<p>Việc đầu cơ bất động sản đón đầu quy hoạch không phải diễn ra lần đầu, các chuyên gia cảnh báo giới đầu tư cần tỉnh táo và cẩn trọng trước các cơn “sốt đất” ảo.</p> <p>Theo tìm hiểu, tại một số khu vực, giá đất được đồn thổi tăng từ 20-30%, thậm chí có nơi tăng vọt 70-100%. Đơn cử, tại huyện Đông Anh, khu đô thị Nguyên Khê, đất được rao từ 28-30 triệu đồng/m<sup>2</sup> trong khi cùng kỳ năm ngoái giá rao bán từ 15-17 triệu đồng/m<sup>2</sup>; đất tại xã Xuân Canh, giá bị đẩy từ 20 triệu đồng/m<sup>2</sup> lên từ 35-40 triệu đồng/m<sup>2</sup>;</p> <p>Tại Gia Lâm, đất trên đường An Đào A, Đào Nguyên A, giá chào bán hiện tại môi giới đưa ra dao động từ 38-45 triệu đồng/m<sup>2</sup>, trong khi mức giá đầu năm 2018 từ 32-36 triệu đồng/m<sup>2</sup>. Đất mặt đường Kiêu Kỵ, giá rao bán từ 25-32 triệu đồng/m<sup>2</sup>, trong khi giá đầu năm dao động từ 20-23 triệu đồng/m<sup>2</sup>...</p> <p>Đất phân lô Ngũ Hiệp, Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì) cũng được nhiều môi giới báo giá khủng, dao động từ 55-65 triệu đồng/m<sup>2</sup> trong khi đầu năm 2018, giá đất chỉ dao động từ 30-40 triệu đồng/m<sup>2</sup>.</p> <div> <ul style="display: flex;"> <li style="display:none; width: 47%;margin-bottom: 7px;padding: 5px;border: 1px solid #ddd;text-align: justify;background: #f2f2f2;overflow: hidden;float: left;margin-right: 2%;box-sizing: border-box;"><a href="" rel="nofollow" style="overflow: hidden;" target="_blank"> <img src="" /> </a></li> <li style="display:none; width: 47%;margin-bottom: 7px;padding: 5px;border: 1px solid #ddd;text-align: justify;background: #f2f2f2;overflow: hidden;float: left;margin-right: 2%;box-sizing: border-box;"><a href="" rel="nofollow" style="overflow: hidden;" target="_blank"> <img src="" /> </a></li> </ul> </div> <p>Tại Hoài Đức, đất mặt tiền quốc lộ thị trấn Trạm Trôi đang được chào giá từ 120-130 triệu đồng/m<sup>2</sup> còn thời điểm cuối năm 2017, giá chào bán từ 80 - 110 triệu đồng/m<sup>2</sup>. Đất có vị trí đẹp tại các xã An Khánh, An Thượng được chào giá từ 30 - 37 triệu đồng/m<sup>2</sup> trong khi thời điểm đầu năm ngoái, giá chỉ quanh quẩn từ 23 - 28 triệu đồng/m<sup>2</sup>...</p> <p>Giá đất được đẩy lên cao trong một thời gian ngắn đã khiến nhiều người quan tâm đến thị trường bất động sản vùng ven Hà Nội bị “nhiễu” thông tin. Nhiều người đứng ngồi không yên vì tâm lý muốn bán kiếm lời, nhưng lại sợ bán rồi giá sẽ tăng hơn nữa. Qua khảo sát thực tế, dù mức giá được đẩy cao như vậy nhưng trên thị trường giá giao dịch hầu như không tăng, hoặc tăng không đáng kể, chủ yếu giữa các nhà đầu cơ với nhau. Với các giao dịch đã được thực hiện, nếu có tăng thì ở mức rất nhẹ, khoảng 5% ở những lô đẹp, còn lại là không tăng so với thời điểm cuối năm 2018. Tại huyện Đông Anh, những giao dịch tại bộ phận một cửa khi người dân đến làm thủ tục hành chính về đất đai không cho thấy giá đất tăng đột ngột. Mức giá giao dịch giữa người bán và người mua thấp hơn rất nhiều so với mức giá đang rao trên thị trường. Trong khi người dân vẫn còn đang ngơ ngác chưa hiểu giá đất mới được đẩy lên từ đâu thì giới “cò” đất, đầu nậu ra sức thổi giá hòng thu lợi từ những cơn sốt đất ảo này.