Bà Phúc và con dâu.
Trong nhà lúc nào cũng có 4 thế hệ
Trong buổi sinh hoạt thơ của CLB thơ Nhị Hà, tôi rất ấn tượng khi bà Trần Thị Hồng Phúc (83 tuổi, ở Long Biên, Hà Nội) đọc bài thơ bà viết tặng “nửa thế giới”, cũng là tặng riêng nàng dâu của mình. Trong đó có câu:
…Bố mẹ cảm ơn nàng dâu
Chăm sóc chu đáo, đúng câu thảo hiền…
Khi nghe một bà mẹ chồng kể về con dâu của mình: con dâu tôi ngoan lắm, đáng yêu lắm, quả thực khiến tôi rất tò mò, muốn đến thăm gia đình bà.
Theo chỉ dẫn, tôi tìm tới phố Nguyễn Sơn, Gia Thụy, Long Biên, Hà Nội. Một ngôi nhà rộng rãi, rất nhiều phòng và đặc biệt là có cái gì đó rất ấm cúng. Phòng khách với hai bộ bàn ghế tiếp khách, trên tường treo rất nhiều bức ảnh gia đình. Phòng bếp với bộ bàn ăn đặc biệt lớn, có tới 12 ghế dành cho các thành viên trong gia đình, ngoài ra những ngày cuối tuần con cháu về đông, phải kê thêm bàn ghế mới đủ.
Trên tầng có 6 phòng ngủ. Các phòng được thiết kế riêng biệt cho mỗi người. Phòng của hai cụ ở tầng hai, cạnh đó là phòng của con trai con dâu, phòng của vợ chồng cháu trai út, trên tầng 3 là gia đình cháu trai cả, một phòng trống để dành cho khách, cạnh đó là phòng dành riêng cho con trai thứ 2 của hai cụ hiện đang sống tại TP HCM…
Bà Phúc kể, đây là đất ông được phân. Lúc đầu xây một căn nhà 3 tầng, phía sau chỉ có phòng bếp. Về sau, nhà đông người nên mới xây thêm lên.
Bây giờ con cháu đông thì vui, nhưng thời bao cấp phải nuôi bốn người con cũng vất vả lắm, có lúc phải nhận việc về làm thêm. Nhưng dù có bận thế nào thì đến giờ học của các con, bà cũng không bao giờ bắt con phải làm gì. Giờ các con đều thành đạt, là niềm tự hào của ông bà.
Đến giờ các con vẫn bảo, thương mẹ ngày xưa vất vả quá. Khi mới về làm dâu, bà còn sống cùng bà nội của chồng. Trong nhà lúc nào cũng có bốn thế hệ. Vất vả là thế, nhưng 62 năm sống với nhau, ông bà chưa một lần to tiếng và cũng chưa bao giờ đánh con, đánh cháu.
Được bà dẫn đi từng phòng, kể chuyện về từng người con, cháu, chắt của mình, mới thấy được sống trong một ngôi nhà ngập tràn kỷ niệm như thế thật may mắn và hạnh phúc. Đến cả chị giúp việc cũng trở thành một thành viên thực sự của gia đình.
Mồ côi mẹ từ sớm, nên bà Phúc rất quý trọng tình cảm gia đình. Bà bảo, gia đình có ấm êm hay không là từ người mẹ. Người phụ nữ trong gia đình là người cầm cân nẩy mực, vì vậy phải công bằng. Nếu chỉ vì bực với con dâu mà nói với con gái thì sẽ tạo thành định kiến. Các thành viên trong gia đình không yêu thương, cứ xét nét, đố kỵ nhau thì làm sao hạnh phúc được.
Bố mẹ phải có cái nhìn đại cục
Chị Lưu Thị Bích Thu, con dâu trưởng của bà Phúc, vừa trông cháu vừa kể, chị về làm dâu được 36 năm. Ngay từ ngày đầu chị đã yêu quý mẹ chồng, bởi trước đó chị đã biết bà vì chị là bạn học với cô em chồng. Từ khi thành chị em, họ càng thân và thương nhau hơn, cùng nhau chia sẻ mọi vui buồn, mọi khó khăn.
Theo chị Thu, để sống được 4 thế hệ như thế này, quan trọng nhất là bố mẹ phải đại lượng, công bằng và phải có cái nhìn đại cục.
Vừa là con dâu, lại vừa là mẹ chồng, nên chị hiểu, con dâu về nhà chồng, tức là từ một gia đình khác, văn hóa, nếp sống khác, muốn gia nhập cũng phải có thời gian. Người làm mẹ phải quan sát, phải hướng dẫn cho con biết để quen, để hòa nhập với gia đình chồng, và phải thương yêu thật lòng.
