Sử dụng gạch không nung – không gian sống an lành

Sống tại chung cư Gemek Tower ở Thiên đường Bảo Sơn, Nam An Khánh, Hà Nội, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Tươi rất hài lòng với ngôi nhà của mình vì được xây dựng ở nơi có nhiều cây xanh, không khí trong lành, mát mẻ…
Tòa nhà Gemek Tower được xây bằng gạch không nung

Tòa nhà Gemek Tower được xây bằng gạch không nung

Chất lượng công trình đảm bảo

Thăm quan căn hộ số 2019 HH2 Gemek Tower, tòa chung cư cao 34 tầng, 2 tầng hầm, chị Tươi cho biết: ”Do chồng tôi làm trong lĩnh vực vật liệu xây dựng nên rất hiểu điều gì làm nên chất lượng căn nhà. Vợ chồng tôi tìm hiểu kỹ và lựa chọn mua nhà tại dự án này. Tòa nhà được xây hoàn toàn bằng gạch không nung xi măng cốt liệu, kể cả tường vệ sinh hay bao ngoài nên cách âm, cách nhiệt, chống thấm đều tốt”.

Theo chị Tươi, e ngại nhất của người dân là các công trình cao tầng có hiện tượng thấm, nứt, tường yếu không treo được đồ làm chất lượng công trình giảm, người dân mất lòng tin. Ấy thế nhưng gia đình chị đã chuyển về đây ở từ năm 2016, gần 2 năm rồi nhưng không thấy thấm dột, kể cả tường bao ngoài hay tường vệ sinh vẫn khô nguyên.

Hiểu đúng, thi công đúng, chất lượng xây dựng đạt yêu cầu

Thực tế gạch không nung xi măng cốt liệu đã xuất hiện ở Việt Nam khá lâu, từ những năm thuộc thập niên 90 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, lúc đó gạch không nung còn nhiều hạn chế như viên gạch làm ra không đạt tiêu chuẩn, giòn, dễ vỡ, hút nước mạnh.

Kể từ khi Chính phủ đẩy mạnh phát triển gạch không nung năm 2010, các nhà sản xuất đã tìm tòi nghiên cứu, sáng tạo và dần khắc phục được những nhược điểm cố hữu trước đây của gạch không nung xi măng cốt liệu.

Từ cuối năm 2016 tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6477-2016 được chính thức bổ sung, điều chỉnh và ban hành thì tiêu chuẩn chống xuyên nước của gạch không nung được áp dụng đại trà, góp phần tạo nên hành lang pháp lý quan trọng, đòi hỏi các nhà sản xuất phải tuân thủ để đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng tốt, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.

Tại dự án tháp đôi Gemek Tower, nhà thầu thi công giám sát chặt chẽ quá trình xây dựng, tuân thủ đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật, sử dụng râu thép neo đảm bảo liên kết giữa tường gạch và cột bê tông, sử dụng lưới trát nên giảm thiểu tối đa hiện tượng nứt tường, thấm dột. Nhờ đó chất lượng xây dựng đồng đều, cao hơn cả khi xây bằng gạch đỏ (gạch nung).

Khả năng cách âm, cách nhiệt khá tốt.

Đến nhà chị Tươi vào ngày chủ nhật, khi hệ thống loa công cộng ngoài hành lang đang phát các bản tin nội bộ toà nhà nghe khá ồn ào. Bước vào nhà và đóng cửa lại, chúng tôi không còn cảm thấy tiếng ồn.

Chồng chị Tươi cho biết: ”Tường ngăn giữa 2 căn hộ sau khi trát hoàn thiện dày 17cm, tường bao ngoài 20cm nên khả năng cách âm, cách nhiệt, chống thấm khá tốt.

Gạch không nung  xi măng cốt liệu hiện nay đều có mác gạch (độ cứng) cao nên việc khoan, treo vật nặng rất thuận lợi. Chiếc tủ bếp này rất nặng nhưng tôi cũng chỉ cần khoan và lắp bình thường, không cần gia cố gì thêm”.

Gia đình chị Tươi trước đây ở tại chung cư B3 Nguyễn Khánh Toàn, đây là chung cư thuộc dạng nhà ở xã hội, được xây hoàn toàn bằng gạch đỏ. Tường bao của họ phần lớn là 22cm nên không thấm dột, tuy nhiên chung cư chị đang ở tường bao xây bằng gạch không nung, tường bao mỏng hơn, lợi diện tích cho chủ đầu tư nhưng vẫn chống nóng và chống thấm tốt.

