Theo luật sư Hoàng Tùng, hành vi quảng cáo TPBVSK Nutrizabet gian dối, không chỉ bị xử phạt hành chính còn có thể bị truy cứu trách nhiệm theo điều 197 Bộ luật hình sự 2015.
Nutrizabet quảng cáo không đúng công dụng của sản phẩm, không đúng nội dung cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận, quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh là sữa hạt tiểu đường, hỗ trợ giảm đường huyết, hỗ trợ giảm nguy cơ biến chứng do đái tháo đường, trong khi thực tế đây chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK).
Theo Cục An toàn thực phẩm, sản phẩm Nutrizabet do Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ TCG Việt Nam (ở số 44 Nguyễn Viết Xuân, quận Thanh Xuân, Hà Nội) công bố, đăng ký nội dung quảng cáo và chịu trách nhiệm sản phẩm.
|
Hình ảnh của ông Nguyễn Văn Tâm giới thiệu là Tổng giám đốc Công ty dược phẩm quốc tế TAPHACO, xuất hiện trong các quảng cáo sai công dụng sản phẩm Nutrizabet. (Ảnh chụp màn hình). |
Đáng nói, xuất hiện trong một số video, bài viết quảng cáo sai công dụng sản phẩm Nutrizabet, là hình ảnh của ông Nguyễn Văn Tâm giới thiệu là Tổng giám đốc Công ty dược phẩm quốc tế TAPHACO.
Câu hỏi mà dư luận hiện đang quan tâm là: Sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nutrizabet quảng cáo vi phạm quy định có thể bị xử lý ra sao? CEO Nguyễn Văn Tâm có phải chịu liên đới khi là người giới thiệu không đúng công dụng của sản phẩm Nutrizabet?
Nói về vấn đề trên, luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, một trong những nguyên tắc mà pháp luật quy định đó là quảng cáo phải đúng sự thật mặt hàng, công dụng sản phẩm, dịch vụ cung cấp.
Theo luật sư Hoàng Tùng, tại khoản 15, Điều 6 Luật Dược 2016, quy định những hành vi bị nghiêm cấm, cụ thể: “Cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế”.
|
Sản phẩm TPBVSK sữa hạt Nutrizabet vẫn quảng cáo “nổ” công dụng như thuốc điều trị tiểu đường, phớt lờ cảnh báo của cơ quan chức năng. |
Đặc biệt từ ngày 01/6/2021, Nghị định số 38/2021/NĐ-CP có hiệu lực pháp luật thay thế Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định rất rõ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.
Như vậy, theo Điều 52 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo được sửa đổi, bổ sung bởi điểm a khoản 15 Điều 4 Nghị định 129/2021/NĐ-CP, thì Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ TCG Việt Nam có thể sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật và buộc xóa quảng cáo.
Bên cạnh đó, hành vi quảng cáo gian dối còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 197 Bộ luật hình sự 2015.
“Trường hợp cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”, luật sư Hoàng Tùng viện dẫn.
Trước sự việc nêu trên, luật sư Hoàng Tùng kiến nghị các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm việc quảng cáo sản phẩm TPBVSK Nutrizabet sai công dụng, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.
Đồng thời, luật sư khuyến cáo, để mua được các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe đảm bảo an toàn, người tiêu dùng nên lựa chọn và mua sản phẩm đã được cơ quan chức năng xác nhận cho phép lưu hành, rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ, mua tại các cửa hàng có uy tín, kiểm tra nhãn mác, hạn sử dụng của sản phẩm.
Sau khi Cục ATTP phát đi cảnh báo, sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nutrizabet tiếp tục có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo, như “phớt lờ” cảnh báo của Cục ATTP(?)
Theo đó, ghi nhận của phóng viên trưa ngày 30/3/2023, trên fanpage facebook “CEO Nguyễn Tâm - Sữa hạt tiểu đường NutriZabet 13”, cho thấy sản phẩm TPBVSK sữa hạt Nutrizabet vẫn được ông Nguyễn Tâm giới thiệu là Tổng giám đốc Công ty dược phẩm quốc tế TAPHACO quảng cáo “nổ” công dụng như “thuốc điều trị tiểu đường”. Cụ thể, quảng cáo viết: “NutriZabet siêu tái tạo tế bào beta ở tuỵ, sản sinh insulin nội sinh chuyển hoá đường huyết về mức an toàn”, hay “mỗi ngày 2 ly đánh bay biến tiểu đường, ổn định đường huyết về 5-6 chấm, giảm thiểu các chứng tê bì chân tay, tiểu đêm, mất ngủ…”.
Fanpage trên vẫn giữ nguyên các nội dung quảng cáo đã đăng tải trước đó. Thậm chí, để tiếp tục “đánh” vào niềm tin khách hàng, một fanpage khác có tên “CEO Nguyễn Tâm - Sữa Hạt Tiểu Đường NutriZabet 2”, đăng tải thêm một số hình ảnh chụp màn hình đoạn tin nhắn được cho là của khách hàng đã “giảm đường huyết về ngưỡng an toàn tuyệt đối” sau khi sử dụng TPBVSK sữa hạt Nutrizabet?
Cùng với đó, tại nhiều địa chỉ website như: https://www.nutrizabet-authentic.store/; https://nutrizabet.vn/,... vẫn quảng cáo sản phẩm sữa hạt Nutrizabet hạ và ổn định đường huyết, bổ sung dinh dưỡng thiếu hụt, ngăn ngừa biến chứng.
*Báo Tri thức và Cuộc sống tiếp tục thông tin./.