Từ thoát nước mưa đến thoát nước thải
Điển hình như công ty Công ty Môi trường Việt - Nhật (JVE) đề xuất xử lý nước sông bằng công nghệ Nano – Bioreactor, hay mới đây đề xuất xây dựng sông Tô Lịch kết hợp với hệ thống giao thông ngầm… Tuy nhiên, hiện nay phương án khả thi nhất và đang được TP Hà Nội sử dụng là xây dựng hệ thống thu gom nước thải để đưa xuống Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở (đang xây dựng) để xử lý.
Theo báo của Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường, sông Tô Lịch tiếp nhận nước mưa và nước thải của lưu vực khoảng 77,5km2 với lưu lượng 30m3/s. Toàn bộ dòng Tô Lịch có 456 điểm xả thải nhỏ, phân tán, chưa chắc thu gom được hết bằng hệ thống ống thu gom đang được xây dựng hiện nay. Ước tính mỗi ngày số điểm này xả ra khoảng 8.000 - 12.000m3/ngày đêm.
Góp ý về của phương án trên của Hà Nội, GS.TS Trần Đức Hạ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường cho rằng, thành phố cần rà soát và điều chỉnh quy hoạch 725, trong đó có việc đưa một phần nước thải lưu vực S3 về nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây và đưa nội dung thu gom, xử lý nước thải phân tán đảm bảo quy chuẩn môi trường trước khi xả vào sông; thực hiện dự án bổ cập nước sạch cho sông Tô Lịch cũng như các sông hồ khác của Hà Nội từ nguồn nước sông Hồng và nước thải sau xử lý.
Tuy nhiên, theo GS Sử học Lê Văn Lan, việc xử lý nước thải vẫn chưa thể giải quyết vấn đề. Theo đó, dựa trên lịch sử hình thành và phát triển của dòng sông cùng với thành phố Thăng Long – Hà Nội, vấn đề của sông Tô Lịch không chỉ có ô nhiễm mà còn có dòng chảy, nguồn nước, lớp ô nhiễm lắng đọng.
Trong khi đó, để xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch, hiện nay các các bên mới chỉ nói đến việc tách nước thải và đưa nước từ sông Hồng vào mà tương lai nào cho đáy sông Tô Lịch đang ô nhiễm nghiêm trọng lại chưa thấy bàn.
Tất cả các dòng sông tất yếu phải có dòng chảy, nhưng hiện tại mặt sông Tô Lịch phẳng lặng như tờ, có chăng thì chảy từ cống nước thải ra.
Đồng ý với quan điểm của GS Lê Văn Lan, KTS Phạm Thanh Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng cho rằng, cần quy hoạch để trả lại chức năng chính của sông Tô Lịch là dòng sông thoát nước mưa.
“Sông Tô Lịch trước kia là dòng sông đúng nghĩa, sau này trở thành dòng thoát nước. Số ngày thoát nước mưa thì ít, nước thải thì nhiều”, GS.TS Dương Thanh Lượng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thủy lợi nhấn mạnh.
Đồng thời, ông Lượng kiến nghị các đơn vị của thành phố cần giải quyết được bài toán dòng sông liên tục có nước chảy nhất là vào mùa cạn; những giải pháp cụ thể để bổ cập nước thường xuyên cho sông Tô Lịch.
Lấy nước sông Hồng thau rửa
KTS Phạm Thanh Tùng cũng đồng ý với kiến nghị các đơn vị của thành phố cần giải quyết được bài toán dòng sông liên tục có nước chảy nhất là vào mùa cạn và cần bổ cập nước thường xuyên cho sông Tô Lịch.
Một trong những phương án mà theo GS Dương Thanh Lượng cho rằng khả thi nhất là dùng nước sông Hồng bổ cập vào sông Tô Lịch.
Việc đưa nước sông Hồng vào sông Tô Lịch sẽ thu được lợi ích kép, vừa làm sạch sông vừa làm cho khu vực hạ du như sông Nhuệ, Đáy có thêm nước để tưới… Ngoài ra, đưa nước vào sông Tô Lịch với tốc độ dòng chảy khoảng 5m3/s, so với các dự án khác chi phí sẽ thấp hơn nhiều.
Về phương án thực thi, ông Lượng cho rằng phương án khả thi nhất là lấy nước sông Hồng từ An Dương vào Hồ Tây sau đó bổ cập vào sông Tô Lịch. Phương án này có đặc điểm nổi trội là khoảng cách hơm nước ngắn, khoảng 2km nên kinh phí ít.
Đồng thời thông qua bổ cập nước từ sông Hồng, Hồ Tây cũng được bổ cập nước thường xuyên tạo ra môi trường sống thích hợp cho các sinh vật dưới hồ.
Song song với đó là Hà Nội có thể học hỏi kinh nghiệm của TPHCM trong việc cải tạo kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè trong việc thực hiện cống hoá hai bên dòng sông để thu gom nước thải kèm với quy hoạch cảnh quan kiến trúc hai bên dòng sông.
Thực tế, đề xuất dùng nước sông Hồng bổ cập nước cho Hồ Tây và thau rửa sông Tô Lịch đã được đề ra từ lâu. Từ sau vụ “cá chết hồ Tây”, Công ty MTV Thoát nước Hà Nội đã đề xuất phương án này.
Thậm chí, đơn vị này cũng đã từng tính toán cụ thể vị trí đặt tuyến ống dẫn nước từ trạm bơm đi qua ngõ 464 Âu Cơ, đê sông Hồng dẫn vào mương tiêu cạnh Công viên nước Hồ Tây; lọc nước qua bể lắng trước khi đưa nước vào Hồ Tây. Nước Hồ Tây xả qua các cửa điều tiết A và B để cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch... và tổng chi phí thực hiện khoảng 150 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau nhiều năm, đến nay phương án này vẫn chưa được thực hiện. Trong khi đó, hàng loạt dự án thử nghiệm khác đã được triển khai, trong đó có cả dự án sử dụng chế phẩm Redoxy – 3C lẫn Nano – Bioreactor…
Mới đây, Ban Quản lý dự án (QLDA) Đầu tư Xây dựng Công trình cấp nước, thoát nước và môi trường TP Hà Nội còn đề xuất phương án bổ cập nước sông Hồng cho sông Tô Lịch qua cống Liên Mạc.
Theo lãnh lạo Ban QLDA, quãng đường 8,1km từ cống Liên Mạc qua trạm bơm Xuân Phương sẽ tiết kiệm hơn quãng đường 2km từ sông Hồng qua trạm bơm Âu Cơ vì… tận dụng 1 số đoạn dự án thoát nước khu vực sông Tả Nhuệ…