<div> <p>Ngày 31/5, nửa tháng sau khi Hà Nội thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano - Bioreactor (Nhật Bản), ở một số đoạn lắp máy xử lý, nước sông đã dần chuyển từ màu đen kịt sang màu trắng sữa. Lòng sông vẫn nổi nhiều bùn rác.</p> <p>Ông Nguyễn Văn Thắng (60 tuổi, sống ở gần khu vực thí điểm) nói: "Trước đây nhà tôi thường xuyên phải đóng cửa vì không chịu nổi mùi hôi thối. Từ khi lắp máy này, mùi khó chịu đã giảm hẳn, buổi chiều có thể ra bờ sông hóng gió".</p> <table align="center" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0"> <tbody> <tr> <td><img alt="Đoạn sông Tô Lịch đang thí điểm làm sạch bằng công nghệ Nhật Bản ngày 31/5. Ảnh: Tất Định" src="https://khds.1cdn.vn/2019/06/01/nhaptl-2418-1559306588.jpg" /></td> </tr> <tr> <td> <p>Đoạn sông Tô Lịch đang thí điểm làm sạch bằng công nghệ Nhật Bản ngày 31/5. Ảnh: <em>Tất Định</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần cải thiện môi trường Việt Nhật (JVE), đơn vị đưa công nghệ Nano - Bioreactor làm sạch sông Tô Lịch cho biết, đã nhận được kết quả quan trắc chất lượng nước sau 3 ngày và 7 ngày thí điểm.</p> <p>Cụ thể, sau 3 ngày, lượng khí amoniac (NH3) gây mùi hôi thối đã giảm nhanh chóng. Sau 7 ngày, bùn dưới đáy sông bắt đầu bị phân hủy, giảm từ hơn một mét xuống còn khoảng 76-91 cm, xuất hiện lớp nước trong trên bề mặt bùn.</p> <p>"Đây là giai đoạn trung gian, kết quả để các chuyên gia nắm được sự thay đổi của chỉ số vì vậy chúng tôi chưa công bố chi tiết. Về mặt khoa học, các chỉ số chất lượng nước phải đo sau 1-2 tháng mới có thể đánh giá chính xác. Sau 2 tháng lượng bùn sẽ giảm hẳn, nước sẽ trong trở lại. Đến lúc đó, chúng ta có thể thả cá trên khúc sông này", ông Tuấn Anh nói.</p> <p>Theo ông Tuấn Anh, công nghệ nano tạo ra oxy trực tiếp kích hoạt các vi sinh vật hiếu khí, còn yếu tố công nghệ Bioreactor kích hoạt các vi sinh vật kỵ khí. Cả hai yếu tố này đều tạo ra oxy, đảm bảo cho cá và các sinh vật sinh sống, phát triển. Đặc biệt yếu tố Bioreactor có khả năng kích hoạt gần 100% các vi sinh vật trong môi trường; chúng làm nhiệm vụ tiết ra enzim, điện ly các phân tử nước để giải phóng oxy trong nước.</p> <p>Kết quả xử lý nước sông Tô Lịch được 3 đơn vị lấy mẫu phân tích độc lập là: Tổng cục môi trường, Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam), Trung tâm chất lượng và bảo vệ tài nguyên nước; dự kiến sẽ công bố đợt I vào cuối tháng 6. </p> <div> <p>Sông Tô Lịch từng là một nhánh nhỏ của sông Hồng, thông thủy với Hồ Tây. Năm 1889 người Pháp lấp một phần sông Tô Lịch để quy hoạch lại phố phường.</p> <p>Sông Tô Lịch ngày nay có chiều dài khoảng 14 km, bắt đầu từ phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) chảy về phía nam thành phố và ra sông Nhuệ đoạn xã Hữu Hòa (Thanh Trì). Toàn tuyến sông có hơn 280 cửa xả nước thải. Theo ước tính của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, mỗi ngày 150.000 m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý xả xuống sông Tô Lịch.</p> </div> <p><strong>Tất Định</strong></p> </div> <p> </p>