Theo thông tin từ Văn phòng thông báo và Điểm hỏi đáp Quốc gia về Vệ sinh An toàn Thực phẩm và Kiểm dịch Động thực vật (SPS Việt Nam), thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong chế biến thực phẩm thủy sản của thế giới và ở Việt Nam, người ta thường dùng oxy già, công thức hóa học là H2O2.
Theo đó, Ủy ban Codex và các quốc gia Mỹ, EU, Úc, New Zealand đều cho phép sử dụng oxy già để khử trùng bề mặt thực phẩm; làm sạch tạp chất bám trên bề mặt thực phẩm, làm mất màu tự nhiên (tẩy trắng) thực phẩm; làm chất phụ gia trong chế biến một số sản phẩm thực phẩm. Mức giới hạn tối đa (MRLs) của ôxy già trong thực phẩm là 5mg/kg.
Trong cơ thể mực và bạch tuộc có túi chất lỏng màu đen (túi mực). Khi mực, bạch tuộc đã chết và bảo quản bằng nước đá (từ 5 giờ trở lên), túi mực bị vỡ, dịch đen hòa tan vào nước đá, khiến ta có cảm giác lô mực, bạch tuộc này đã bị ươn không dùng làm thực phẩm được.
Nhưng theo chuyên gia an toàn thực phẩm, không căn cứ vào màu đen trong nước bảo quản mực, bạch tuộc để kết luận là thực phẩm có bị ươn hay không. Độ tươi ngon của mực hay bạch tuộc sẽ căn cứ vào: Màu của mực, bạch tuộc tại thời điểm đánh giá so với màu tự nhiên khi chúng còn sống; mùi; đặc biệt là chỉ tiêu vật lý (độ săn chắc, độ đàn hồi...).
Theo ông Nguyễn Tử Cương, Trưởng ban Phát triển Thủy sản Bền vững, Hội Nghề cá Việt Nam, việc rửa mực, bạch tuộc bằng oxy già tác dụng chủ yếu lên mặt ngoài của mực và bạch tuộc, chúng ngấm vào cơ thể mực, bạch tuộc là rất ít.
Tuy nhiên, các chuyên gia an toàn thực phẩm vẫn khuyến cáo, người tiêu dùng tốt nhất nên mua được mực và bạch tuộc còn sống; hoặc mua được mực, bạch tuộc chưa bị vỡ túi mực.
Nhiều quốc gia như EU hiện nay đang thảo luận về việc sử dụng oxy già với mục đích tẩy trắng hải sản, không phải lo ngại về an toàn thực phẩm mà lo ngại gian lận về chất lượng.