<div> <figure class="image align-center" contenteditable="false"><img alt="Sóng thần Covid-19 trở lại, số ca nhiễm toàn cầu tăng mạnh chưa từng có - 1" data-original="https://khds.1cdn.vn/2020/07/13/icdn-dantri-com-vn_indonesia-1594595927438.jpg" src="https://khds.1cdn.vn/2020/07/13/icdn-dantri-com-vn_indonesia-1594595927438.jpg" title="Sóng thần Covid-19 trở lại, số ca nhiễm toàn cầu tăng mạnh chưa từng có - 1" /> <figcaption>Cảnh chôn cất nạn nhân Covid-19 ở Indonesia. (Ảnh: AFP)</figcaption> </figure> <p><strong>“Sóng thần” Covid-19 trở lại</strong></p> <p>Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết ngày 12/7 rằng, trong vòng 24 giờ, thế giới đã ghi nhận thêm gần <strong>230.400</strong> ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca mắc Covid-19 toàn cầu lên khoảng <strong>13 triệu</strong> ca. Đây là ngày có số người mắc Covid-19 tăng mạnh nhất kể từ khi đại dịch bùng phát cuối năm ngoái, trong khi đó, số người tử vong duy trì ở mức khoảng 5.000 ca/ngày. Đến nay đại dịch này đã lấy đi sinh mạng của hơn <strong>570.000</strong> người trên thế giới, số liệu của <em>Worldometers</em> cho biết.</p> <p>Mỹ tiếp tục là quốc gia có tốc độ lây lan Covid-19 nhanh nhất thế giới. Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, Mỹ ghi nhận thêm hơn 66.000 ca trong ngày 10/7, và thậm chí theo thống kê của Worldometer, con số này là gần 72.000 ca, cao nhất từ trước đến nay.</p> <p>California, Texas, Florida đều ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng kỷ lục trong những ngày gần đây và trở thành điểm nóng bùng phát mới. Sở Y tế Florida cho biết, trong ngày 11/7, bang ngày ghi nhận ít nhất 15.300 ca, cao hơn bất cứ bang nào kể từ khi dịch bùng phát tại Mỹ hồi tháng 2.</p> <p>Hơn một nửa số bang của Mỹ chứng kiến số người mắc Covid-19 tăng mạnh trở lại buộc chính quyền địa phương phải hoãn hoặc rút lại kế hoạch mở cửa kinh tế. Trong khi đó, một cuộc tranh luận đang nổ ra ở Mỹ về việc có nên mở cửa trường học trở lại hay không. Chính quyền Tổng thống Donald Trump tiếp tục gây sức ép để các bang mở cửa trường học, nhưng chính quyền địa phương, giới chức y tế, giáo viên và phụ huynh học sinh đều phản đối điều này.</p> <p>"Rõ ràng chúng ta chưa thể mở trường trở lại cho đến khi số người mắc Covid-19 giảm. Điều đó sẽ chưa thể diễn ra một sớm một chiều. Vì vậy chúng ta phải giảm rủi ro bằng cách triển khai học trực tuyến", Uché Blackstock, giám đốc điều hành một trung tâm y tế tại Mỹ, nhận định.</p> <figure class="image align-center" contenteditable="false"><img alt="Sóng thần Covid-19 trở lại, số ca nhiễm toàn cầu tăng mạnh chưa từng có - 2" data-original="https://khds.1cdn.vn/2020/07/13/icdn-dantri-com-vn_chau-au-1594595965983.jpg" src="https://khds.1cdn.vn/2020/07/13/icdn-dantri-com-vn_chau-au-1594595965983.jpg" title="Sóng thần Covid-19 trở lại, số ca nhiễm toàn cầu tăng mạnh chưa từng có - 2" /> <figcaption>Số người mắc Covid-19 toàn cầu tăng mạnh khi các nước mở cửa trở lại. (Ảnh minh họa: AFP)</figcaption> </figure> <p>Tại châu Á, Covid-19 đang bùng phát mạnh tại Ấn Độ, tâm dịch lớn thứ 3 thế giới. Bộ Y tế Ấn Độ ngày 12/7 thông báo, trong vòng 24 giờ, nước này ghi nhận thêm gần 29.000 ca Covid-19, đánh dấu ngày thứ tư liên tiếp số ca mắc mới trong ngày lập kỷ lục. Ấn Độ hiện ghi nhận ít nhất gần 850.000 ca mắc Covid-19, trong đó hơn 292.000 người vẫn đang điều trị hơn 534.000 người được chữa khỏi, khoảng 23.000 người đã tử vong.