Sức hấp thụ của nền kinh tế còn yếu

(khoahocdoisong.vn) - Tình hình kinh tế ảm đạm do dịch bệnh Covid-19, các kênh đầu tư trở nên kém an toàn. Người dân tìm kênh trú ẩn cho đồng tiền bằng cách gửi tiết kiệm. Do đó, nguồn vốn huy động vẫn liên tục chảy vào ngân hàng.

Trong khi đó, tín dụng cho vay tăng trưởng chậm, khiến các ngân hàng dư thừa một lượng tiền lớn. Tính đến giữa tháng 11, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt khoảng 7,26%, cách xa mục tiêu 10 - 12% cả năm 2020 (trong khi cùng kỳ năm 2019 đạt 10,28%).

Việc đầu tư cho vay liên ngân hàng trên thị trường 2 lại gần như đứng im và không thu được nhiều lợi nhuận do lãi suất thấp kỷ lục. Lãi suất liên ngân hàng chỉ dao động quanh mức 0,1 - 0,2%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0,25% với kỳ hạn 1 tuần. Nhu cầu vay giữa các ngân hàng không nhiều, có ngày chỉ hơn 30.000 tỷ đồng.

Mặt bằng lãi suất trên thị trường 1, giữa ngân hàng và các tổ chức kinh tế, dân cư cũng ở mức rất thấp. Nhiều ngân hàng đã mạnh tay giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài trên 12 tháng về dưới 6%/năm. Các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng ở một số ngân hàng phổ biến ở mức 2,5 - 3,8%/năm, thấp hơn so với trần quy định của Ngân hàng Nhà nước. Thậm chí, Agribank tiếp tục không huy động tiền gửi tại kỳ hạn 36 tháng.

Lãi suất cho vay theo đó cũng được giảm sâu với mục đích đẩy mạnh vốn tín dụng ra nền kinh tế. Như BIDV đã mở rộng quy mô gói vay lên tới 60.000 tỷ đồng, lần thứ hai giảm lãi suất từ 0,1%/năm đến 0,2%/năm tùy kỳ hạn. Tính đến nay, lãi suất trung dài hạn của BIDV đã giảm đến 0,4/năm ở một số kỳ hạn.

Vietcombank cũng dành 2.500 tỷ đồng cho vay ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh mùa Tết, với lãi suất chỉ từ 5,8%.

Một loạt ngân hàng thương mại khác cũng tung các chương trình hỗ trợ, cho vay kinh doanh và tiêu dùng cuối năm với mức lãi suất xung quanh 6%.

Mặc dù, các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất và áp dụng nhiều chương trình kích cầu tín dụng, nhưng nhiều doanh nghiệp và cá nhân vẫn khá thờ ơ. Nguyên nhân là dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, sức mua và sản xuất đều giảm sút. Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh muốn tiếp cận vốn thì không đủ điều kiện. Tổ chức kinh tế, cá nhân đủ điều kiện lại ngại vay mượn do tâm lý muốn “an phận”, chờ vượt qua mùa dịch.

Tình hình kinh tế bắt đầu có dấu hiệu chuyển biến tích cực, nhưng tốc độ còn rất chậm. Khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế hiện đang ở mức kém. Vì vậy, việc ngân hàng hạ lãi suất cho vay không thể tác động tới tăng trưởng tín dụng.

Theo Đời sống
back to top