Sự thật giật mình "thế lực" xây dựng kim tự tháp ở Ai Cập
Tâm Anh (theo LS)
Ai Cập có hơn 100 kim tự tháp hàng ngàn năm tuổi. Trong suốt vài thập kỷ qua, các nhà khảo cổ đã tìm được những bằng chứng cung cấp manh mối về những người xây kim tự tháp cũng như cuộc sống của họ.
Khi nhắc đến Ai Cập, nhiều người nghĩ ngay đến kim tự tháp. Đó là những công trình có niên đại hàng ngàn năm tuổi, có kiến trúc kỳ vĩ và hoành tráng. Trong số này, Đại kim tự tháp Giza được nhiều người biết đến nhất khi đây là 1 trong 7 kỳ quan thế giới cổ đại và cũng là kỳ quan duy nhất còn tồn tại đến ngày nay.
Đại kim tự tháp Giza được xây dựng vào khoảng năm 2580 trước Công nguyên. Theo đó, công trình này có niên đại hơn 4.500 tuổi. Tuy nhiên, Đại kim tự tháp Giza không phải là kim tự tháp đầu tiên được xây dựng ở Ai Cập. Theo các chuyên gia, kim tự tháp bậc thang Djoser nằm ở khu vực khảo cổ Saqqara, phía nam thủ đô Cairo, được xây dựng 4.700 năm trước dưới thời pharaoh Djoser là kim tự tháp cổ nhất Ai Cập.
Trong các triều đại tiếp theo, pharaoh Ai Cập đã xây dựng các kim tự tháp "khủng". Suốt nhiều thập kỷ qua, giới khảo cổ đã dành nhiều thời gian nghiên cứu nhằm làm sáng tỏ những bí ẩn về lực lượng xây dựng kim tự tháp.
Theo đó, giới nghiên cứu đã tìm được một số sử liệu, ghi chép, bao gồm mảnh giấy cói được phát hiện tại Wadi al-Jarf, Ai Cập vào năm 2013. Nội dung trên mảnh giấy cói đề cập đến các nhóm công nhân lớn đã vận chuyển các nguyên vật liệu đến Giza để xây kim tự tháp.
Tiếp đến, mảnh giấy cói còn mô tả một nhóm gồm 200 nam giới do thanh tra tên là Merer đứng đầu. Nhóm công nhân này đã vận chuyển những tảng đá vôi bằng thuyền dọc theo bờ sông Nile, cách đại kim tự tháp ở Tura khoảng 18 km, nơi chúng được sử dụng để xây lớp ngoài của công trình.
Trước đây, các nhà Ai Cập học đưa ra giả thuyết rằng, những người xây dựng kim tự tháp phần lớn là do những người làm nông nghiệp theo mùa, những thời điểm trong năm có rất ít công việc nông nghiệp phải làm.
Cuộn giấy cói phát hiện tại Wadi al-Jarf có viết, nhóm do Merer lãnh đạo còn làm được nhiều việc hơn là giúp xây dựng kim tự tháp. Những công nhân này dường như đã đi đến phần lớn đất nước Ai Cập, có thể đến tận sa mạc Sinai, thực hiện nhiều dự án xây dựng và hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Pierre Tallet, giáo sư Ai Cập học tại Đại học Paris-Sorbonne, Pháp, cho hay các công nhân xây kim tự tháp có chế độ ăn bao gồm chà là, rau, thịt gia cầm và thịt. Ngoài chế độ ăn uống lành mạnh, cuộn giấy cói còn ghi chép các thành viên của nhóm làm việc thường xuyên nhận được hàng dệt may, có thể được coi là một phần thưởng vào thời điểm đó.
Mark Lehner, giám đốc của Hiệp hội Nghiên cứu Ai Cập Cổ đại (AERA), một viện nghiên cứu có trụ sở tại Massachusetts, cho hay các quan chức ở các vị trí cấp cao có liên quan đến việc xây dựng kim tự tháp có thể đã nhận được các khoản tiền cấp đất.
Những bộ hài cốt của các công nhân được phát hiện gần các kim tự tháp cho thấy họ từng bị thương và được chữa lành. Điều này cho thấy họ được thầy thuốc chăm sóc sức khỏe, chữa trị khi đau ốm. Từ đây, họ nhận định lực lượng xây dựng kim tự tháp không phải nô lệ như nhiều người vẫn lầm tưởng.
Mời độc giả xem video: Giải mã bí ẩn hành lang ngầm bên trong đại kim tự tháp Giza.