn (stress) liên quan đến bệnh tật, bị cách ly, người thân bị bệnh nặng hoặc tử vong.
Các biểu hiện này gặp ở phần lớn các bệnh nhân bị mắc bệnh. Do đó, việc tư vấn, hỗ trợ và điều trị về tâm lý rất quan trọng đối với bệnh nhân mắc Covid-19.
Bệnh nhân cần sự hỗ trợ về tâm lý của người thân, nhân viên y tế, các chuyên gia về tâm lý và thậm chí cần phải sử dụng các thuốc giảm lo âu, chống trầm cảm. Bệnh nhân hạn chế đọc và nghe các thông tin xấu (tử vong, số ca bệnh) trên internet…
Ở giai đoạn hồi phục, nhiều bệnh nhân được ghi nhận có các rối loạn về thần kinh và tâm thần kéo dài nhiều tháng.
Theo một báo cáo theo dõi biểu hiện thần kinh và tâm thần của bệnh nhân mắc Covid-19 sau 6 tháng ở Anh cho thấy 1/3 bệnh nhân ghi nhận có các bất thường này.
Cụ thể như: xuất huyết não, nhồi máu não, bệnh Parkinson, sa sút trí tuệ, rối loạn lo âu, giảm trí nhớ, mất ngủ và các rối loạn tâm thần khác, đặc biệt các rối loạn này thường gặp ở các bệnh nhân mắc Covid-19 mức độ nặng.
Hội chứng “sương mù não”
Hội chứng “sương mù não” (brain fog) không phải là một thuật ngữ y tế hoặc khoa học. “Sương mù não” được các bệnh nhân sau khi hồi phục khỏi bệnh Covid-19 sử dụng khi mô tả cảm giác của họ khi suy nghĩ của họ chậm chạp, mờ nhạt và không nhạy bén.
“Hiện tượng “sương mù não” là tình trạng rối loạn nhận thức ghi nhận ở bệnh nhân sau mắc Covid-19 như: giảm khả năng tập trung, giảm trí nhớ, khó khăn trong diễn đạt, khả năng tư duy, khả năng điều hành,” TS.BS Trung Nghĩa cho biết.
Trong một báo cáo theo dõi bệnh nhân hậu Covid-19 tại Mỹ, hiện tượng này được ghi nhận ở 10 -15% bệnh nhân ngoại trú (bệnh Covid-19 nhẹ) và ở 30 - 40% bệnh nhân điều trị nội trú (bệnh Covid-19 nặng). Bệnh nhân cần được khám chuyên khoa, đánh giá bằng các thang điểm để tìm nguyên nhân và có kế hoạch điều trị.
Từ cuối tháng 4/2021, TPHCM bước vào làn sóng thứ 4 của đại dịch Covid-19 với mức độ nghiêm trọng chưa từng có. Và theo các số liệu thống kê tính đến thời điểm hiện tại, toàn thành phố có khoảng trên 300 ngàn người từng nhiễm SARS-CoV-2 khỏi bệnh được xuất viện.
Vì vậy, nhiều cơ sở y tế đã triển khai khoa hay phòng khám dành cho bệnh nhân hồi phục sau Covid-19 như phòng khám Di chứng Covid-19 của Bệnh viện Chợ Rẫy.
Phòng khám được đảm trách bởi các chuyên gia về Covid-19 tại Bệnh viện Chợ Rẫy cùng các bệnh lý liên quan như vật lý trị liệu, phục hồi chức năng và dinh dưỡng. Tất cả bệnh nhân Covid-19, bao gồm người bệnh nhẹ, nặng hay nguy kịch, đều cần được theo dõi, đánh giá và điều trị toàn diện các biến chứng và di chứng kéo dài của bệnh.