<div> <table> <tbody> <tr> <td><img alt="lan song dich benh moi o an do anh 1" src="https://khds.1cdn.vn/2021/05/24/znews-photo-zadn-vn_2021_05_16t114827z_92517677_rc2zgn9ai9jv_rtrmadp_3_health_coronavirus_india.jpg" title="làn sóng dịch bệnh mới ở ấn độ ảnh 1" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption default-caption"> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Ấn Độ không chuẩn bị đầy đủ kịch bản đối phó với "sóng thần" dịch bệnh Covid-19 thứ hai, cùng tâm lý chủ quan quá sớm. Đó là lý do dẫn đến những thảm cảnh kinh hoàng ở đất nước Nam Á suốt những tuần qua.</p> <p>Các quan chức y tế Ấn Độ giờ đây liên tục cảnh báo người dân về nguy cơ của làn sóng dịch bệnh thứ ba, kịch bản mà K VijayaRaghavan, trưởng cố vấn y tế của chính phủ, miêu tả là "không thể tránh khỏi", theo <em>Indian Express</em>.</p> <h3>Làn sóng thứ hai đã hạ nhiệt?</h3> <p>Kể từ khi số người mắc Covid-19 trong 24 giờ đạt đỉnh 414.188 ca vào hôm 7/5, đà lây lan của dịch bệnh ở Ấn Độ đã có chiều hướng giảm tốc.</p> <p>Hôm 17/5, lần đầu tiên kể từ ngày 21/4, số ca mắc Covid-19 mới trong ngày giảm xuống dưới 300.000. Con số này liên tục giảm trong tuần qua.</p> <p>Đến ngày 23/5, nhà chức trách Ấn Độ cho biết số ca nhiễm virus corona trong vòng 24 giờ là 240.842 - thấp nhất kể từ ngày 20/4.</p> <p>Tuy nhiên, số ca tử vong ở Ấn Độ vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao. Giới chức y tế cho biết Ấn Độ ghi nhận 3.741 ca tử vong vì Covid-19 trong ngày 23/5. Các chuyên gia nhận định số ca tử vong trên thực tế cao hơn nhiều lần ghi nhận chính thức.</p> <table> <tbody> <tr> <td><img alt="lan song dich benh moi o an do anh 2" src="https://khds.1cdn.vn/2021/05/24/znews-photo-zadn-vn_2021_05_19t150416z_1678955994_rc2ein96ml5r_rtrmadp_3_health_coronavirus_india_citizens.jpg" title="làn sóng dịch bệnh mới ở ấn độ ảnh 2" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>Thi thể người chết vì Covid-19 được đưa tới nghĩa trang ở Bengaluru, Ấn Độ. Ảnh: <em>Reuters</em>.</p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>"Theo mô hình của chúng tôi, số ca mắc Covid-19 mỗi ngày ở Ấn Độ đã vượt qua đỉnh và đang trên đà đi xuống", Manindra Agrawal, giáo sư từ Viện Công nghệ Kanpur, cho biết.</p> <p>Trong khi đó,<em> theo Indian Express</em>, sau khi đạt đỉnh ở mốc 3,74 triệu, số ca bệnh chưa hồi phục liên tục giảm và hiện chỉ còn khoảng 3,22 triệu trường hợp.</p> <p>Nếu xu hướng này vẫn tiếp diễn, có khả năng tình hình dịch bệnh ở Ấn Độ sẽ trở lại mức trước khi làn sóng thứ hai ập đến sau 45 ngày nữa.</p> <h3>Làn sóng thứ ba khó tránh?</h3> <p>Khi làn sóng dịch bệnh thứ hai còn chưa qua, nhà chức trách Ấn Độ cảnh báo về làn sóng dịch bệnh thứ ba có thể đến trong tương lai.</p> <p>"Làn sóng dịch bệnh" là thuật ngữ được sử dụng để miêu tả hiện tượng số ca mắc bệnh tăng mạnh sau một khoảng thời gian dịch lắng xuống trước đó. Đường hiển thị số ca mắc bệnh leo dốc trên đồ thị có hình giống như những cơn sóng.</p> <p>Trong gần 18 tháng kể từ khi đại dịch Covid-19 lần đầu bùng phát ở Vũ Hán, dịch bệnh diễn biến khác nhau tùy vào quốc gia, thậm chí trong từng quốc gia lại có những làn sóng dịch bệnh khác nhau ở mỗi khu vực.</p> <p>Ví dụ, nước Mỹ trải qua 3 làn sóng dịch bệnh, với đỉnh dịch lần sau luôn cao hơn đỉnh dịch lần trước.</p> <p>Hiện tượng này cũng xảy ra ở nhiều nước châu Á như Thái Lan, Philippines, Malaysia, Nhật Bản, Campuchia.</p> <p>Về tổng thể, Ấn Độ trải qua hai làn sóng dịch bệnh, cách nhau bởi quãng thời gian kéo dài hơn nửa năm.</p> <p>Trong làn sóng dịch bệnh đầu tiên, số người mắc mới mỗi ngày đạt đỉnh với 97.894 ca hôm 16/9/2020.</p> <p>Và khi làn sóng dịch bệnh ập đến lần hai từ đầu tháng 4, đỉnh dịch đến vào ngày 7/5 với số người mắc Covid-19 trong 24 giờ là 414.188.</p> <table> <tbody> <tr> <td><img alt="lan song dich benh moi o an do anh 3" src="https://khds.1cdn.vn/2021/05/24/znews-photo-zadn-vn_2021_05_13t153137z_564553610_rc23fn9pamcg_rtrmadp_3_health_coronavirus_india.jpg" title="làn sóng dịch bệnh mới ở ấn độ ảnh 3" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>Bãi hỏa táng ở bang Bengaluru. Ảnh: <em>Reuters</em>.