Sử dụng thuốc nhỏ mắt đúng cách, tránh rước bệnh

Có những bệnh nhân lạm dụng thuốc nhỏ mắt, hoặc sử dụng thuốc nhỏ mắt không có sự hướng dẫn của bác sĩ sẽ rất dễ dẫn đến bệnh Glôcôm.

Theo TS.BS Nguyễn Xuân Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung Ương, có những bệnh nhân lạm dụng thuốc nhỏ mắt, hoặc sử dụng thuốc nhỏ mắt không có sự hướng dẫn của bác sĩ sẽ rất dễ dẫn đến bệnh Glôcôm. Đáng lo ngại, nhiều người không có khái niệm về căn bệnh này, lại đến viện điều trị muộn… nên nguy cơ mù lòa rất cao.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh Glôcôm hay còn có tên gọi khác là bệnh Thiên đầu thống hay Cườm nước. Đây là một trong những căn bệnh nguy hiểm, gây mất thị lực, và có thể gây mù vĩnh viễn. Trong giới y khoa đánh giá, mù do Glôcôm đứng thứ 2, chỉ sau bệnh đục thủy tinh thể trong các nguyên nhân gây mù lòa có thể phòng tránh được.

Thông thường, bệnh Glôcôm sẽ hay khởi phát đột ngột vào buổi chiều tối, hoặc khi bệnh nhân đang cúi xuống đọc sách, sau những khi sang chấn tinh thần mạnh. Bệnh nhân đột ngột bị đau mắt từng cơn, lan lên nửa đầu cùng bên nhìn đèn điện thấy có quầng xanh, đỏ như cầu vồng.

Ngoài ra, bệnh nhân còn có thêm những triệu chứng như: Buồn nôn, nôn, đau bụng, vã mồ hôi, mắt đỏ lên hoặc nhìn mờ ở nhiều mức độ…Có những người có thể nhìn mờ như nhìn qua màn sương, nhưng cũng có thể bị giảm thị lực trầm trọng đến mức chỉ còn đếm ngón tay, hoặc thấy bóng bàn tay.

Khi có những dấu hiệu bất thường về mắt như thế này cho thấy nguy cơ Glôcôm rất cao, và các bác sĩ chuyên khoa về mắt cảnh báo người bệnh nên đi khám sớm.Vì trên thực tế, các bác sĩ trong bệnh viện đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến viện khi thị lực gần như đã mù lòa.

Trong khi đây là một căn bệnh nếu phát hiện sớm, điều trị bằng thuốc, thậm chí can thiệp phẫu thuật và tiếp tục tái khám định kỳ thì có thể kiểm soát được.

Hiện nay, hiểu biết của nhiều người dân về căn bệnh này còn rất hạn chế và mơ hồ.Theo nghiên cứu của Bệnh viện Mắt Trung ương, với nhóm người trên 35 tuổi tại Nam Định và Thái Bình cho thấy, có tới 94% người dân tham gia khám sàng lọc còn lơ mơ hoặc không nghe, biết gì về căn bệnh nguy hiểm này. Nhất là những người bệnh đang sống ở vùng nông thôn, thiếu các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Đơn cử như trường hợp của bệnh nhân Trần Thị Hậu (61 tuổi, quê Hòa Bình), đang điều trị bệnh Glôcôm tại Bệnh viện mắt Trung ương cho biết: “Trước đó tôi thấy mắt có triệu chứng tối dần đi, có nhiều gỉ mắt, nhưng nghĩ không sao.

Cho đến khi che thử một bên mắt lại thì thấy tối đen, lúc ấy tôi mới đi khám vì lo sợ mình bị mù. Từ trước đến giờ tôi không đi khám sức khỏe định kỳ, nên khi phát hiện thì bệnh đã ở giai đoạn nặng rồi”.

Bên cạnh đó, điều đáng lo ngại là việc người dân lạm dụng và tự ý sử sụng thuốc nhỏ mắt không theo chỉ dẫn của bác sĩ sẽ dẫn đến những biến chứng khó lường. Cụ thể như mắt có thể bị Glôcôm do tra thuốc nhỏ mắt Corticoid kéo dài.

Theo thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương, bệnh nhân Glôcôm góc mở, có tiền sử tra thuốc Corticoid tại mắt kéo dài chiếm tới 31% – 33%, trong đó số người trong lứa tuổi lao động chiếm 63%.

Điển hình như trường hợp đáng tiếc của nữ sinh mới 16 tuổi, nguy cơ hỏng mắt vì tra thuốc Corticoid kéo dài. Điều tra tiền sử bệnh, các bác sĩ được biết vào năm 2014 bệnh nhân bị viêm kết mạc dị ứng, và đã tự ra hiệu thuốc mua thuốc và được người bán hàng bán cho loại thuốc chứa Corticoid Toblradex. Sau khi nhỏ thuốc, bệnh nhân cảm thấy hết ngứa và hết đỏ mắt một cách nhanh chóng.

Tuy nhiên, sau khi dùng hết gần 3 lọ trong vòng 2 tháng, mắt bệnh nhân lại có những biểu hiện nặng nề hơn như: Mắt đỏ ngầu, giác mặc đục như cùi nhãn, có cảm giác căng tức, mờ mắt… Lúc này gia đình mới tức tốc đưa bệnh nhân đến bệnh viện khám, các bác sĩ xác định đây là triệu chứng bệnh Glôcôm giai đoạn nặng.

Lúc này ngay cả thuốc hạ nhãn áp các loại đều không có tác dụng, giác mạch và thể thủy tinh đều phù đục. May mắn các bác sĩ đã can thiệp tích cực lên nhãn áp của bệnh nhân đã được khống chế, mắt hết đau nhức. Nhưng việc phẫu thuật cũng không thể giúp mắt bệnh nhân trên trở về trạng thái bình thường.

Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp bệnh nhân dùng thuốc không có chỉ định của bác sĩ, nên đến khi bệnh chuyển nặng thì việc điều trị đã muộn. Vì vậy, các chuyên gia y tế khuyến cáo mọi người tuyệt đối không tùy tiện dùng thuốc chứa Corticoid mà cần phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, TS. BS Đỗ Tấn, Trưởng khoa Glôcôm, Bệnh viện mắt Trung ương cho biết: “Bệnh Glôcôm làm một nhóm bệnh chứ không phải là một bệnh lý đơn thuần, và nhóm bệnh thì có rất nhiều thể bệnh. Có những thể bệnh rất rầm rộ về triệu chứng cơ năng, nhưng có những bệnh âm thầm tiến triển… do đó người bệnh khó có thể phát hiện ra bệnh.

Bởi vậy, người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ, bởi đối với những bệnh lý này phải có sự thăm khám của các bác sĩ chuyên khoa, kết hợp với nhiều triệu chứng, dấu hiệu mới có thể chẩn đoán chính xác bệnh”.

TS. Tấn cũng khuyến cáo, đối với những bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh Glôcôm cao như người lớn tuổi trên 35 (người càng cao tuổi nguy cơ mắc bệnh càng lớn); những người có người thân đã phát hiện bệnh Glôcôm (vì bệnh có yếu tố di truyền); bệnh nhân có tiền sử sử dụng Corticoid kéo dài; bệnh nhân có bệnh toàn thân như đái tháo đường; cao huyết áp…; những người có nhãn cầu nhỏ như vị viễn thị giác, giác mạc nhỏ…thì nên chủ động đi khám sàng lọc, phát hện bệnh sớm. Đồng thời, người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ để việc điều trị có hiệu quả cao.

Theo Minh Khuê (LĐTĐ)

Theo Đời sống
back to top