<div> <p>Theo thông tin từ báo cáo số ca mắc Covid-19 mới hàng ngày của Ấn Độ, trong hai ngày qua, quốc gia này đối diện tình cảnh ngặt nghèo với số ca mắc kỷ lục - hơn 200.000 người nhiễm nCoV mới mỗi ngày. Bang Maharashtra, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất của nước này, ghi nhận đến gần 60.000 ca mắc mới chỉ trong một đêm.</p> <p>Các chuyên gia y tế lo ngại biến chủng kép đang dần xâm chiếm đất nước 1,3 tỷ người, thúc đẩy làn sóng Covid-19 nguy hiểm hơn bao giờ hết.</p> <p>Đến ngày 17/4, theo <em>SCMP,</em> Ấn Độ đã ghi nhận tổng cộng 14,2 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2, đứng thứ 2 trên toàn cầu và hơn 174.300 người tử vong. Từ giữa tháng 3, tình hình dịch Covid-19 tại Ấn Độ đột ngột phức tạp trở lại vì sự xuất hiện của biến chủng kép.</p> <h3>“Dị nhân kép”</h3> <p>Bà Maria Van Kerkhove, nhà dịch tễ học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho hay biến chủng kép tại Ấn Độ đang lọt vào tầm ngắm quan tâm của các chuyên gia. “Hai trong số những đột biến mà nó sở hữu đã được tìm thấy ở các biến chủng khác trên thế giới”, bà Maria nói thêm. Theo vị chuyên gia, điều này khiến biến chủng kép tại Ấn Độ có thể tăng khả năng lây truyền, giảm hiệu quả của vaccine.</p> <p>Làn sóng Covid-19 thứ 2 manh nha đe dọa phá hủy toàn bộ nỗ lực chống dịch của quốc gia này, bất chấp nhiều biện pháp gắt gao. Biến chủng kép có tên là B.1.617, được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ với 2 đột biến E484Q và L452R cùng lúc.</p> <table> <tbody> <tr> <td><img alt="bien chung kep anh 1" src="https://khds.1cdn.vn/2021/04/18/znews-photo-zadn-vn_methode_times_prod_web_bin_e32ba180_7996_11ea_bc41_6517026e24df.jpg" title=" biến chủng kép ảnh 1" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>Những người lao động di cư chen chúc trên một chiếc xe buýt để quê hương khi thủ đô New Delhi bị phong tỏa hồi tháng 3/2020. Ảnh: <em>AP.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Virus luôn biến đổi, đó là một phần của sinh học tiến hóa. Một số đột biến làm virus suy yếu, tuy nhiên, số khác tạo điều kiện cho nó sinh sôi, phát triển mạnh hơn hoặc lây lan nhanh hơn. Theo <em>Outbreak</em> - trang dữ liệu sử dụng hệ thống lưu trữ toàn cầu GISAID - mức độ phổ biến của biến chủng kép này đã tăng lên 52% so với các mẫu được giải trình tự gene vào hầu tháng 1.</p> <p>Theo Anurag Agrawal, Giám đốc Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Ấn Độ, sau khi Viện Geomomics giải trình tự gene, một số quận của bang Maharashtra, tâm chấn của làn sóng hiện tại, tỷ lệ lây nhiễm biến chủng kép lên tới hơn 60%.</p> <p>B.1.617 xuất hiện trong các mẫu bệnh phẩm ở 10 bang của Ấn Độ. Ông Agrawal dự đoán số lượng này sẽ tăng lên bởi hai đột biến quan trọng khiến nó có khả năng lây nhiễm, kháng miễn dịch. Rakesh Mishra, giám đốc Trung tâm Sinh học Tế bào và Phân tử, trụ sở tại Hyderabad, chịu trách nhiệm dự án giải trình dự gene nCoV, cảnh báo: “Biến chủng lần này lây lan nhanh hơn bất kỳ chủng nào đã phát hiện trước đó. Không sớm thì muộn, nó sẽ trở thành chủng phổ biến của toàn Ấn Độ”,</p> <p>Theo ông Agrawal, các đặc điểm của biến chủng kép đang được chuyên gia điều tra, phân tích. Đột biến L452R đã từng khiến tình hình dịch Covid-19 tại Mỹ chao đảo. Vị chuyên gia này cho biết đột biến L452R đã làm tăng 20% khả năng lây truyền của virus và giảm 50% hiệu quả của kháng thể.