Dễ chẩn đoán nhầm và nguy kịch
Sau Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM công bố các ca nguy kịch do sốt rét nhập khẩu, ca bệnh mới nhất được ghi nhận tại Bệnh viện Quân y 103. Bệnh nhân L.V.T., 40 tuổi, trở về từ Nigienia, châu Phi. Bệnh nhân nhập viện ngày 14/6 trong tình trạng sốt cao liên tục, phù nhẹ toàn thân, không tự đi lại được.
Trước đó, tại Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận 2 bệnh nhân sốt rét ác tính nguy kịch từ châu Phi về. Cả hai bệnh nhân đều bị sốt ngay sau khi về Việt Nam nhưng y tế ở địa phương không phát hiện ra, không để ý yếu tố dịch tễ là đi từ châu Phi về nên bỏ sót khi nhập viện Bạch Mai đã nguy kịch. Tại TPHCM, 2 ca sốt rét nhập khẩu cũng được chẩn đoán sốt xuất huyết, sau đó xét nghiệm ra sốt rét.
Theo PGS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, nguyên nhân là do nhiều năm nay Hà Nội và các tỉnh phía Bắc hầu như không còn bệnh nhân sốt rét. Vì vậy, việc phát hiện, chẩn đoán, điều trị kịp thời các ca bệnh sốt rét từ nước ngoài trở về ở nhiều cơ sở y tế tuyến dưới còn khó khăn và dễ bị bỏ sót. Hơn nữa, do các triệu chứng sốt rét không điển hình rầm rộ, dễ gây nhầm với các bệnh khác như cảm cúm, Covid-19, sốt xuất huyết hay nhiễm trùng tiết niệu....
PGS.TS Đỗ Tuấn Anh, Chủ nhiệm Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Quân y 103 cho biết, sốt rét ác tính là một thể sốt rét rất nguy kịch do bị nhiễm ký sinh trùng Plasmodium falciparum, dẫn đến rối loạn huyết động, tắc nghẽn vi tuần hoàn, giảm tưới máu và thiếu oxy lên não, gây nguy cơ tử vong rất cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Bệnh sốt rét hiện rất ít gặp nên các ca bệnh thường được phát hiện muộn. Biểu hiện sốt rét thường bị nhầm với sốt xuất huyết, nhiễm khuẩn huyết và một số bệnh nhiễm trùng khác phổ biến hơn. Do đó, người bệnh cần được khai thác kỹ về yếu tố dịch tễ.
Biến chứng nguy hiểm của sốt rét
“Sốt rét biến chứng hay sốt rét ác tính có biểu hiện ác tính nổi bật là xuất hiện rối loạn ý thức (li bì hoặc vật vã, cuồng sảng, nói lảm nhảm), sốt cao liên tục, mất ngủ nhiều, nhức đầu dữ dội, nôn hoặc tiêu chảy nhiều, thể trạng nặng.
Sốt rét còn gây tắc nghẽn mao mạch bởi hồng cầu nhiễm ký sinh trùng dính kết vào nội mạc. Thiếu máu cục bộ có thể xảy ra với tình trạng thiếu oxy máu mô, não, thận, phổi và đường tiêu hóa. Hạ đường huyết và toan lactic là các biến chứng tiềm ẩn khác.
Đối với phụ nữ có thai mắc sốt rét dễ bị biến chứng hoặc sẩy thai, thai chết lưu hoặc đẻ non. Bệnh sốt rét ở trẻ em gây mất máu và gây tổn thương não trực tiếp do sốt rét thể não. Những trẻ sống sót do sốt rét thể não có nguy cơ bị suy giảm thần kinh và nhận thức, rối loạn hành vi và động kinh.
Các thể bệnh sốt rét ác tính đều dễ tử vong
GS.TS Nguyễn Văn Đề, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, người nhiễm bệnh sốt rét chủ yếu là do muỗi đốt nhưng cũng có thể do truyền máu, truyền qua nhau thai, do tiêm tĩnh mạch trong cộng đồng và tiêm chích ma túy (dùng chung bơm tiêm dính máu có ký sinh trùng sốt rét).
Cơ chế gây bệnh sốt rét là sự tổng hợp của tất cả các tác nhân kích thích độc hại của ký sinh trùng lên vật chủ. Quá trình bệnh xảy ra là do sự mất thăng bằng hoạt động bình thường của cơ thể trước sự tấn công của ký sinh trùng hoặc do các sản phẩm độc hại của nó.
Nói chung, nguyên nhân chính gây bệnh là do: Độc tố của ký sinh trùng, do viêm, do thiếu dinh dưỡng, thiếu oxy của tổ chức và tế bào, do thiếu máu… Những sự thiếu hụt này gây suy nhược cơ thể, trên cơ sở đó làm cho bệnh ngày càng nặng thêm.
Khi sốt bệnh lần đầu tiên thường chưa có tính chu kỳ và chưa có dấu hiệu điển hình của sốt rét cơn mà thường sốt liên miên mấy ngày liền nên dễ nhầm với sốt thương hàn. Những cơn sốt rét về sau mới rõ rệt sốt rét cơn.
Có thể một vài ngày hoặc một vài giờ trước khi cơn sốt thật sự xảy ra, bệnh nhân có các triệu chứng như nhức đầu, mệt mỏi, đau mình mẩy, đau xương, có cảm giác gai rét, buồn nôn. Cơn sốt rét điển hình thường trải qua 3 giai đoạn: Giai đoạn rét run, sốt nóng và giai đoạn vã mồ hôi.