Nhất là khi người phụ nữ sinh nở, vừa yếu lại vừa chưa có kinh nghiệm chăm sóc con cái, rất cần sự giúp đỡ của mẹ chồng.
Chị bảo, phụ nữ như hạt mưa sa. Chị thật may mắn khi được về làm dâu các cụ, được sống trong một gia đình nề nếp, nhìn cách mẹ chồng chăm sóc, đối xử với ông bà, mình cũng học làm theo.
Với chị, gia đình luôn quan trọng, luôn là ưu tiên số một. Là Tiến sĩ, giảng viên đại học, có nhiều cơ hội để phát triển, nhưng mỗi khi cần lựa chọn, chị luôn chọn gia đình. Bởi chị nghĩ, phụ nữ dù có thành đạt đến đâu thì vẫn là con dâu, là vợ, là mẹ, những trách nhiệm đó không thể rũ bỏ.
Và hạnh phúc gia đình phải được vun đắp mỗi ngày. 36 năm lấy chồng là từng đấy thời gian chị phải nghĩ về nó.
Phụ nữ rất giàu đức hy sinh, nhưng nhiều người chỉ hy sinh cho chồng con, chứ với người khác, kể cả anh chị em hay bố mẹ chồng cũng không chịu hy sinh, như thế là hẹp hòi, thiển cận. Phải biết sống rộng lòng để các con học theo.
Khi các con lập gia đình, trong nhà chị chưa bao giờ việc sống chung hay sống riêng phải đặt thành vấn đề để suy nghĩ. Bởi các con chị, từ bé đã sống trong gia đình đông người, nhiều thế hệ nên quen rồi.
Còn con dâu, nhìn vào thấy gia đình mình sống hạnh phúc thì tự nó sẽ thấy yên lòng để sống cùng. Sống hòa đồng khi còn trẻ thì về già sẽ thấy ấm cúng, thương yêu nhau. Thế nên, các con dù mua được nhà riêng, nhưng vẫn thích về đây ở cùng.
Nói thật là nhìn cách sống nề nếp, ấm cúng của gia đình họ, người già được chăm sóc chu đáo, mấy đứa trẻ được bà trông nom, yêu thương như thế… ai chẳng yên lòng, muốn được về sống cùng.
Sống thương yêu, được rất nhiều
Chị Thu chia sẻ, sống trong một gia đình yêu thương nhau như thế mình được rất nhiều. Con cái của anh chị em trong nhà coi như con chung, cùng yêu thương, chăm sóc như con mình. Con chị gọi các cô là mẹ, con các em cũng gọi chị là mẹ, rất gần gũi, tình cảm.
Mình thực lòng yêu thương bố mẹ chồng như bố mẹ mình, các cụ có bệnh gì mình đều tìm hiểu để chăm sóc cho phù hợp. Khi đã yêu thương nhau rồi thì mọi việc dù có vất vả đến đâu cũng thành nhẹ nhàng hết. Gia đình có vui vẻ thì anh chị em mới quây quần.
Đang trò chuyện thì chị xin phép đi đón cháu. Một đứa cháu chị đang bế thì trao lại cho hai cụ trông.
Bà Phúc kể, đang là tiến sĩ, đáng lẽ còn 3 năm nữa mới đến tuổi nghỉ hưu, nhưng chị phải nghỉ sớm để trông 3 đứa cháu với bố mẹ chồng tuổi cao.
Quán xuyến một gia đình 12 người, gồm 4 thế hệ sống chung, hai ông bà già lắm bệnh, 3 đứa cháu còn nhỏ, quả thật không hề đơn giản. Nhưng trong ánh mắt chị không hề có sự vất vả, chỉ thấy niềm vui.
Nhìn căn nhà ngăn nắp và ấm cúng như thế này, ai chả ao ước được sống trong đó. Nhưng không phải ai cũng có được cuộc sống đáng ao ước như vậy, bởi hạnh phúc không tự nhiên mà có, phải có nền tảng. Và nền tảng đó là do mỗi người, mỗi thành viên trong gia đình vun đắp, tạo dựng mỗi ngày.
Chúng ta cứ mặc định rằng ngày nay rất khó sống chung vì tự do cá nhân được đề cao. Gia đình hiện đại thường là hai thế hệ. Nhưng nhìn cuộc sống của họ, chắc chắn những nàng dâu trẻ sẽ ao ước được sống chung để con mình được lớn lên trong vòng tay chăm sóc của bà, trong ánh mắt bao dung, chở che của các cụ.
Tuệ Minh