Sử dụng quá nhiều nến trong một không gian hẹp, kín, sẽ khiến không khí bị ô nhiễm, khó thở do lượng khí CO2 tăng trong khi oxy thì giảm.
TS Nguyễn Bá Thái, nguyên cán bộ Viện KH Vật liệu cho biết, nếu chỉ đốt một vài cây nến thì lượng khí thải phát ra là không đáng kể. Nhưng thắp với số lượng lớn thì không khí sẽ bị ô nhiễm. Để tạo ra một nguồn sáng nhất định, nến thải ra nhiều CO2 hơn điện. Ở một vài khu nghỉ dưỡng, với tiêu chí bảo vệ môi trường, người ta sử dụng nến thay vì thắp điện. Điều này cũng là sai lầm và đi ngược với tiêu chí đó. Nếu có nhu cầu đốt nến, phải để ý đến yếu tố thông gió trong căn phòng, vì phòng càng kín, mọi người càng hít vô phổi nhiều khí độc, các chất độc hại trong khói nến có thể lưu lại lâu dài.
Hiện thị trường có nhiều loại nến với hình dáng và màu sắc rất bắt mắt. Nguy cơ tiềm ẩn từ những loại nến này là rất lớn. Có những loại nến mềm có đến 70-98% dầu parafin, 2-30% cao su tổng hợp, đặc biệt là SEBS. Đây là loại polymer nhiệt dẻo có tính tương hợp với dầu parafin nên chúng hòa tan vào nhau rất tốt. Trong phân tử của SEBS chỉ có các nguyên tử hydro và carbon nên khi cháy sẽ sinh ra CO2 và nước. Khi SEBS cháy không hoàn toàn, có thể tạo ra carbon monoxit (CO) và muội than. Khi hít phải muội than này, hệ hô hấp sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nguy hiểm nhất là bấc lõi chì đang được sử dụng phổ biến bởi dễ sản xuất và giá thành thấp. Chì được đưa vào lõi nhằm làm bấc giữ đứng, không tắt, lửa cháy đều. Ngoài ra phải kể đến một số loại lõi bấc khác như magie, sợi cotton, dây cước, đồng... Khi đốt nến phải để phòng thông thoáng, khi ngủ thì tuyệt nhiên không thắp nến.
Đăng Khoa