Sốt cao mãi không khỏi, đi khám phát hiện nhiễm "vi khuẩn ăn thịt người"

Whitmore có thể gây ra các biến chứng nặng nề như nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm khuẩn, tổn thương phổi. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị có thể dẫn đến suy hô hấp cấp và tử vong.

Ngày 17/11, ThS.BSCKII Nguyễn Đình Khoa, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 cho biết, sau thời gian điều trị, sức khỏe bệnh nhân nam bị Whitmore ổn định, đang tiếp tục được theo dõi.

Ngày 22/10, anh N.N.T. (SN 1982, trú huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) nhập viện tại khoa Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2) với triệu chứng sốt cao.

Bệnh nhân T. được dùng kháng sinh hạ sốt, làm các xét nghiệm nhưng vẫn không hạ sốt. Bác sĩ chỉ định chụp MRI khớp háng trái, phát hiện bệnh nhân bị viêm khớp háng trái không rõ nguyên nhân.

Sau khi chuyển đến khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình ngày 30/10, anh T. được làm xét nghiệm máu, kết quả (ngày 1/11) cho thấy dương tính với Burkholderi pseudomallei (Whitmore).

BS.CKII Nguyễn Đình Khoa - Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế - Cơ sở 2 cho biết, Whitmore có nhiều thể do đó từng thể có các phác đồ điều trị cụ thể. Bệnh nhân T. bị thể viêm xương tủy xương, khá đặc biệt vì ít gặp.

BS Khoa thông tin thêm, từ khi vào viện, anh T được theo dõi và làm các xét nghiệm liên quan. Bệnh nhân điều trị theo phác đồ Whitmore giảm sốt và giảm đau khớp háng, qua một tuần đã hạ sốt, hết đau. Sau khi kết thúc điều trị tại bệnh viện, về nhà bệnh nhân vẫn sẽ điều trị bằng thuốc uống trong 6 tháng.

Sau thời gian điều trị, tình trạng bệnh ổn định và tiếp tục được theo dõi. Ảnh Báo Sức khỏe và Đời sống

Sau thời gian điều trị, tình trạng bệnh ổn định và tiếp tục được theo dõi. Ảnh Báo Sức khỏe và Đời sống

Liên quan đến ca bệnh này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, bệnh khởi phát trước ngày nhập viện điều trị 7 ngày với dấu hiệu sốt. Bệnh nhân đi khám tại phòng khám tư nhân, được cấp thuốc uống điều trị nhưng tình trạng không đỡ. Sau đó, người nhà lo lắng nên đưa đến khám và nhập viện tại Bệnh viện Trung ương Huế - Cơ sở 2.

Trong vòng 14 ngày trước khi phát hiện bệnh, bệnh nhân sinh sống và làm việc tại địa phương, không đi đâu xa. Người nhà cũng như xung quanh khu vực sinh sống không ghi nhận ca bệnh liên quan.

Khai thác thông tin từ bệnh nhân và người nhà không xác định được tiếp xúc với nguồn lây. Bệnh nhân thường ngày chỉ đi làm thợ xây, xung quanh nhà cao ráo không bị ngập lụt.

Bệnh Whitmore (hay tên gọi khác là Melioidosis) là một bệnh nhiễm trùng ở người và động vật do vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei gây ra. Vi khuẩn này tồn tại tự nhiên trong đất, có thể gây ô nhiễm nguồn nước và lây truyền chủ yếu qua da khi có vết thương hở tiếp xúc trực tiếp với đất, bùn, nước bị nhiễm khuẩn.

Whitmore có thể gây ra các biến chứng nặng nề như nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm khuẩn, tổn thương phổi (áp xe phổi hoặc tràn dịch màng phổi). Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kháng sinh theo đúng phác đồ khuyến cáo, viêm phổi do vi khuẩn “ăn thịt người” tiến triển rất nhanh, có thể dẫn đến suy hô hấp cấp và tử vong. Tỷ lệ tử vong của bệnh lên tới 50-60%.

Những người có bệnh nền (tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch ...) có nguy cơ cao mắc bệnh.

Bệnh Whitmore nguy hiểm hơn khi khó phát hiện, "vi khuẩn ăn thịt người” kháng nhiều loại kháng sinh, quá trình điều trị khó khăn vì phải dùng liều kháng sinh cao kéo dài liên tục trong ít nhất khoảng 2 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3 – 6 tháng nữa mới phòng được tái phát. Nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, gây suy kiệt sức khỏe.

Để phòng tránh bệnh Whitmore, chúng ta cần thực hiện một số biện pháp theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo như:

- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng.

- Thực hiện ăn chín, uống chín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết.

- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm nặng. Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông tại/gần nơi bị ô nhiễm.

- Sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay…) đối với những người thường xuyên việc ngoài trời, tiếp xúc với đất, bùn và nước bẩn.

- Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.

- Những người có bệnh tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các vết thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.

- Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện và điều trị kịp thời.

Theo Đời sống
back to top