</p> <p>Trong khi đó, tại Indonesia, giới chức y tế nước này ngày 12/7 đã phát hiện gần 1.300 học viên một trường quân sự mắc Covid-19. Indonesia hiện là quốc gia có số người mắc Covid-19 cao nhất khu vực Đông Nam Á với gần 76.000 ca mắc và hơn 3.600 người tử vong. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, số người mắc Covid-19 thực tế ở Indonesia có thể cao hơn do năng lực xét nghiệm của nước này còn hạn chế.</p> <p>Các nước Đông Âu cũng đang chứng kiến sự trở lại của Covid-19 buộc các nước này phải ban hành các biện pháp hạn chế mới như yêu cầu đeo khẩu trang ở nơi công cộng tại Croatia hay hạn chế du lịch, siết chặt chính sách cách ly bắt buộc ở Hungary.</p> <p>"Chúng tôi nhận thấy những dấu hiệu đáng lo ngại về sự gia tăng các ca mắc Covid-19 ở các nước láng giềng, châu Âu và toàn thế giới", một quan chức chính phủ Hungary cho biết.</p> <p><strong>Các nước tăng cường đề phòng</strong></p> <p>Đối phó với làn sóng Covid-19 mới đang hoành hành khắp thế giới, Hungary đã ban bố lệnh cấm hoặc hạn chế nhập cảnh đối với du khách đến từ nhiều quốc gia bắt đầu từ ngày 15/7 tới. Chính phủ Hungary phân loại các nước theo 3 bậc đánh giá nguy cơ lây lan Covid-19 gồm đỏ - vàng- xanh.</p> <p>Theo đó, các nước trong danh sách đỏ bị cho là có nguy cơ cao gồm Albani, Ukraine, Belarus, gần như toàn bộ châu Á, châu Phi, Nam và Trung Mỹ. Công dân đến từ các nước trong danh sách “đỏ” tạm thời không được phép nhập cảnh Hungary.</p> <p>Các nước trong danh sách vàng có Bulgaria, Bồ Đào Nha, Romania, Thụy Điển, Anh, Nga, Serbia, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ. Công dân đến từ các nước này hoặc công dân Hungary từ đây trở về sẽ phải kiểm tra y tế bắt buộc ngay tại cửa khẩu và phải cách ly 2 tuần kể cả khi âm tính với virus gây Covid-19.</p> <p>Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tăng tốc trở lại, các nước trên thế giới chạy đua với thời gian để tìm ra vắc xin phòng ngừa đại dịch nguy hiểm này. Theo WHO, khoảng 21 vắc xin Covid-19 đang được thử nghiệm lâm sàng trên thế giới.</p> <p>Các nhà khoa học Thái Lan hôm qua cho biết họ đang bắt đầu giai đoạn thử nghiệm lâm sàng vắc xin ngừa Covid-19. Giai đoạn này dự kiến kéo dài 2 tháng, giai đoạn thứ 2 có thể bắt đầu vào tháng 12 tới với sự tham gia của 5.000-1.000 tình nguyện viên. Nếu thành công, Thái Lan có thể sản xuất vắc xin trong 6 tháng cuối năm 2021.</p> <p>Trong một diễn biến liên quan khác, Đại học Sechenov của Nga hôm qua thông báo đã hoàn tất quá trình thử nghiệm lâm sàng vắc xin ngừa Covid-19. Quá trình này bắt đầu từ ngày 18/6, nhóm tình nguyện viên đầu tiên dự kiến hoàn tất quá trình thử nghiệm vào ngày 15/7, nhóm thứ hai vào 20/7.</p> </div>