Ông Nguyễn Quang Yên, 77 tuổi (Hạ Long, Quảng Ninh) và nhiều bạn đọc muốn báo Khảo nghiệm giúp đào tiên có những dưỡng chất gì và tác dụng thực sự của nó ra sao? Ngoài phương pháp ngâm rượu uống trước bữa ăn ra có phương pháp chế biến nào khác cho phù hợp với người già huyết áp cao hạn chế dùng rượu. Nhất là phương pháp chế biến thuốc trường sinh.
Cây Ðào tiên có tên khoa học là Crescentia cujete L., thuộc họ Núc nác (Bignoniaceae); nguồn gốc ở Nam Mỹ (Brazin), nay được trồng ở hầu khắp các nước nhiệt đới. Ở nước ta, cây Ðào tiên được trồng ở nhiều nơi như Hà Nội, Bắc Giang, Ðồng Nai, Cần Thơ, An Giang…
Ðào tiên là cây gỗ nhỏ, lá xanh đậm, nhẵn, cứng, mọc sát nhau thành cụm 3 lá hay hơn. Phiến lá hình trứng ngược, dài 10 – 15cm, rộng 3 – 4cm, thon hẹp ở gốc, chóp lá nhọn. Hoa to, mọc trên thân hay trên cành, thường đơn độc, mùi hôi; đài xanh có 2 môi; tràng màu xanh nhạt, gốc hơi đỏ, có mụn nhỏ; 4 nhị.
Quả mọng, hình cầu hơi dẹt, giống như quả bưởi xanh, đường kính khoảng 10 – 12cm, có vỏ cứng, một khoang chứa “cơm quả” (phần ruột) màu trắng (để ra không khí một lúc thì chuyển màu đen) và nhiều hạt dẹt, có vỏ hạt cứng, hình tim.
Cơm quả chứa các axit hữu cơ như creosentic, citric, tartric, chlogogenic. Hạt chứa lipit, tương tự dầu lạc hay dầu ôliu.Cơm quả hơi chua, có tác dụng khai vị, giải nhiệt, lợi tiểu, hạ sốt, nhuận tràng, chống táo bón. Ở nước ta cũng như bên Lào thường truyền tai nhau rằng quả đào tiên có tác dụng kéo dài tuổi thọ, mặc dù chưa thấy công trình nghiên cứu nào về công dụng làm tăng tuổi thọ của quả này.
Ngoài phương pháp ngâm rượu uống, người ta còn lấy ruột quả đào tiên chế thành siro chữa ho, viêm họng; hoặc làm mứt dẻo. Theo kinh nghiệm dân gian, nước sắc lá đào tiên có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, trị táo bón, mất ngủ, đái buốt, đái dắt, viêm nhiệt.
Ở Ấn Độ, người ta dùng nước sắc vỏ cây đào tiên để rửa vết thương; lá giã ra làm thuốc đắp trị đau đầu.
PGS.TSKH Trần Công Khánh
(Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây thuốc cổ truyền)