Trước hết cầm điều chỉnh nhiệt độ hợp lý. Ví dụ: Nhiệt độ phòng đặt 22 độ C sẽ tiết kiệm hơn đặt 25 độ C, 26 độ C. Nên giữ kín cửa ra vào và cửa sổ tránh thất thoát hơi nóng nhưng cũng phải chú ý không để thiếu dưỡng khí trong phòng.
Bật điều hòa nhiệt độ cao cho ấm vào mùa đông không làm mất oxy trong phòng, tuy nhiên nếu phòng quá kín thì phải thỉnh thoảng thông phòng để lấy khí tươi hít thở. Theo tiêu chuẩn Việt Nam là 27m3/h/người, tiêu chuẩn Nhật là 20m3/h/người. Khi thiếu oxy thường hay mệt mỏi và buồn ngủ.
Thông thường mỗi lần mở cửa ra vào là đã có được khoảng 3m3 khí tươi. Nếu ít mở, ví dụ như ban đêm thì nên để hé cửa. Khe hở chừng 0,5 - 1cm chiều cao khe khoảng 2m.
Không nên lạm dụng điều hòa quá nhiều và những lúc có mặt trời nắng ấm có thể tắt điều hòa và mở cửa sổ thông phòng. Khi trong nhà có trẻ nhỏ nên có máy phun ẩm để giữ độ ẩm không xuống thấp quá. Nếu không có máy phun ẩm, có thể treo khăn ướt, đặt chậu nước trong nhà, giữ độ ẩm trên 50% để tránh da bị nứt nẻ.
Không để cho trẻ nằm trong điều hòa lâu dài, thời gian tối đa để sử dụng điều hòa cho trẻ không nên quá 2 tiếng mỗi lần.
Máy điều hòa 1 chiều chỉ làm lạnh trong mùa hè, chứ không ấm lên được. Vào mùa đông, khi đặt nhiệt độ cao thì chỉ có quạt chạy chứ máy nén không chạy. Nghĩa là máy điều hòa chỉ hoạt động khi nhiệt độ cài đặt trong nhà nhỏ hơn nhiệt độ ngoài trời. Ví dụ, nhiệt độ ngoài trời là 20 độ C thì khi đặt nhiệt độ trong phòng trên 20 độ C thì chỉ có quạt chạy còn máy nén không chạy. Nếu không dùng đến trong mùa đông thì bật quạt chạy trong 3 - 4h để dàn lạnh khô, không còn đọng nước, sau đó tắt máy, ngắt aptomat, tháo pin ở điều kiển từ xa để tránh pin thối làm hỏng điều khiển.
Lượng điện tiêu thụ trong máy điều hòa tương đối lớn, công suất điện của động cơ máy nén thông thường tiêu hao trên 1KW, tùy thuộc năng suất lạnh của máy. Khi chọn mua máy điều hòa phải chọn năng suất lạnh phù hợp với diện tích của phòng, cũng không nên lớn quá và cũng không nên bé quá. Con số cụ thể nên chọn ý kiến của các chuyên gia.
Hàng năm phải bảo dưỡng máy điều hòa, đặc biệt là vệ sinh sạch sẽ cả dàn nóng và dàn lạnh vì nếu dàn nóng dàn lạnh bẩn quá trình trao đổi nhiệt kém việc làm lạnh/nóng cũng kém đi và điện năng tiêu hao sẽ lớn hơn. Phòng lắp đặt điều hòa cần phải kín không có khe hở thông với bên ngoài và nếu được cách nhiệt thì càng tốt.
GS.TS Nguyễn Đức Lợi (Hội Lạnh và Điều hòa Không khí Việt Nam)