Tại căn hộ kế bên, phòng 2022 của gia đình anh Nguyễn Trọng Quyết cũng vậy. Từ tường bao ngoài cho tới vệ sinh đều khô ráo. Diện tích mỗi căn hộ ở đây chỉ khoảng 60-70m2/căn nên vợ chồng anh Quyết cũng phải tận dụng nhiều khoảng trống trên tường để treo đồ. Anh Quyết cho biết, ở đây họ sử dụng gạch không nung 3 thành vách nên đóng đinh, bắt vít treo đồ rất chắc.

Bức tường của chung cư Gemek Tower thoải mái treo vật nặng

Bức tường của chung cư Gemek Tower thoải mái treo vật nặng

Còn khó khăn để cung cấp cho các dự án nhỏ lẻ

Tìm hiểu thêm về gạch không nung, chúng tôi đến một số công trình cao cấp ở Hà Nội như Vinhome Long Biên, chung cư D’Capitale Trần Duy Hưng, chung cư D’Palai DeLouis Nguyễn Văn Huyên…chúng tôi được biết các công trình này đa phần sử dụng gạch của Khang Minh.

Tìm đến nhà máy gạch Khang Minh, ông Lê Hoài An, GĐ công ty CP gạch Khang Minh cho biết: “Qua quá trình nghiên cứu, từ năm 2012 Khang Minh là nhà sản xuất đầu tiên ứng dụng một số sản phẩm phụ gia (trước là tro xỉ, sau này là tro bay của nhà máy nhiệt điện) trong quá trình sản xuất để cải thiện khả năng chống xuyên nước– chống thấm của gạch không nung xi măng cốt liệu.

Vì vậy sản phẩm đã đi được vào đời sống của ngành xây dựng, xuất hiện trong nhiều dự án lớn. Tuy nhiên, gạch không nung chưa đến được với các công trình nhỏ của các hộ dân vì tâm lý tiêu dùng của người dân vẫn còn thói quen sử dụng gạch đỏ – gạch đất sét nung.

Hiểu biết của người dân về loại gạch không nung chưa nhiều. Bên cạnh đó bài toán vận chuyển tới những địa điểm công trình nhỏ, lẻ trong các ngõ phố đô thị còn khó khăn. Chúng tôi chỉ mong người dân nhận thức đúng, hiểu đúng, lựa chọn được vật liệu tốt, ổn định giá cả để có những công trình vừa đạt chất lượng, vừa giảm chi phí”.

100% công trình xây dựng vốn nhà nước tại Hà Nội và TP.HCM phải sử dụng gạch không nung từ năm 2018, đó là quy định trong Thông tư số 13/2017/TT-BXD ngày 8/12/2017 của Bộ Xây dựng.

Cụ thể, vật liệu xây không nung gồm: Gạch bê tông; Vật liệu nhẹ (gạch hoặc tấm panel từ bê tông khí chưng áp, bê tông khí không chưng áp, bê tông bọt; các chủng loại trên có khối lượng thể tích nhỏ hơn 1000 kg/m3); Tấm tường thạch cao, tấm 3D, tấm panel bê tông, tấm panel nhẹ và các loại gạch khác được sản xuất từ chất thải xây dựng, chất thải công nghiệp; gạch silicát.

Theo thông tư này, đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân có liên quan tới các hoạt động sản xuất và nhập khẩu vật liệu xây không nung, hoạt động đầu tư xây dựng công trình và các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng.Thông tư cũng quy định cụ thể về các công trình xây dựng sử dụng vật liệu xây không nung.

Các công trình xây dựng trên cả nước

Thứ nhất là các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách, vốn vay của doanh nghiệp có vốn nhà nước lớn hơn 30% phải sử dụng vật liệu xây không nung trong tổng số vật liệu xây với tỷ lệ như sau: Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh: sử dụng 100%.

Các tỉnh đồng bằng Trung du Bắc bộ; các tỉnh vùng Đông Nam bộ: Tại các khu đô thị từ loại III trở lên sử dụng tối thiểu 90%, tại các khu vực còn lại sử dụng tối thiểu 70%.

Các tỉnh còn lại: Tại các đô thị từ loại III trở lên phải sử dụng tối thiểu 70%, tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50%.

Thứ hai là các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên phải sử dụng tối thiểu 80% vật liệu xây không nung trong tổng số vật liệu xây.

Thứ ba là các công trình có yêu cầu đặc thù không sử dụng vật liệu xây không nung thì phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, chấp thuận.

Ngoài ra, Nhà nước khuyến khích sử dụng vật liệu xây không nung vào các công trình xây dựng không phân biệt nguồn vốn, số tầng.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2018.

TH (bài tài trợ)

Theo Đời sống
back to top