"Sốt đất" diễn ra tại rất nhiều địa phương. |
Đầu tư lướt kiếm lời rủi ro cao
Từ nửa đầu năm 2020 hiện tượng "sốt đất" đã xảy ra ở nhiều địa phương. Theo lý giải của nhiều chuyên gia và cơ quan quản lý nhà nước, nguyên nhân sốt đất là do thông tin về quy hoạch; lãi suất tiền gửi ngân hàng hiện ở mức thấp, dòng tiền đang có xu hướng đầu tư vào thị trường bất động sản, chứng khoán; nguồn cung bất động sản khan hiếm…
Ngoài ra, còn có nguyên nhân mang tính tiêu cực, đó là yếu tố đầu cơ; những người môi giới hoạt động thiếu chuyên nghiệp vì trục lợi bất chính đã gây nhiễu thông tin... nhằm thổi giá đất lên cao kiếm lời.
Theo một nhân viên môi giới bất động sản có tên Hải cho biết, nhìn chung khoảng 1 năm trở lại đây cả đất nền và nhà ở đều đang sốt, giá đều gia tăng, để tìm một dự án giá chung cư tốt dưới 25 triệu đồng/m2 là rất khó. Ví dụ như chung cư Parkcity (Hà Đông) có giá khoảng 40 - 41 triệu đồng/m2, hay dự án The Matrix One (Nam Từ Liêm) chung cư đã bán được hơn một nửa có giá từ 53 triệu đồng/m2 trở lên, nếu như là Shophouse tại dự án này thì giá trị từ 150 – 250 triệu đồng/m2.
Hay khu vực gần khu vực mới được quy hoạch sông Hồng, có hạ tầng dự án của Vingroup như Cổ Loa, Đông Anh, Gia Lâm... dự án đang được xây dựng, sắp mở bán lô liền kề giá thấp cũng phải khoảng 50 - 60 triệu đồng/m2 trở lên giá này tăng gần gấp đôi so với trước kia, nếu như mua lại giá còn cao hơn rất nhiều.
Về đất nền giá cũng vô cùng, tại một số tỉnh như Thanh Hóa, Quảng Ninh cũng đã lên mấy giá; tại Hà Nội như khu vực Hoà Lạc giá đất nền hiện nay có khu vực 7 - 10 triệu đồng/m2, có chỗ 20 - 30 triệu đồng/m2.
“Kể cả đất nền hay nhà ở hiện nay đều đang sốt là thật, nhưng nếu đầu tư lượt để kiếm lời rất rủi ro, bởi đầu tư bây giờ là đến sau, nhiều nơi thị trường đã sốt từ trước rồi. Mua đi, bán lại, không biết ai sẽ là người cầm cục than nóng cuối cùng” – Hải cho biết.
Dù vậy Hải cũng cho rằng, đã đầu tư là chấp nhận rủi ro nhưng cần tính toán cho kỹ tuỳ thuộc vào nhu cầu mua để sử dụng hay mua để đầu tư và tìm đến những dự án uy tín.
Còn theo một môi giới bất động sản chuyên thị trường phía Tây Hà Nội cho biết, do những tác động xu hướng chung bất động sản hiện nay đang gia tăng, ví dụ với dự án The Phoenix đã hoàn thiện vài năm nay rồi giá chung cư mua lại của nhà đầu tư khác trung bình 27 - 33 triệu đồng/m2 tuỳ vào vị trí (tăng lên 5%). Tuy nhiên, với những dự án vừa được điều chỉnh quy hoạch, hay đang đầu tư, đang hoàn thiện thì giá mua bây giờ đã tăng cao như tại Kim Chung – Di Trạch tăng 20%, Lideco tăng 10%. Về nhà ở liền kề, với số tiền khoảng 5 tỷ chỉ có thể mua được dự án tại Liền Kề Tân Tây Đô và Liền Kề Nam 32.
Cần quản lý chặt các giao dịch bất động sản trao tay. |
Giao dịch giảm nhưng đất vẫn sốt
Theo số liệu mới nhất của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, lượng sản phẩm chào bán trên thị trường bất động sản cả nước trong quý I/2021 là 74.144 sản phẩm tăng 39,2%. Giao dịch đạt 31.733 sản phẩm tăng 315,3% so với cùng kỳ năm 2020
Tuy nhiên so với quý cuối cùng của năm 2020, lượng sản phẩm chào bán trên toàn thị trường chỉ đạt 90,1%, giao dịch tăng 15,6%. Kết quả khảo sát và những số liệu cụ thể cho thấy, căn hộ thấp tầng là dòng sản phẩm có tỉ lệ hấp thụ tốt nhất với 71,2%, căn hộ cao cấp đạt tỉ lệ thấp nhất chỉ 24,3%.
Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu, hiện tượng giá đất tăng xuất hiện tại nhiều địa phương, giá đất tăng tạo ra những cơn sóng sốt đất khó tin. Thậm chí còn xuất hiện hiện tượng đầu tư bất chấp quy định pháp luật. Theo ghi nhận tại một số địa phương, đất đai sôi sục khắp nơi, trung bình giá tăng 10% sau 1 tháng. Cục bộ một số nơi tăng 2 - 3 lần chỉ trong vòng từ 1 - 2 tháng. Trong cơn sốt đất, nhiều nơi, người dân bỏ kinh doanh, bỏ sản xuất để lao vào đầu tư đất.
Còn theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), giá bất động sản năm 2020 và 2 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng, trong đó có những khu vực, dự án giá tăng trên 10% so với thời điểm đầu năm 2020. Trên thực tế, trong 3 tháng đầu năm 2021, thị trường bất động sản tại nhiều địa phương đã xảy ra những cơn sốt đất cục bộ với mức tăng tới vài chục phần trăm, thậm chí vài trăm phần trăm như: Lương Sơn (Hòa Bình), Gia Viễn (Ninh Bình), Thủ Đức (TPHCM), Hớn Quản (Bình Phước).
Về vấn đề này, mới đây Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cũng vừa có đánh giá, bước vào quý I/2021 tình hình thị trường bất động sản có nhiều biến động. Tuy lượng giao dịch bất động sản - qua theo dõi của Bộ Xây dựng - chỉ bằng khoảng 70% so với quý IV/2020, song giá bất động sản có nhiều biến động; đặc biệt, giá bất động sản đất nền có hiện tượng tăng nóng, cục bộ ở một số địa phương trên cả nước trong thời gian qua.
Để hỗ trợ, góp phần hạ nhiệt thị trường bất động sản, Thứ trưởng Bộ Xây dựng chỉ đạo, các địa phương cần tiếp tục tổ chức công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ để đẩy giá, trục lợi tại một số dự án, tại một số địa phương.
Quản lý và kiểm soát việc mua đi, bán lại các giao dịch bất động sản trao tay nhiều lần nhằm kiểm soát tốt hơn việc tăng giá đất, nhất là thông qua biện pháp quản lý thật tốt các tổ chức, cá nhân trong giao dịch, môi giới kinh doanh bất động sản. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp đầu tư kinh doanh bất động sản không đúng quy định, nhất là các dự án ma, dự án không đủ hồ sơ pháp lý, điều kiện kinh doanh bất động sản.