Tăng mức phạt
Tại phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi trình bày tờ trình về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh giá, Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán số 62/2010/QH12 và các văn bản hướng dẫn thi hành được ban hành đã tạo khung khổ pháp lý cao nhất, tương đối đầy đủ, đồng bộ, thống nhất điều chỉnh toàn diện hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán (TTCK), đạt được nhiều kết quả tích cực.
Đánh giá của Bộ trưởng Dũng cũng xác nhận, sau hơn 10 năm thi hành, Luật Chứng khoán cũng bộc lộ một số hạn chế, như một số điều khoản chưa đủ rõ ràng, không còn phù hợp với thực tiễn, không còn thống nhất, đồng bộ với các luật liên quan... Do đó, cần thiết phải có sửa đổi. Đồng thời, việc sửa đổi Luật Chứng khoán cũng nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, trong đó có việc phát triển thị trường vốn và thị trường chứng khoán. Và đáp ứng các yêu cầu cải cách, góp phần thực hiện mục tiêu tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch. Mục tiêu nữa là phải tiếp cận được các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, góp phần thu hút đầu tư, đáp ứng yêu cầu hội nhập và triển khai hiệu quả các điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Dẫu có nhiều mục tiêu như vậy, thì dự thảo sửa đổi Luật Chứng khoán vẫn chưa làm ngay các thành viên Quốc hội hài lòng. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt câu hỏi, liệu các quy định về xử phạt trong dự thảo luật sửa đổi này có mâu thuẫn với Bộ Luật Hình sự ?. Bà Nga dẫn chứng, điều 209 (tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán) của dự thảo quy định mức xử phạt hình sự là từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng.
Giải trình về nghi ngại này, theo Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) - ông Trần Văn Dũng - thực tế, mức phạt 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân cũng chưa đủ sức răn đe. Nên trong dự thảo, Ban soạn thảo đã đề nghị đưa thêm hình phạt bổ sung, trong đó có quy định tịch thu các khoản thu lời bất chính. Xác nhận đây là quy định mới và khó, ông Dũng cho biết ban soạn thảo đề xuất đưa nguyên tắc này vào luật để nghiên cứu, quy định sau. Vì ở nhiều nước, khi xác định mức thu lời bất chính thì họ quy định phạt gấp đôi. Tuy nhiên, với điều kiện Việt Nam, sau khi rà soát kỹ, ban soạn thảo dự kiến chỉ đưa quy định tịch thu toàn bộ khoản thu lời bất chính.
Có thể nhận thấy rõ ràng, quy định hình phạt bổ sung, tịch thu các khoản thu lời bất chính tại dự thảo này là có giá trị răn đe tốt hơn hình phạt chính lên đến mức tiền tỷ. Vì rõ ràng, nguy cơ bị thu lại toàn bộ khoản lợi bất chính mới là yếu tố triệt tiêu được động cơ gian dối của doanh nghiệp, cá nhân trên thị trường chứng khoán.
Đề xuất mới: Phải chờ
Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) được trình lần này đề xuất một quy định mới, theo đó nâng mức vốn điều lệ tối thiểu của công ty đại chúng phải đạt 30 tỷ đồng (hiện đang là 10 tỷ đồng). Đề xuất này đã nhận được sự đồng tình của Ủy ban thường vụ Quốc hội, dù cơ quan này yêu cầu đánh giá tác động và có quy định chuyển tiếp hợp lý. Liên quan tới đề xuất về quy định về chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, đây là loại hình doanh nghiệp đi tiên phong trong khoa học công nghệ nên nhiều rủi ro, khả năng thành công rất thấp. Tuy nhiên, đây lại là loại hình doanh nghiệp cần thiết cho nền kinh tế quốc gia, do vậy dự thảo luật đã quy định loại hình doanh nghiệp này chỉ chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư chuyên nghiệp mà không bán rộng rãi ra công chúng.
“Đây là nội dung rất mới mà ban soạn thảo đã cố gắng đi tắt đón đầu, để đề ra nguyên tắc về tổ chức thị trường cho DN khởi nghiệp sáng tạo. Chúng tôi khẳng định chỉ phát hành riêng lẻ và cũng chỉ cho giao dịch với các nhà đầu tư chuyên nghiệp” - ông Trần Văn Dũng cho biết.
Về đề xuất liên quan tới mô hình tổ chức của UBCKNN, đại diện của cơ quan này cho biết, việc thiếu các quyền hạn của UBCKNN trong yêu cầu các tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp thông tin là một bất cập trong quản lý thị trường chứng khoán (TTCK). Quan điểm của Chính phủ là ủng hộ UBCKNN có những thẩm quyền nhất định và đây cũng là những thẩm quyền cơ bản, được nêu rất rõ trong bộ nguyên tắc của tổ chức IOSCO (Tổ chức quốc tế các UBCK), phù hợp với chức năng của UBCKNN về thanh tra, kiểm tra thao túng, gian lận chứng khoán.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, dù nhất trí việc tăng thẩm quyền, đảm bảo tính độc lập về nghiệp vụ cho UBCKNN, nhưng yêu cầu đặt ra là UBCKNN vẫn phải là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính. “UBCKNN muốn độc lập phải có điều kiện nhất định, chưa thể theo ngay thông lệ quốc tế” - ông Hiển nói. Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Chứng khoán, nhưng cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần tiếp tục rà soát để đảm bảo sự phù hợp với hệ thống pháp luật liên quan, phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế.
Còn theo đại diện của Ủy ban Kinh tế, tính chất, mức độ vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán nói riêng và tài chính nói chung ngày càng phức tạp, tinh vi, có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của thị trường chứng khoán. Vì thế đòi hỏi cần có cơ quan chuyên môn có thẩm quyền đủ mạnh để áp dụng các biện pháp ngăn chặn kịp thời, chế tài và mức xử phạt phải phù hợp với tính chất và mức độ vi phạm. Nhưng đi kèm với đó là các biện pháp cũng cần rõ ràng, hiệu quả.
Như vậy, có thể nhận thấy rõ là dù ủng hộ chế tài quản lý chứng khoán và cơ quan quản lý chứng khoán có quyền thực sự trong quản lý, nhưng quan điểm của cơ quan lập pháp là khá thận trọng. Thể hiện ở việc đồng ý với đề xuất tăng mức phạt, nhưng do dự với đề xuất tăng thẩm quyền của cơ quan quản lý, cụ thể là của UBCKNN. Tất nhiên, sẽ khó đòi hỏi sự đồng thuận ngay ở khâu dự thảo, nhưng cần lưu ý lại thực tế, do sự thiếu hiệu quả trong quản lý, giám sát, mà những vi phạm liên quan tới chứng khoán đang nhiều lên, với tính chất và mức độ nguy hiểm hơn.