</p> <p>“Biến chủng B. 1.617 có tất cả dấu hiệu của loại virus rất nguy hiểm. Chúng ta phải làm mọi thứ có thể để xác định sự lây lan và ngăn chặn nó”, ông William A. Haseltine, cựu Giáo sư của trường Y Harvard, Mỹ, viết trên Forbes ngày 12/4. Theo <em>Outbreak,</em> B.1.617 đã phát hiện ở ít nhất 10 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có Anh, Mỹ, Australia, New Zealand.</p> <table> <tbody> <tr> <td><img alt="bien chung kep anh 2" src="https://khds.1cdn.vn/2021/04/18/znews-photo-zadn-vn_thumbs_b_c_97ed8425ebfe8f0bb42c010a40a04dc2.jpg" title=" biến chủng kép ảnh 2" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>Hệ thống an táng tạI Ấn Độ quá tải vì số người tử vong cao kỷ lục. Ảnh: <em>Anadolu Agency.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <h3>"Khắp nơi đều là xác chết"</h3> <p>Theo <em>VICE</em>, tại thành phố Lucknow, miền bắc Ấn Độ, các video về số lượng thi thể khổng lồ bị hỏa thiêu lan truyền với tốc độ chóng mặt. Nó được ví như cháy rừng. Ngày 15/4, phóng viên của hãng <em>The Print</em> miêu tả khung cảnh đầy kinh hoàng này là “xác chết ở khắp mọi nơi”, “cứ 10 phút có một thi thể phải hỏa thiêu”.</p> <p>Không chỉ các thi thể tử vong vì Covid-19 cần hỏa táng, các khu nghĩa trang tại Ấn Độ tràn ngập người chết. Một nhân viên tại Baikunth Dham chia sẻ với <em>The Print:</em> “Chúng tôi đang làm việc quá sức. Sau kỳ nghỉ lễ, số người tử vong bắt đầu tăng lên. Tôi đã không nghỉ từ năm ngoái. Mỗi ngày, phải có đến gần 60-65 thi thể được mang tới đây".</p> <p>Chỉ tay về phía chân bị thương, người này nói thêm: "Tôi gặp tai nạn nhưng không thể nghỉ ngơi. Số người chết thời gian gần đây không phải là con số bình thường. Nhiều người phải chờ 5-6 giờ đồng hồ để thân nhân của họ được đến lượt hỏa táng. Trước đó, con số trung bình cũng rơi vào khoảng 20-25 thi thể". Tuy nhiên, không ai có thể xác định được toàn bộ số người tử vong này có phải vì Covid-19 hay điều gì khác.</p> <table> <tbody> <tr> <td><img alt="bien chung kep anh 3" src="https://khds.1cdn.vn/2021/04/18/znews-photo-zadn-vn_india_covid_1.jpg" title=" biến chủng kép ảnh 3" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>Một người phụ nữ Ấn Độ được tiêm vaccine Covid-19. Ảnh: <em>Reuters.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Tình trạng thiếu giường bệnh, nạn nhân tử vong trước khi được điều trị trở nên phổ biến tại Ấn Độ - tương tự những gì đã diễn ra ở Brazil hay Mỹ thời gian vừa qua. Quốc gia này cũng đang thiếu hụt trầm trọng các loại thuốc sử dụng khẩn cấp trong đại dịch Covid-19 là Remdesivir và Tocilizumab. Người dân phải tìm đến chợ đen để tìm thuốc.</p> <p>Ngoài Lucknow, nghĩa trang tại các thành phố khác cũng quá tải. Ở Bhopal, miền Trung Ấn Độ, một số cơ sở hỏa táng báo cáo họ nhận được 40 thi thể mỗi ngày. Tại thủ đô New Delhi, một khu hỏa táng nhận được hơn 400 người tử vong vì Covid-19 trong 13 ngày đầu tháng 4. Ở thành phố Gujarat, miền tây Ấn Độ, một người đàn ông phải đợi 12 giờ liền để anh trai quá cố, nạn nhân tử vong vì Covid-19, được đến nơi an nghỉ cuối cùng.</p> <p>Vấn đề lớn mà Ấn Độ đang phải đối mặt đó là tỷ lệ tiêm chủng quá thấp. Từ ngày 16/2 đến 16/4, số lượng người dân được tiêm vaccine ở quốc gia này à 14,9 triệu, chỉ chiếm 1,1% dân số. Nhiều chuyên gia cảnh báo với tốc độ tiêm chủng hiện tại, Ấn Độ có thể mất tới 10 năm để tiêm đủ cho 70% dân số.</p> <table class="article"> <tbody> <tr> <td> </td> </tr> </tbody> </table> <table class="article"> <tbody> <tr> <td> </td> </tr> </tbody> </table> <section class="section article-news-background" id="article-news-background"> <header class="section-title"> </header> </section> </div>