</p> <p>Như vậy, không khó để nhận ra thông tin lên quận với 4 huyện ngoại thành trên mới chỉ là đề xuất nhưng đã trở thành cái cớ để đầu nậu, “cò” đất các khu vực trên thổi giá. Trên thực tế, giá đất không hề tăng, nếu có chỉ tăng rất nhẹ.</p> <p>Việc sốt giá đất tại một số khu vực huyện có định hướng lên quận ở Hà Nội tương tự câu chuyện ở Củ Chi, Hóc Môn ở TP. Hồ Chí Minh cách đây gần 2 năm. Việc giá bán tăng chủ yếu do “cò” hoặc nhà đầu tư đã có các dự án hoặc nguồn hàng hiện hữu ở đây. Từ các thông tin chính thống, giới “cò” đất tung tin thất thiệt, kể cả lợi dụng các tin đồn để kích giá, thổi giá, tạo sóng và lướt sóng... “Cò” đất đã trục lợi tối đa để đẩy hàng thị trường đất nền ở các quận ven và các huyện ngoại thành.</p> <p>Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cảnh báo, giá trị đất đai luôn tăng theo giá trị đầu tư. Nghĩa là, đi kèm với đất đai phải là cơ sở hạ tầng phù hợp mới nâng cao được giá trị của đất, chứ không phải từ một huyện lên thành quận là giá trị của đất đã tăng theo. Do đó, những tin đồn thổi về giá đất có thể làm phá vỡ hệ thống quy hoạch, làm méo mó, hỗn loạn thị trường, không mang lại lợi ích cho cả địa phương, xã hội và thị trường. Do đó, dù là huyện hay lên quận đều phải có tiêu chuẩn, tiêu chí rất rõ ràng, đi cùng với các yêu cầu về đầu tư, phát triển hạ tầng đồng bộ thì mới phát triển được. Thông tin chuyển từ huyện lên quận sẽ kích thích các nhà đầu tư, tạo ra tâm lý thích đầu tư để hưởng lợi. Tuy nhiên, việc tạo ra một danh xưng mới không giúp “quạ biến thành công” nếu đó chỉ là một cái danh xưng không thực chất.</p> <p>Về phía người mua nhà nên thận trọng với những giao dịch có giá cao bất thường. Thực tế đã cho thấy, nhiều khu vực ngoại thành Hà Nội bị “cò” đất thao túng làm giá đất lên cao nhưng cũng hạ nhiệt nhanh chóng khi có những tác động từ nhiều yếu tố khác. Hơn nữa, các nhà đầu tư cẩn trọng với các hệ luỵ nhãn tiền, như các đợt sốt đất đã xảy ra trước đây. Mức giá bất động sản đón đầu quy hoạch thường không đảm bảo tính chắc chắn. Người mua, nhà đầu tư cần xem xét kỹ quy hoạch hạ tầng, chú trọng tính pháp lý, quy hoạch phát triển toàn vùng trước khi có ý định mua, bán. Nhà đầu tư không nên chạy theo tin đồn, chạy theo những giá trị ảo, đầu tư phải dựa vào tiềm năng phát triển thực tế để tránh phải ôm “trái đắng”.</p> <!--<script src="http://suckhoedoisong.vn//d1.hadarone.com/ads-sync.js?placement=1133"></script> --> <div> <div> <div> <div> </div> <div> </div> </div> </div> <div> <div> </div> </div> </div>