Sự thật kinh hoàng bên trong hồ axit lớn nhất thế giới
Tâm Anh (theo Livescience)/TT&CS
Tại miệng núi lửa Kawah Ijen trên đảo Java, Indonesia, hồ axit lớn nhất thế giới có độ pH thấp hơn 0,3 ở nhiều nơi. Khoáng chất và axit trong hồ miệng hố khiến nước xanh như ngọc.
Kawah Ijen là núi lửa khổng lồ còn hoạt động trên đảo Java, Indonesia. Trên miệng núi lửa này có hồ axit lớn nhất thế giới. Nước hồ có độ pH thấp hơn 0,3 ở nhiều nơi trong hồ do chất lỏng thủy nhiệt bốc lên từ bên trong vỏ Trái Đất. Điều này khiến nước chứa đầy khoáng chất cũng như axit sulfuric và axit hydrochloric. Ảnh: Evgenii Ivkov via Getty Images.
Độ pH 0,3 tương đương với axit pin, dung dịch tạo ra và lưu trữ năng lượng điện trong ô tô. Để so sánh, axit dạ dày có độ pH 1,5 - 2 và pH của nước chanh là 2 - 3. Ảnh: GOH CHAI HIN/Staff/Getty Images.
Theo một nghiên cứu năm 2006, bất chấp môi trường khắc nghiệt, hồ axit của Kawah Ijen vẫn là nơi sinh sống của một quần thể vi khuẩn nhỏ. Ảnh: ESA.
Màu xanh lá cây của nước hồ axit trên miệng núi lửa Kawah Ijen sáng đến mức có thể nhìn thấy từ vũ trụ. Khoáng chất và axit trong hồ miệng hố khiến nước xanh như ngọc. Chúng có nguồn gốc từ một buồng magma nóng bên dưới núi lửa. Ảnh: ESA.
Lần phun trào gần nhất của núi lửa Kawah Ijen là vào năm 1999. Ngọn núi lửa cao 2.769m và miệng hố rộng 700 x 800m. Ảnh: ijenexpeditiontour.
Mưa thường xuyên bổ sung thêm nước mới cho hồ axit trên miệng núi lửa Kawah Ijen. Tuy nhiên, nước mới ngay lập tức có tính xói mòn do những mạch giải phóng khí gas liên tục ở đáy hồ. Khi miệng hố đầy, nước chảy tràn thành dòng suối ở sườn tây núi lửa đổ vào lưu vực sông Banyupahit. Ảnh: ijenexpeditiontour.
Nếu nước đậm đặc axit ở hồ miệng hố chưa đủ kỳ lạ, núi lửa Kawah Ijen cũng thải ra khí lưu huỳnh bắt lửa khi tiếp xúc với oxy trong khí quyển Trái đất. Khi những khí này bốc cháy bên trên núi lửa, chúng tạo ra ngọn lửa màu xanh dương gần như khó thấy vào ban ngày nhưng rất nổi bật vào ban đêm. Ảnh: ijenexpeditiontour.
Thông thường, lưu huỳnh trong khí gas ngưng tụ sau khi bắt lửa, tạo thành chất lỏng chảy qua quãng đường ngắn dọc theo núi lửa trước khi rắn lại thành lớp trầm tích màu vàng. Ảnh: ijenexpeditiontour.
Người dân địa phương khai thác lớp trầm tích này, đập vỡ những khối lưu huỳnh để bán cho nhà máy tinh chế đường trong vùng - nơi sử dụng chúng để tẩy trắng đường. Hoạt động khai khoáng này riềm ẩn nhiều rủi ro, bao gồm khí lưu huỳnh độc hại, những vụ nổ khí gas thường xuyên và con đường lên xuống núi lửa nguy hiểm. Ảnh: ijenexpeditiontour.
Mời độc giả xem video: Giải mã hiện tượng núi lửa “phun” sét lên trời như ngày tận thế.