Rất nhiều người trong chúng ta nhìn vào màn hình máy tính, thiết bị di động hàng ngày.
Bản thân ánh sáng đã gây ra tổn hại trong một số trường hợp nhất định, và vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng phần dễ gây ra tổn thương nhất của những phổ ánh sáng nhìn thấy được là ánh sáng xanh. Đáng buồn thay, những thiết bị điện tử lại phát ra thứ ánh sáng xanh này khi hoạt động.
Vì lý do đó, nhiều công ty sản xuất kính mắt và màn hình điện thoại đang tung ra thị trường những sản phẩm, những thiết bị được thiết kế để chặn đứng ánh sáng xanh.
Nhưng khi đeo kính lên để nhìn rõ vào sự thật, thì ta mới thấy giải pháp này không thực sự có ích như lời quảng cáo ta vẫn nghe. Quả thực, trăm nghe không bằng một thấy.
Nhu cầu được bảo vệ tăng cao
Trong những năm gần đây, nhu cầu bảo vệ mắt khỏi ánh sáng xanh tăng cao. Những công ty kính mắt vốn đã bán sản phẩm bảo vệ mắt cho người sử dụng máy tính từ rất lâu rồi, nay đẩy mạnh quảng cáo về sản phẩm bảo vệ mắt hơn nữa.
Tạp chí nổi tiếng The New York Times đã đưa ra nghi vấn liệu thứ kính này có thể giúp người sử dụng không, và tạp chí người tiêu dùng Consumer Reports đã tự tay thử nghiệm mức độ hiệu quả của kính.
Người ta quảng cáo tập trung vào 3 yếu tố, 3 lợi thế bán hàng. Một, kính sẽ giúp người dùng đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn.
Thứ hai, kính sẽ giảm tình trạng mỏi mắt gây ra bởi đồ điện tử. Thứ ba, đáng chú ý nhất NẾU như những gì các công ty kính mắt nói là thật, kính chặn ánh sáng xanh để ngăn chặn những tổn thương có thể có.
Có một điểm đáng lưu ý: kính mắt không nằm trong danh sách thiết bị y tế, nên những lợi ích sức khỏe mà các công ty bán sản phẩm tuyên bố sẽ không bị FDA – Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ kiểm duyệt.
Trong tháng Tám này, nhiều đầu báo rộ lên nghiên cứu ánh sáng xanh gây mù lòa. Tuy nhiên, người ta đã hiểu sai kết quả của thí nghiệm nói trên.
Các nhà khoa học đã dùng ánh sáng bắn vào tế bào mắt đặt trong đĩa thí nghiệm để xem cách ánh sáng có thể gây tổn tại như thế nào. Họ không hề dùng ánh sáng xanh của thiết bị điện tử bắn vào mắt để kiểm tra.
Thế nhưng thí nghiệm có chứng minh được rằng ánh sáng, hay cụ thể trong trường hợp này là ánh sáng xanh, vô hại.
Nhưng hiện tại, KHÔNG một nghiên cứu nào chỉ ra rằng những thiết bị phát ánh sáng xanh phóng ra đủ ánh sáng để mà gây hại cho con người.
Các bác sĩ có lời giải thích tại sao mắt ta mỏi mệt, căng thẳng khi nhìn lâu vào màn hình, nhưng những lời giải thích của họ không nhất thiết có kèm cả “ánh sáng xanh” trong đó.
“Mọi người lo sợ rằng ta đang nhìn vào màn hình thiết bị điện tử quá nhiều“, bác sĩ Rahul Khurana, phát ngôn viên của Viện Khoa mắt Hoa Kỳ nói. “Ai cũng lo lắng các thiết bị gây hại cho mắt và đúng, đó là mối lo hợp lý, nhưng chẳng có bằng chứng cho thấy nó gây ra những tổn hại không thể phục hồi“.
Chúng gây tổn tại tới động vật và tế bào, nhưng không gây hại cho người
Các nghiên cứu mà mọi công ty kính mắt sử dụng để chứng minh sự hiệu quả của sản phẩm có thể chia thành 3 khía cạnh: nghiên cứu trên động vật, thử nghiệm võng mạc mắt trước ánh sáng trong điều kiện phòng thí nghiệm, nghiên cứu người tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên.
