Hỏi: Mới đây trên Tạp chí PNAS có đăng nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ cho thấy virus SARS-CoV-2 có thể tích hợp các mảnh RNA của nó vào bộ gene của người, thông qua một quá trình gọi là phiên mã ngược. Xin hỏi, điều đó có đáng lo ngại không?
Vũ Hải Lê (Hoàn Kiếm, Hà Nội)
GS.TS Nông Văn Hải, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, khi tiếp nhận thông tin này, rất nhiều nhà khoa học giật mình. Phải chăng virus SARS-CoV-2 có thể tích hợp RNA vào bộ gene của chúng ta và tồn tại mãi mãi ở đó? Liệu nó có thể chơi một trò chơi trốn tìm giống với virus HIV và biến Covid-19 trở thành một căn bệnh không thể chữa khỏi hay không? Nhưng để ý kỹ bài báo thì mới thấy chúng chưa có cơ sở khoa học và cũng chưa phải là công bố khoa học. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng vẫn là họ không tìm thấy toàn bộ RNA của virus SARS-CoV-2 trong tế bào người. Thay vào đó, thứ được phát hiện chỉ là những đoạn RNA rời rạc, không đủ để dịch mã thành một virus sống hoàn thiện.
Một lo ngại khác từ nghiên cứu là liệu văcxin Covid-19 dựa trên công nghệ RNA thông tin (mRNA) có thể làm thay đổi ADN của người được tiêm hay không? GS.TS Nông Văn Hải cho hay, chính nhà nghiên cứu Janesich và Young nhấn mạnh rằng, các kết quả của họ là nguyên bản và mới, nhưng không có nghĩa là các văcxin đó tích hợp trình tự của chúng vào ADN của chúng ta.
Việc tiêm văcxin hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến hệ gene của chúng ta. Hơn nữa, dù đăng trên một tạp chí khoa học rất có uy tín, nhưng bài báo lại được đăng ở chế độ thảo luận mở. Điều này không có nghĩa là nội dung của nó nhất thiết phải đúng hay sai mà chỉ như một cách nhìn nhận và tranh luận về một vấn đề cần giải mã.
Theo một giáo sư chuyên nghiên cứu về hệ gene thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, đối với chủng virus cúm, dù có biến đổi nhanh và phức tạp thế nào, cũng có văcxin khống chế. Đó là chưa kể, nếu virus có thể lẩn vào gene người thật thì ở mặt tích cực nó có thể tạo ra kháng thể tự miễn dịch để cơ thể chống chọi với virus.