Đây là lần đầu tiên S&P nâng bậc xếp hạng đối với Việt Nam kể từ tháng 12/2010. S&P - cũng như Fitch - đều đưa xếp hạng tương đương BB đối với Việt Nam, trong khi Moody’s đưa ra xếp hạng BB- nhưng nâng triển vọng lên mức tích cực trong tháng 08/2018.
Việc S&P nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia phản ánh nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục ổn định, tài khoản nước ngoài cân bằng, FDI dồi dào, nợ nước ngoài trong tầm kiểm soát. Các yếu tố nói trên đã hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng nhanh. S&P dự báo tăng trưởng thực GDP đầu người Việt Nam đạt xấp xỉ 5,7% đến năm 2022, cao hơn so với trung bình các nước có thu nhập tương đương.
S&P tin tưởng những kết quả tích cực này sẽ tiếp tục được cải thiện trong thời gian tới, hỗ trợ tích cực cho hồ sơ tín nhiệm quốc gia của Việt Nam. Những cải thiện nhất quán và mạnh mẽ của nền kinh tế vĩ mô, cùng với sự ổn định chính trị tiếp tục là minh chứng cho những cải cách nền tảng thể chế đáng ghi nhận. Môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện vượt bậc trong những năm gần đây, với vị trí xếp hạng đạt ở mức 69/190 quốc gia được xếp hạng năm 2018, cải thiện 30 bậc chỉ trong 6 năm (so với vị trí xếp hạng thứ 99 của năm 2012).
Vị thế dư nợ đối ngoại quốc gia (được tính bằng thước đo nợ nước ngoài ròng hẹp) được cải thiện, kỳ vọng ở mức trung bình 9,4% tính cho cả giai đoạn 2018-2021. Với việc Ngân hàng nhà nước kiểm soát chặt chẽ dòng vốn tín dụng, tín dụng của hệ thống ngân hàng đã tăng trưởng chậm lại đáng kể trong năm 2018, nhiều khả năng tiếp tục được duy trì trong những năm tới, góp phần tích cực trong việc củng cố sự ổn định của hệ thống ngân hàng. S&P đánh giá cao tầm quan trọng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc hiệu chỉnh chính sách tiền tệ cho phù hợp với chính sách tài khóa và những chính sách kinh tế phát triển khác nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững.
Tuy nhiên, S&P cũng chỉ ra một số rủi ro như tranh chấp thương mại giữa các nền kinh tế lớn và tình hình thế giới chững lại, có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu trong ngắn hạn vì thương mại chiếm tỷ trọng rất lớn trong quy mô nền kinh tế Việt Nam. Ngoài ra, thâm hụt ngân sách cao và nợ công tăng sẽ đòi hỏi các nguồn vốn mới để thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong nước.