<div><img alt="" src="https://khds.1cdn.vn/2018/09/16/van-mon-4.jpg" /> <p><em>Văn Môn – làng ô nhiễm, không khí ở đây như bị cô đặc.</em></p> </div> <p><strong>Hàng trăm cơ sở nấu nhôm không có </strong><strong>ĐTM</strong></p> <p>Ông Nguyễn Hoàng Gia, Phó Chủ tịch xã Văn Môn, huyện Yên Phong phải dùng từ cảm thán để diễn tả về tình trạng ô nhiễm môi trường do làng nấu nhôm Văn Môn gây ra: “Ô nhiễm cực kỳ nặng nề!”. Không khí, nguồn nước… đều ô nhiễm.</p> <p>Chỉ cần đến làng Văn Môn, nhiều người sẽ hiểu được lời nhận xét của vị lãnh đạo xã bằng quan sát trực quan. Quanh năm, làng Văn Môn được bao phủ bởi khí thải đen kịt như làn sương mù dày đặc. Không khí nơi đây lúc nào cũng đặc quánh, tới độ cây xanh cũng khó lòng sống nổi. Hàng trăm lò nấu nhôm ồ ạt xả khói ra môi trường từ nhiều năm nay khiến giới chức năng địa phương phải hao tâm tốn sức nghĩ cách khắc phục. Còn nguồn nước thải từ các cơ sở nấu nhôm này thì xả trực tiếp ra môi trường thông qua hệ thống cống dân sinh.</p> <p>Cuộc sống sinh hoạt tại Văn Môn như bị “cô đặc” trong ô nhiễm. Người lạ mỗi khi có dịp ngang qua Văn Môn nếu không kịp đeo khẩu trang, kính mắt sẽ dính phải màn bụi đen kịt bám trong mũi, trên mí mắt và ho sặc sụa theo cơn.</p> <p>Mặt đất làng Văn Môn cũng ngập đầy chất thải. Từng ngõ, ngách cho đến đồng ruộng… chỗ nào cũng thấy xỉ thải, rác thải, hệ thống cống nước xung quanh làng đen như mực, bốc mùi ngai ngái có thể gây chóng mặt, buồn nôn ngay lập tức đối với những người lần đầu tiếp xúc với môi trường nơi đây. Nước thải ngập cống, lép nhép vào tận cổng của nhiều gia đình đang sinh sống tại đây.</p> <p>Ô nhiễm môi trường nơi đây đã tạo ra một cuộc “chạy trốn” ngầm nhưng rất cam go của người dân bản địa. Gia đình nào khá giả, có điều kiện kinh thế thì mua nhà ở nơi khác để ở, cho con cái học ở những trường nổi tiếng ở Hà Nội, thỉnh thoảng, họ về Văn Môn chỉ để giám sát công việc hoặc họp anh em, họ hàng. Nhưng có một cuộc di cư đến làng Văn Môn bởi hàng ngàn lao động – chủ yếu là người Thanh Hoá. Họ sống, làm việc trong các cơ sở tái chế nhôm trong điều kiện ô nhiễm nặng nề và không hề có công cụ bảo vệ. Người nào ốm đau, bệnh tật thì tự nguyện về nhà và họ cũng không để ý đến nguyên nhân gây bệnh từ đâu.</p> <div><img alt="" src="https://khds.1cdn.vn/2018/09/16/van-mon-3.jpg" /> <p><em>Tất cả các cơ sở tái chế nhôm tại Văn Môn không đảm bảo tiêu chuẩn môi trường.</em></p> </div> <p>Ông Nguyễn Hoàng Gia thống kê: Ở Văn Môn có trên, dưới 200 cơ sở (bao gồm hộ gia đình và các công ty) làm nghề nấu – cô đúc nhôm, nhưng không có lấy một cơ sở có đánh giá tác động môi trường (ĐTM) do cơ quan chức năng cấp phép. Ông Gia gọi những cơ sở nấu nhôm này nấu nhôm lậu, không đảm bảo tiêu chuẩn môi trường. Ông Gia cho biết thêm, trước đây ở Văn Môn chỉ duy nhất có một hộ nấu nhôm được cấp ĐTM, nhưng hiện cơ sở này đã di chuyển ra cụm công nghiệp làng nghề Đông Thọ. Và từ nhiều năm nay, chính quyền địa phương cũng triển khai nhiều biện pháp hạn chế sự ô nhiễm. Chẳng hạn vận động, tuyên truyền người dân bảo vệ môi trường, người dân ký các cam kết về môi trường… Nhưng “không khả thi”. Hàng loạt hộ gia đình, công ty ký cam kết bảo vệ môi trường nhưng đó chỉ là hình thức. Trong khi đó, “dẹp” nghề nấu nhôm là biện pháp không khả thi.</p> <p>Căng thẳng vì ô nhiễm môi trường, chính quyền xã Văn Môn liền đề nghị cơ quan cấp huyện, tỉnh sớm xây dựng Cụm công nghiệp làng nghề, mục đích nhằm gom những hộ nấu nhôm vào một khu và có các biện pháp bảo vệ môi trường. Nhưng kế hoạch đó từ lâu vẫn chưa được triển khai, thành thử làng Văn Môn vẫn “ngụp lặn” trong ô nhiễm.