Hai khía cạnh đầu có thể khiến ta đặt dấu hỏi lên độ an toàn của cái màn hình thiết bị điện tử, tuy nhiên chúng không cho thấy ánh sáng làm mắt tổn thương nghiêm trọng.
Nghiên cứu về ánh sáng tự nhiên dù là hay ho thật, nhưng điều kiện ngoài trời và điều kiện ngồi trước màn hình máy tính TRONG PHÒNG LÀM VIỆC là hai môi trường hoàn toàn khác nhau.
Những vật thể phát sáng, cụ thể là ánh sáng xanh, có gây tổn hại lên mắt động vật, nhưng những thử nghiệm ánh sáng trong phòng thí nghiệm khác hẳn với việc ta cầm điện thoại di động lên sử dụng. Hơn nữa, mắt của chuột thí nghiệm hay thậm chí là khỉ cũng đều yếu hơn con người.
Cùng với những điều kiện thử như trên, chiếu ánh sáng vào tế bào mắt người sẽ gây tổn hại. Nhưng điều kiện phòng thí nghiệm khác xa với việc ta tiếp xúc với ánh sáng xanh ngoài đời thực.
“Tôi nghĩ rằng người ta đã cường điệu hóa sản phẩm, chứ không dựa trên khoa học”, giáo sư Richard Rosen, giám đốc mảng võng mạc tại Bệnh viện Mắt và Tai Núi Sinai New Yorkm giám đốc nghiên cứu khoa mắt tại Trường Dược Icahn, nói.
“Họ muốn bán hàng, họ hiểu rằng người ta cảm thấy khó chịu khi cả ngày phải ngồi trước màn hình sáng, vì thế họ nói rằng ánh sáng xanh đã gây tổn tại“.
Ông kết luận: “Tôi không nghĩ rằng đã có bất kì ai cho thấy màn hình gây ra tổn thương cho mắt“.
Dữ liệu nghiên cứu cho ta biết gì về thoái hóa điểm vàng – macular degeneration
Thoái hóa điểm vàng là bệnh về mắt mà khi mắc, việc quan sát sẽ khó khăn do mọi thứ mờ đi hoặc mất hẳn thị lực tại vùng trung tâm của tầm nhìn.
David Roger, đồng sáng lập và CEO của công ty kính mắt Felix Gray, một trong những công ty làm kính chặn ánh sáng xanh, nói với Business Insider rằng “ngày một nhiều nghiên cứu chỉ ra hiệu ứng của ánh sáng xanh với bệnh thoái hóa điểm vàng”.
Nhưng có một vấn đề thế này: những nghiên cứu chỉ ra hiệu ứng của ánh sáng Mặt Trời, chứ không chỉ ra rằng máy tính, điện thoại đang phát ra một lượng ánh sáng nhiều tới mức nguy hiểm.
Đúng là tỉ lệ thoái hóa điểm vàng đang gia tăng, theo thông số từ Viện Mắt Quốc gia Hoa Kỳ NEI, nhưng họ nêu lên lý do rằng dân số đang ngày một già hơn, hiển nhiên là tỉ lệ mắc bệnh khi về già sẽ tăng lên.
Trong danh sách chính thức về những yếu tố gây thoái hóa điểm vàng, NEI vẫn liệt kê hút thuốc, ảnh hưởng từ những loài người khác nhau, lịch sử bệnh lý của gia đình và gen, chế độ ăn. Trong số đó không hề có việc sử dụng thiết bị điện tử.
Không phải không có những bác sĩ trong ngành đồng ý rằng ánh sáng xanh đáng lo ngại. Có những vị vẫn đeo kính ngăn ánh sáng xanh để phòng trừ, mặc dù họ công nhận rằng rất khó để xác định được máy tính đã gây ra hại gì so với cái thời “trước khi có máy tính”. Bởi một lẽ là chẳng có (hoặc chưa có) nghiên cứu nào như thế cả.
Họ biết rằng ánh sáng, kể cả ánh sáng tự nhiên và bao gồm cả ánh sáng xanh, đều tăng tỉ lệ mắc chứng thoái hóa điểm vàng. Họ “phòng bệnh hơn chữa bệnh” bằng cách cứ đeo kính ngăn ánh sáng xanh cho chắc. Đó cũng chính là suy nghĩ của các công ty bán kính mắt.
