Biến chứng nặng do chủ quan
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, thông thường dịch sốt xuất huyết bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 11, nhưng năm nay sốt xuất huyết đến sớm. Từ đầu tháng 5, Trung tâm Bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận rải rác bệnh nhân nhập viện. Hiện tại, số ca bắt đầu tăng cao.
Mức độ đánh giá giảm tiểu cầu sốt xuất huyết
- Mức độ nhẹ: Tiểu cầu giảm < 150.000 tế bào/μl máu.
- Mức độ nguy hiểm: Tiểu cầu giảm < 50.000 tế bào/μl máu.
- Mức độ nghiêm trọng: Tiểu cầu giảm còn 10.000 - 20.000 tế bào/μl máu.
Điều đáng nói, triệu chứng của sốt xuất huyết dễ khiến bệnh nhân nhầm với Covid-19, cúm hoặc một số bệnh khác. Đến ngày thứ 4, thứ 5, khi bị chảy máu, xuất huyết ngoài da, huyết áp tụt... mới đến viện trong tình trạng nguy kịch do máu cô đặc, tiểu cầu hạ.
Lúc đó, bệnh nhân phải truyền tiểu cầu hoặc dung dịch cao phân tử, một số trường hợp nặng dẫn đến suy đa tạng như men gan tăng, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu,…
Điển hình, bệnh nhân Trần Thị M. (60 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) bị sốt 5 ngày kèm nôn và đau thượng vị, sau đó sốt cao, đau đầu… Tuy nhiên, do chủ quan, bà không nghĩ mình bị sốt xuất huyết mà cho là bị bệnh dạ dày nên đi khám, nội soi dạ dày tại Trung tâm Tiêu hóa gan-mật-tụy.
Thăm khám hội chẩn bệnh nhân sốt xuất huyết tại bệnh viện Bạch Mai |
Kết quả xét nghiệm Dengue dương tính nên bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới trong tình trạng tiểu cầu hạ chỉ còn 10 G/L, rối loạn đông máu, có tràn dịch màng phổi, thoát huyết tương…
Tương tự tại Khoa Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện E) những ngày gần đây, số người mắc sốt xuất huyết đến khám và điều trị gia tăng đột biến. Trao đổi với PV, BSCKII Đào Văn Cao, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới cho biết, từ đầu năm đến nay, khoa điều trị cho gần 300 bệnh nhân, 200 người đã xuất viện.
Riêng từ đầu tháng 7 đến nay, số bệnh nhân tăng cao, có ngày nhập viện điều trị lên đến 30-40 người. Trong đó, rất nhiều người chủ quan với bệnh sốt xuất huyết hoặc không nghĩ mình mắc bệnh nên khi nhập viện thì tình trạng rất nặng.
Đang điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện E), bệnh nhân N.K.T (41 tuổi, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, chị là người thứ 2 trong gia đình mắc bệnh. Năm nào chị cũng bị mắc sốt xuất huyết nên chủ quan điều trị tại nhà đến ngày thứ 6 thì đau đầu chóng mặt, chảy máu chân răng nhiều… mới đi viện thì phải vào cấp cứu.
Thăm khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện E |
Bên cạnh chị T., một sản phụ mang thai 6 tuần mắc sốt xuất huyết với triệu chứng sốt ngày thứ 2, sốt cao liên tục, mệt nhiều, tức bụng, buồn nôn, ra máu âm đạo bất thường. Lúc đầu, sản phụ lầm tưởng mình bị mắc bệnh cúm nên không điều trị gì, chỉ đến khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng như li bì, lạnh đầu mới vào viện.
Theo dõi tiểu cầu phòng... nguy cơ tử vong
ThS.BS Nguyễn Hồng Hà, Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện nhiệt đới TW cho biết, sốt xuất huyết thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc khiến công tác điều trị hết sức khó khăn.
Bệnh có thể gây tử vong nhất là với trẻ em, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền. Nguy hiểm hơn, hầu hết bệnh nhân không biết mình bị bệnh. Vì bệnh rất khó chẩn đoán, không có dấu hiệu lâm sàng, bệnh giống như sốt thông thường, cảm cúm...
Để chẩn đoán chính xác sốt xuất huyết cần làm xét nghiệm máu như NS1Ag để phát hiện bệnh sớm. Để đánh giá mức độ nguy hiểm phải dựa vào mức độ giảm tiểu cầu. Xét nghiệm công thức máu cho thấy số lượng bạch cầu giảm, số lượng tiểu cầu giảm và hematocrit tăng (máu cô đặc).
