Sức đề kháng và miễn dịch ở trẻ

(khoahocdoisong.vn) - Khi trẻ sinh ra hệ miễn dịch vẫn chưa được hoàn thiện, sức đề kháng còn yếu, vì vậy sữa mẹ là nguồn cung cấp kháng thể cho trẻ trong 6 tháng đầu giúp trẻ tăng cường sức đề kháng chống lại các bệnh nhiễm trùng.

Khi hệ thống miễn dịch mạnh có thể làm giảm nguy cơ nhiễm virus và vi khuẩn, giúp cơ thể chống lại tác nhân gây bệnh, giảm bớt thời gian điều trị và tăng tốc quá trình phục hồi sau khi khỏi bệnh. Hệ thống miễn dịch được tạo thành từ một mạng lưới các tế bào, mô và cơ quan phối hợp với nhau tạo thành hệ thống phòng thủ của cơ thể chống lại các sinh vật truyền nhiễm, tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, hệ thống miễn dịch mạnh yếu khác nhau do các yếu tố như tuổi tác, thói quen ăn uống và lối sống. Vì vậy, làm thế nào để hệ thống miễn dịch của trẻ được mạnh khỏe khi trong xã hội xuất hiện vô số bệnh lây nhiễm?

Sức đề kháng và miễn dịch của trẻ: Khi trẻ sinh ra cơ thể còn non nớt, hệ miễn dịch vẫn chưa được hoàn thiện, sức đề kháng còn kém. Trẻ hay bị ốm, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng là biểu hiện của hệ  miễn dịch yếu và chế độ dinh dưỡng chưa tốt. Điều đó đồng nghĩa với việc trẻ có sức đề kháng tốt sẽ ít bị bệnh, cơ thể phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, đa dạng, cân đối và hợp lý theo nhu cầu lứa tuổi.

Một chế độ ăn uống đủ nhu cầu, cân bằng, giàu axit amin thiết yếu sẽ giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, sự thiếu hụt protein hoặc axit amin trong chế độ ăn uống có thể làm suy giảm chức năng miễn dịch, giảm khả năng chống lại sự xâm nhập của vius, vi khuẩn gây bệnh. Các amino axit được hấp thu trong cơ thể do protein cung cấp có các vai trò hết sức quan trọng như là thành phần chính của kháng thể giúp cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn, thực hiện chức năng miễn dịch, đồng thời nó là thành phần của các men và các nội tiết tố rất quan trọng trong hoạt động chuyển hóa của cơ thể.

Nuôi con bằng sữa mẹ: Cho trẻ bú ngay sau khi sinh, bú hoàn toàn sữa mẹ trong 6 tháng đầu, cho trẻ bú đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn và tiêm phòng là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Việc nuôi con bằng sữa mẹ sẽ giảm nguy cơ thiếu dinh dưỡng hoặc thừa dinh dưỡng, các bệnh mạn tính không lây khi trưởng thành, đặc biệt là bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường.

  • Ăn bổ sung đúng độ tuổi: Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thời điểm cho trẻ ăn bổ sung (ăn sam, ăn dặm) là khi trẻ tròn 6 tháng tuổi (180 ngày), là do nhu cầu của trẻ tăng cao sữa mẹ không đáp ứng đủ, vì vậy cần bổ sung thêm thức ăn cho trẻ. Không cho trẻ ăn bổ sung quá sớm hoặc quá muộn, cho trẻ ăn thiếu về số lượng và chất lượng, thiếu vệ sinh dẫn đến suy dinh dưỡng và bệnh tật. Giai đoạn cho trẻ ăn bổ sung đến khi cai sữa là thời kỳ đe doạ suy dinh dưỡng nhất đối với trẻ.

Nguyên tắc cho trẻ ăn bổ sung là ăn từ ít đến nhiều, từ lỏng đến đặc. Thức ăn bổ sung cho trẻ phải được bảo quản và chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

BS Tiến Văn (Trunng tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng)

Theo Đời sống
back to top