NHƯNG, có những vị bác sĩ khác không đồng ý với việc phòng hơn chữa này, nhất là khi ta đâu có biết nó có hại hay không? Mới chỉ có nghiên cứu cho thấy ánh sáng xanh thì khó ngủ thôi. Một bước tiến, một bước phòng tránh tưởng như chắc ăn có thể sẽ gây hại chứ không hiệu quả gì.
Bác sĩ Rahul Khurana nói rằng chẳng có lý do gì để đưa ra những cách chữa trị, những biện pháp phòng tránh, mua những sản phẩm ngăn ngừa “bệnh” khi không có bằng chứng cho thấy bệnh để mà chữa mà tránh. Nghiên cứu có cho thấy ánh sáng Mặt Trời, và cụ thể là ánh sáng xanh trong ánh sáng Mặt Trời, tăng khả năng thoái hóa điểm vàng, nhưng ta không thể so chúng với ánh sáng từ màn hình máy tính.
Rất nhiều nghiên cứu về vấn đề này sử dụng chủ thể là nhân công làm việc tại cảng biển, nhiều tiếng đồng hồ đứng ngoài trời nắng mà không có công cụ bảo hộ. Còn xét tới nguồn sáng, Mặt Trời là nguồn sáng nhất con người từng biết tới, khác với ánh sáng trong phòng làm việc.
Ta mỏi mắt vì một lý do: căng thẳng tới từ đồ dùng điện tử – digital eyestrain
Cuối một ngày nhìn vào màn hình máy tính liên tục, mắt ta sẽ khó chịu, khô và rõ ràng là “có gì đó sai sai”.
Tuy nhiên, cả Khurana và Rosen nói rằng hai lý do chính khiến ta mỏi mắt là ít chớp và bản thân khu vực làm việc được bố trí sai. Khi ánh sáng từ màn hình tương đương với nguồn sáng xung quanh, mắt bạn sẽ đỡ mỏi hơn. Nguồn sáng sáng hơn môi trường xung quanh sẽ khiến mắt mỏi. Nên điều chỉnh sao cho phù hợp.
Điểm quan trọng nhất: ta quá ít chớp mắt khi tập trung lâu vào màn hình máy tính (hoặc tương tự, khi đọc sách). Thay vì chớp trung bình 15 lần/phút, bạn sẽ chỉ chớp 10-12 lần/phút. Từng đó đã đủ khiến mắt khô và khó tập trung trở lại.
“Suốt một ngày hoạt động, nếu tế bào giác mạc khô hết đến một điểm quá mức, nó sẽ không phục hồi lại nữa“, giám đốc Rosen nói. “Phải qua đêm để chúng xuất hiện lại, bạn mới thấy thoải mái hơn“.
Bác sĩ Khurana cũng khuyên bạn nên dùng thuốc nhỏ mắt. Bên cạnh đó áp dụng luật 20-20-20: cứ 20 phút, thì nhìn về phía xa 20 feet (6 mét) trong khoảng 20 giây. Có vẻ là khi ngồi học, ta cũng thường xuyên áp dụng 20-20-20 theo một cách khác: cứ sau 20 giây đọc tài liệu, ta sẽ nhìn xa 20 cm (vào điện thoại, máy tính) trong 20 phút. Đùa thôi.
Nhưng kết luận lại, mỏi mắt, khô mắt khiến ta khó chịu chứ không gây ra tổn hại vĩnh viễn lên mắt.
Mối liên hệ giữa các thứ màn hình, một buổi tối ngủ đủ giấc và chất melatonin
Việc ngăn ánh sáng xanh vào mắt ta là để nó không ngăn cản việc mắt tiết ra melatonin, nghe có lý lắm, nhưng không nhất thiết phải dùng tới kính mắt ngăn ánh sáng xanh. Một tấm lọc, một ứng dụng chỉnh sáng có thể làm được việc đó.
Ánh sáng (mà cụ thể là ánh sáng xanh) là thứ ảnh hưởng đến bộ máy sinh học của ta, báo cho con người biết rằng Mặt Trời đã mọc. Chính điều đó khiến bộ não ta bối rối khi gặp ánh sáng xanh vào lúc giữa đêm. Nghiên cứu chỉ ra rằng việc nhìn thấy ánh sáng xanh trước lúc đi ngủ sẽ khiến não chậm sản xuất melatonin, chất điều tiết nhịp sinh học và giúp ta ngủ mỗi đêm.