</p> <div><img alt="" src="https://khds.1cdn.vn/2018/09/16/van-mon-2.png" /> <p><em>Xe chở phế thải bốc nhôm ngay tại khu vực gần đình Phú Xá, xã Văn Môn.</em></p> </div> <p><strong>Ai tiếp tay cho ô nhiễm</strong></p> <p>Theo tìm hiểu của PV Khoa học & Đời sống, có nhiều công ty môi trường chuyên thu mua hoặc bán phế liệu “tiếp tay” gây ô nhiễm môi trường. Chứng kiến cảnh tượng, ngày qua ngày, hàng chục, hàng trăm chiếc xe tải cỡ lớn vận chuyển cả nghìn tấn nhôm thải loại, được những công ty môi trường có tên tuổi giao bán cho các lò nấu nhôm không đạt chuẩn môi trường, thì người dân Văn Môn không khỏi bức xúc, lo lắng.</p> <p>Nhiều người dân khi tiếp xúc với P.V đã bày tỏ thắc mắc: Được biết, các công ty đều quảng bá là tốn khá nhiều tiền để đầu tư xây lò nấu nhôm áp dụng công nghệ hiện đại, thì hà cớ gì họ không nấu tại chỗ, mà phải tốn kém vận chuyển đi bán làm gì. Như vậy chỉ có thế hiểu lò đã vượt quá công suất, hoặc không thể hoạt động nổi thì mới đem bán nhôm thải cho các lò không đạt tiêu chuẩn môi trường.</p> <p>Lẽ ra các công ty môi trường này phải bán phế thải đến các cơ sở đun nấu, tái chế nhôm có ĐTM, đầy đủ tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, nhưng họ lại bán đến các cơ sở chế biến thủ công, gây ô nhiễm môi trường.</p> <div><img alt="" src="https://khds.1cdn.vn/2018/09/16/van-mon-1.png" /> <p><em>Xe tải chở phế liệu bán cho một cơ sở tái chế nhôm tại Văn Môn.</em></p> </div> <p>Theo một người dân xã Văn Môn, nếu giới chức năng ngăn chặn được tình trạng bán phế liệu một cách vô tội vạ này thì sẽ ngăn được nguồn cung gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay.</p> <p>Theo ghi nhận của PV Khoa học & Đời sống, mỗi ngày, có hàng chục xe chở phế liệu rồng rắn đến làng Văn Môn rồi đổ hàng xuống những cơ sở nấu nhôm thủ công.</p> <p>Cụ thể: Ngày 16/12, một xe tải BKS 88C.02538 đổ hàng đến một cơ sở thu gom phế liệu nằm cạnh điểm trường mầm non thôn Phú Xá, xã Văn Môn. Ngày 21/12, xe tải BKS 99C. 052.19 chở nhôm đến một cơ sở tái chế nhôm thủ công nằm ở giữa làng Văn Môn, đối diện Trạm cân 120 tấn. Cơ sở chế biến nhôm này nằm trong khuôn viên của một hộ gia đình và chỉ có 1 ống khói xây bằng gạch cao khoảng 15m.</p> <p>Cũng trong ngày 21/12, một xe tải khác BKS 99C. 054. 48 chở đầy chất thải tập kết về một kho chứa lớn, không biển hiệu nằm cách khu vực bãi rác thải khoảng 100m. Kho chứa này liên tục đóng cửa, nhưng công nhân vẫn làm việc bên trong. Khi có việc ra ngoài thì công nhân chỉ hé cửa đi ra, sau đó đóng lại, hoặc chỉ mở khi có xe tải chở hàng về, xe vào trong thì lập tức đóng cửa. Ngày 22/12, xe chở phế thải BKS: 99C. 008.17 còn bốc phế thải ngay tại khu vực gần đình Phú Xá, xã Văn Môn…</p> <div><img alt="" src="" /> <p><em>Nhiều lao động làm việc trong môi trường ô nhiễm nặng nề</em></p> </div> <p>Qua quan sát, PV ghi nhận cũng trong ngày 21/12, xe tải BKS 99C. 069.63 đưa nhôm đến một cơ sở tái chế thủ công đối diện nhà nghỉ, massage ở đầu làng Văn Môn. Cơ sở này cũng nằm ngay cạnh nhà dân, khi nấu nhôm thì phát ra loại khí thải đen kịt, nước thải cũng được đổ ra hệ thống cống dân sinh gây ô nhiễm môi trường…</p> <blockquote> <p><span>Theo thống kê từ Trạm Y tế xã Văn Môn, mỗi năm làng nấu nhôm có tới 20 người chết vì bệnh ung thư, rất nhiều trẻ em phải đưa đến các cơ sở y tế khám chữa bệnh liên quan đến đường hô hấp. Còn theo số liệu của PGS.TS Dương Bá Trực, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec – times City, trong một lần khám bệnh cho 300 trẻ em ở Văn Môn thì có đến 20% số trẻ bị mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp.</span></p> </blockquote> <p><strong>Phi Long</strong></p> <!--.saic-wrapper -->