</p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Trong lòng Ấn Độ, diễn biến các làn sóng dịch bệnh cũng có sự khác biệt lớn. Như tại thủ đô New Delhi, dịch bệnh đã trải qua 4 làn sóng, đỉnh dịch đến lần lượt vào 23/6/2020, 16/9/2020, 11/11/2020 và 20/4 vừa qua.</p> <p>Trong khi đó, bang Madhya Pradesh đã trải qua 3 làn sóng dịch bệnh. Đáng chú ý, đỉnh dịch của làn sóng thứ hai, đến vào ngày 22/11/2020, thấp hơn đỉnh dịch của làn sóng đầu tiên. Đỉnh dịch của làn sóng dịch bệnh thứ ba ở Madhya Pradesh là cao nhất, với 13.601 người mắc Covid-19 hôm 25/4.</p> <p>Lúc này, nguy cơ làn sóng thứ ba ở phạm vi toàn quốc đang là chủ đề được thảo luận tại Ấn Độ. Một số ý kiến cảnh báo làn sóng mới có thể còn thảm khốc hơn làn sóng thứ hai đang hoành hành.</p> <p>Tuy nhiên, thời điểm làn sóng dịch bệnh mới xuất hiện là không thể dự đoán, các chuyên gia cho biết.</p> <p>Một số ý kiến lạc quan cho rằng số người miễn dịch với virus corona (bởi từng mắc Covid-19 hoặc được tiêm chủng) sẽ giúp Ấn Độ tránh được làn sóng thứ ba, hoặc nếu xuất hiện thì làn sóng thứ ba cũng sẽ không thảm khốc như những gì đang xảy ra.</p> <p>Tuy nhiên, virus corona đã cho thấy khả năng đột biến gene của nó có thể làm đảo lộn mọi tính toán. Đột biến có thể làm biến chủng virus mới tăng khả năng vượt qua hệ miễn dịch, cũng như lây lan mạnh hơn.</p> <h3>Ấn Độ chuẩn bị cho làn sóng dịch bệnh mới</h3> <p>Nhà chức trách và các bệnh viện địa phương tại Ấn Độ đã bắt đầu củng cố hệ thống cơ sở hạ tầng y tế để chuẩn bị đối phó với làn sóng ca mắc Covid-19 mới, có thể đến sau vài tháng nữa.</p> <p>"Đối với làn sóng thứ 3, chúng tôi đang chuẩn bị kết hợp 3 biện pháp", Aaditya Thackeray, quan chức của bang Maharashtra, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh, cho biết.</p> <p>Đầu tiên, Maharashtra đã xây dựng một quy trình vận hành tiêu chuẩn cho các biện pháp ứng phó cả về hành chính và y tế.</p> <p>Bang này xác định trẻ em và thanh thiếu niên là nhóm dễ bị tổn thương nhất trong làn sóng thứ ba, bởi đây là độ tuổi ít bị ảnh hưởng nhất sau hai làn sóng dịch bệnh đầu tiên.</p> <p>Chính quyền bang cũng đẩy mạnh các nỗ lực bảo đảm bệnh viện có đủ giường chăm sóc bệnh nhân, cũng như các giường chăm sóc tích cực và nguồn cung cấp dưỡng khí cần thiết.</p> <table> <tbody> <tr> <td><img alt="lan song dich benh moi o an do anh 4" src="https://khds.1cdn.vn/2021/05/24/znews-photo-zadn-vn_2021_05_11t062304z_1059592180_rc2idn9lefnx_rtrmadp_3_health_coronavirus_india_town.jpg" title="làn sóng dịch bệnh mới ở ấn độ ảnh 4" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>Một bệnh nhân được điều trị tại Uttar Pradesh. Ảnh: <em>Reuters</em>.</p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Thứ hai, Maharashtra cũng xây dựng các hướng dẫn ứng xử xã hội để phòng chống dịch bệnh, như bắt buộc đeo nhiều khẩu trang cùng lúc.</p> <p>"Thứ ba, đương nhiên là phản ứng của các doanh nghiệp. Bởi các ngành kinh tế vẫn phải vận hành, công việc phải tiếp tục. Đó là cách chúng tôi chuẩn bị cho làn sóng thứ ba", ông Thackeray cho biết.</p> <p>Các chuyên gia y tế nhận định cơ hội tốt nhất để Ấn Độ tránh được các làn sóng dịch bệnh trong tương lai là tăng tốc tối đa chiến dịch tiêm chủng.</p> <p>Tới lúc này, Ấn Độ đã tiêm 184 triệu liều Covid-19, đa phần là liều đầu tiên, cho người dân.</p> <p>Điều này đồng nghĩa số người đã tiêm đủ liều vaccine và có hệ miễn dịch hiệu quả chỉ là thiểu số. Người từ 18 tuổi trở xuống ở Ấn Độ chưa được phép tiêm vaccine Covid-19.</p> <p>Tốc độ chiêm chủng ở Ấn Độ đang bị chậm lại bởi nhiều bang gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn cung vaccine.</p> <p>Bộ trưởng y tế Ấn Độ Harsh Vardhan tuần trước cho biết nước này sẽ có 516 triệu liều vaccine Covid-19 vào tháng 7, bao gồm cả hơn 184 triệu liều đã tiêm đến nay.</p> <p>Số liều vaccine Ấn Độ tiêm cho người dân sẽ tăng lên 2,16 tỷ trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 12.</p> <table class="article"> <tbody> <tr> <td> </td> </tr> </tbody> </table> <table class="article"> <tbody> <tr> <td> </td> </tr> </tbody> </table> <table class="article"> <tbody> <tr> <td> </td> </tr> </tbody> </table> </div> <p> </p>