Đây không chỉ là nghiên cứu cho ta hiểu hơn, mà nó còn đưa ra cho ta yêu cầu rằng hãy sử dụng thiết bị điện tử có chừng mực. Trong 1 giờ trước khi bạn đi ngủ, hãy đừng khiến não bộ mình nghĩ rằng nó đang thấy Mặt Trời, để nó nghỉ ngơi và sản xuất melatonin.
Trong trường hợp này, “phòng còn hơn tránh” thì lợi hay hại?
Chủ động đề phòng thường là điều tốt. Nhưng trong trường hợp này thì khác. Con người cần ánh sáng, cụ thể là ánh sáng xanh.
Trong một ngày hoạt động, ánh sáng xanh kích thích ta hoạt động, giúp ta thức dậy, kích hoạt quá trình trao đổi chất của cơ thể. Con người cần ánh sáng xanh để hoạt động. Như đã nói ở trên, nó điều khiển nhịp sinh học và hormone của ta. Chặn ánh sáng xanh lúc nửa đêm thì hợp lý lắm, nhưng lại là vô lý suốt buổi sáng – khoảng thời gian mà ta cần não ngừng sản xuất melatonin. Điều này là thuận theo tự nhiên.
Nghiên cứu chỉ ra rằng tiếp xúc với ánh sáng Mặt Trời nhiều thì sẽ sinh bệnh, đó là lý do tại sao bác sĩ lại khuyên ta nên đeo kính râm. Nhưng khi mà ta không có bằng chứng cho thấy tiếp xúc với ánh sáng từ màn hình là có hại, ta nên xem xét liệu việc dùng kính mắt chặn ánh sáng xanh là đúng hay sai.
Nhìn chung, nhìn thêm nhiều loại ánh sáng khác nhau cũng không hẳn có hại. Bệnh cận thị đang ngày một nhiều, nhất là trong nhóm những đứa trẻ hay ở trong nhà (giả định rằng chúng ở trong nhà, ngồi trước thiết bị điện tử quá nhiều). Nhưng để ngăn tình trạng này diễn ra, lũ trẻ nên hoạt động ngoài trời nhiều, nhìn vào nhiều sự vật ở những khoảng cách khác nhau, tiếp xúc với nhiều loại ánh sáng hơn nữa chứ đừng ngồi lì trong nhà ôm iPad.
Chốt lại: ta cần bằng chứng là có bệnh tồn tại trước khi cố gắng phòng tránh
Vẫn có khả năng những nghiên cứu tương lai cho ta biết thêm điều gì đó mới. Nhưng hiện tại, ta đang không có nghiên cứu thực sự nào chỉ ra rằng ánh sáng xanh gây hại cho thị lực, dù cho các công ty kính mắt có nói gì chăng nữa. Nhiều nghiên cứu cho thấy tác hại của ánh sáng xanh lại đến từ chính những công ty này.
Ví dụ cụ thể: nghiên cứu được nhắc đến trên trang web Harvard Health được tài trợ bởi công ty sản xuất mặt kính điện thoại chặn được ánh sáng xanh. Và mặc dù trong nghiên cứu trên, ánh sáng xanh bị gọi là nguồn căn của “đại dịch mù toàn cầu”, nó vẫn dựa nhiều trên chuột, trên nghiên cứu tế bào đơn lẻ, chứ chưa thấy dấu hiệu tổn thương trên con người.
Điều này không có nghĩa là nghiên cứu vô nghĩa. Nhưng khi mà nghiên cứu về “tác hại của X” do chính “công ty sản xuất Y để chống X” công bố, thì ta nên xem xét kĩ càng chút.
Công nghệ đang tiến hóa theo từng ngày, với mỗi đột phá sẽ đi kèm với những mối nguy, những thử thách và lợi ích mới. Màn hình ngày đang một hiệu quả hơn, khiến mắt đỡ mỏi hơn chẳng hạn. Ta vẫn đang cố gắng nghiên cứu, nếu như có điều gì bất lợi cho nhân loại xuất hiện, ta sẽ biết ngay nó là cái gì để mà điều chỉnh. Sự tồn vong của giống loài dựa trên những nghiên cứu ấy.
Tham khảo Business Insider, The Verge, Wikipedia
Theo Tri thức trẻ