Bà con ở nông thôn thường dùng quả sung điều trị bệnh viêm họng, mụn nhọt, nhiều bài thuốc dùng sung trị hen phế quản, ổn định đường huyết, hỗ trợ điều trị ung thư phổi, sỏi gan và sỏi mật.
Trị táo bón: Lấy sung tươi một nắm sắc uống hằng ngày hoặc sung chín ăn mỗi ngày 3 - 5 quả chữa rất nhạy. Người cao tuổi táo bón có thể lấy sung tươi 10 quả rửa sạch, bổ đôi, ruột già lợn 1 đoạn làm sạch thái nhỏ, hai thứ đem hầm nhừ, chế thêm gia vị, ăn trong ngày. Vì quả sung chứa nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất nên có tác dụng nhuận tràng và hạn chế táo bón.
Những người hay táo bón, mắc bệnh trĩ có thể dùng sung để điều trị. Với tác dụng nhuận tràng, quả sung có thể hỗ trợ chức năng tiêu hóa và giảm áp lực lên tĩnh mạch trực tràng – hậu môn. Bên cạnh đó, sung còn có đặc tính chống viêm, giúp ngăn ngừa tình trạng sưng đau và sung huyết ở búi trĩ.
Trị mụn nhọt, lở loét: Lấy sung chín sao khô, tán bột rồi rắc lên vết thương. Để đạt hiệu quả cao, trước đó có thể ngâm rửa vết thương bằng nước sắc quả hay lá sung tươi, sau đó lau khô rồi rắc bột thuốc và băng lại.
Trị viêm họng và hen phế quản: Sung phơi hoặc sấy khô, tán bột rồi lấy một chút thổi vào họng. Cách làm khác, lấy sung tươi gọt vỏ, thái phiến, sắc kỹ lấy nước, cho thêm đường phèn rồi cô nhỏ lửa thành dạng cao, ngậm hàng ngày. Nếu hen phế quản dùng sung tươi lượng vừa đủ, rửa sạch, giã nát, ép lấy nước cốt uống mỗi ngày một lần. Chất nhầy trong quả sung có tác dụng làm dịu, giảm đau và bảo vệ niêm mạc hầu họng. Nước ép từ quả sung còn hạn chế áp lực và giảm viêm ở dây thanh quản.
Lương y Nguyễn Nghĩa (Vĩnh Phúc)