Ở người khỏe mạnh, số lượng tiểu cầu trung bình từ 150 - 450 G/L. Khi sốt xuất huyết, tiểu cầu sẽ giảm và mức nguy hiểm khi tiểu cầu giảm dưới 50 G/L.
Hiện tượng giảm tiểu cầu sốt xuất huyết thường xảy ra vào ngày thứ 4 của bệnh với các triệu chứng:
Xuất huyết trên da: Phần da ở thắt lưng, cẳng tay, cẳng chân, ngực, nách,... có các chấm xuất huyết rải rác.
Xuất huyết niêm mạc: Nôn ra máu, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, đại tiện phân màu đen, tiểu ra máu,...
Xuất huyết nặng: Huyết tương thoát qua thành mạch khiến cơ thể bị mất nước; Bị chảy máu mũi với mức độ nghiêm trọng; Chảy máu ở âm đạo bất thường; Xuất huyết phần mềm và cơ; Xuất huyết não; Xuất huyết nội tạng.
“Tình trạng xuất huyết nặng thường kèm và sốc, bệnh nhân vật vã, sốc, bứt rứt, mạch nhanh, tay chân lạnh, nôn mửa, đau bụng vùng gan, tụt huyết áp, men gan tăng cao, tràn dịch màng bụng-màng phổi,… Khi đó cần đi khám ngay để được điều trị kịp thời. Những trường hợp này không xử lý nhanh bệnh nhân có thể xuất huyết não đưa đến hôn mê và có thể tử vong”, ThS.BS Hà Nhấn mạnh.
Thăm khám cho thai phụ bị sốt xuất huyết tại bệnh viện E |
Cả nước ghi nhận 47.000 ca mắc
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tính từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước ghi nhận gần 47.000 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 11 trường hợp tử vong.
Theo CDC Hà Nội, từ ngày 14/7 đến ngày 21/7, toàn thành phố ghi nhận thêm 442 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 1,5 lần so với tuần trước). Từ năm 2023 tới nay, Hà Nội ghi nhận 1.556 ca mắc (tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2022 tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 320/579 xã, phường, thị trấn.
CDC Hà Nội dự báo, thời gian tới, số mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục gia tăng và xuất hiện thêm các ổ dịch mới.
Tại TP HCM, 6 tháng đầu năm có 8.519 ca, thấp hơn cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, dự báo theo quy luật diễn tiến dịch bệnh hàng năm, mùa cao điểm sẽ tăng cao trong tháng 7 và dự kiến kéo dài đến hết tháng 10.
Tại Đắk Lắk, từ đầu năm đến ngày 16/7 đã ghi nhận 750 trường hợp, trong đó có một trường hợp tử vong.
TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết, 6 tháng đầu năm, ở miền Bắc có hơn 10.000 ca (cao hơn 60% so với cùng kỳ so với năm ngoái) nên khả năng cao bùng phát dịch.
Cách tăng tiểu cầu khi sốt xuất huyết
Để tăng số lượng tiểu cầu, người bệnh cần chú ý các loại thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày:
Rau xanh: Rau lá xanh chứa nhiều vitamin K, chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể để sản xuất protein hỗ trợ quá trình đông máu và tăng tiểu cầu;
Trái cây có múi: Bưởi, cam, quýt... chứa nhiều vitamin C cần thiết cho các chức năng của tiểu cầu, giúp tăng lượng và giúp tiểu cầu hoạt động tốt hơn;
Thực phẩm chứa sắt: Sắt cần thiết cho tổng hợp tế bào tiểu cầu và cả hồng cầu. Tăng tiêu thụ sắt có thể tăng tiểu cầu một cách tự nhiên. Sắt có nhiều trong đậu lăng, hạt bí ngô và thịt bò...
Vitamin D: Vitamin D là chất dinh dưỡng khá quan trọng trong việc tăng tiểu cầu. Chất này giúp xương, cơ và dây thần kinh hoạt động tốt. Các loại thực phẩm giàu vitamin D gồm: lòng đỏ trứng, cá hồi, cá ngạnh, sữa chua và sữa bò,…
Vitamin B9: Folate hay vitamin B9 có chức năng hỗ trợ và tạo ra các tế bào khỏe mạnh, có trong: đậu phộng, đậu tây, đậu mắt đen, nước cam,…