Sốt rét gây lách to, rối loạn thần kinh, thiếu máu, gan to… và có thể gây viêm thận do độc tố của ký sinh trùng sốt rét. Nước tiểu người bệnh có thể trụ niệu, albumin, hồng cầu. Bệnh nhân có thể bị phù, tăng huyết áp. Thận viêm do sốt rét thường dễ chữa và mau lành, chỉ trong trường hợp không điều trị mới thành mạn tính.
Nguy hiểm nhất là sốt rét ác tính – sốt rét biến chứng với nhiều thể bệnh:
Thể não: Chiếm 80 – 95% trong các thể sốt rét ác tính, thường ngay từ đầu bệnh nhân đã nguy kịch, cần được cấp cứu, tỷ lệ tử vong rất cao (20 - 40%). Bệnh nhân thể này thường sốt cao 40 – 41 độ C, nhức đầu, nôn mửa, thở dốc, mạch nhanh, cổ cứng; Hôn mê xuất hiện đột ngột hoặc từ từ; Dấu hiệu suy hô hấp, suy tuần hoàn…
Giải phẫu bệnh (nếu bệnh nhân tử vong) thấy mạch máu bị tắc nhất là vi mạch ở não, do tràn đầy ký sinh trùng; Gan, thận đều bị tổn thương nặng. Thể đái huyết sắc tố: Là một thể đặc biệt của sốt rét có huyết tán cấp, đái huyết sắc tố, thiếu máu nặng, dễ dẫn tới trụy tim mạch, suy thận cấp, tỷ lệ tử vong cao…
Mọi người đều có thể nhiễm bệnh sốt rét. Khả năng miễn dịch với sốt rét không đầy đủ và ngắn do vậy có thể bị tái nhiễm ngay. Không có miễn dịch chéo nên một người có thể nhiễm đồng thời hai ba loại ký sinh trùng sốt rét.
Nhiễm bệnh từ vùng dịch tễ lưu hành
Các chuyên gia cảnh báo, tại Việt Nam bệnh sốt rét lưu hành quanh năm tại các tỉnh rừng núi miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ; trong đó số ca bệnh sốt rét gia tăng trong mùa mưa. Theo báo cáo của Bộ Y tế trong năm 2021, cả nước có 465 bệnh nhân sốt rét, giảm 67% so với năm 2020, không có ca tử vong. Đến hết năm 2021 cả nước đã có 36 tỉnh, thành được công nhận loại trừ bệnh sốt rét. Theo kế hoạch, Việt Nam đang phấn đấu để đạt loại trừ sốt rét vào năm 2030.
Tuy nhiên, sốt rét vẫn có thể lưu hành tới khắp các tỉnh thành trong nước. Chẳng hạn, tại TPHCM, đã loại trừ sốt rét từ năm 2020. Từ năm 2011 đến nay không phát hiện ca bệnh sốt rét nội tại (là ca bệnh mắc bệnh tại TPHCM) mà tất cả đều là các ca nhiễm từ các vùng dịch tễ lưu hành.
Vì vậy, không chỉ người dân trong vùng dịch tễ lưu hành mà những người từ vùng dịch tễ về cũng cần chú ý, khi phát hiện có sốt cần nghĩ ngay đến bệnh sốt rét và tiến hành xét nghiệm tìm ký sinh trùng (test nhanh hoặc nhuộm lame máu) để kịp thời điều trị, ngăn ngừa biến chứng nặng và tử vong.
TS.BS Hồ Đặng Trung Nghĩa, Trưởng khoa Nhiễm Việt-Anh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cảnh báo, cần chú ý phân biệt triệu chứng của sốt xuất huyết và sốt rét. Sốt xuất huyết do 4 type virus gây ra, bệnh nhân sẽ bị sốt đột ngột, sốt nhiều ngày, uống thuốc hạ sốt nhưng vẫn sốt lại, người mệt, nhức đầu, đau hốc mắt, buồn nôn, tiêu chảy...
Còn sốt rét là do ký sinh trùng Plasmodium gây ra, cơn sốt rét điển hình sẽ có các triệu chứng như rét run, sốt nóng và vã mồ hôi. Mỗi ngày người bệnh sẽ lên cơn sốt 1 - 2 lần tùy thuộc vào loại ký sinh trùng nào gây ra. Bệnh nhân sẽ cảm thấy mệt mỏi sau mỗi cơn sốt, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời bệnh nhân có thể tử vong.
Vì vậy, nếu bệnh nhân sống hay di chuyển từ quốc gia có dịch như Lào, Campuchia, châu Phi, vùng rừng núi, ngập mặn, nơi đang lưu hành sốt rét như Bình Phước, khu vực Tây Nguyên và có biểu hiện sốt thì cần nghĩ ngay tới nguy cơ bị nhiễm sốt rét đầu tiên. Các bác sĩ cần khai thác kỹ yếu tố dịch tễ đối với các ca bệnh nghi nhiễm sốt rét để tránh nhầm lẫn hay bỏ sót bệnh. Phát hiện sớm, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời sốt rét thể thông thường, người bệnh sẽ nhanh chóng bình phục. Không để sốt rét thể thông thường có điều kiện chuyển sang sốt rét ác tính gây hậu quả tử vong.
Việc phòng chống muỗi truyền bệnh vẫn được xem là biện pháp hữu hiệu nhất phòng chống sốt rét bằng cách:
- Ngủ màn kể cả ở nhà, nhà nương rẫy hoặc ngủ trong rừng.
- Diệt muỗi bằng phun tồn lưu và tẩm màn hóa chất, xoa kem xua muỗi.
- Phát quang bụi rậm và khơi thông cống rãnh quanh nhà, làm nhà xa rừng và xa nguồn nước, mặc quần áo dài buổi tối...
- Bệnh sốt rét do muỗi truyền, khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị.