Son dưỡng tiềm ẩn nguy hại
Liên minh người tiêu dùng Pháp UFC Que-choisir đã tiến hành một thử nghiệm để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Cụ thể, họ đã phân tích các thành phần hóa học có trong những loại son dưỡng của các thương hiệu mỹ phẩm hàng đầu, trong đó có cả những thương hiệu đình đám như Carmex, Garnier và La Roche Posay. Sau khi thử nghiệm, các nhà khoa học đã đưa ra danh sách 10 loại son dưỡng có chứa các thành phần độc hại và có khả năng gây ung thư. Đặc biệt, một số loại son dưỡng có chứa dầu bão hòa hydrocacbon khoáng rất nguy hiểm với con người. Loại dầu bão hòa này còn được gọi là Mosh, có thể gây cháy đối với các hạch bạch huyết và gan khi ăn phải.
PGS.TS Phạm Văn Nho, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội cho biết, trong sản xuất son, ngoài chất tạo màu còn có rất nhiều các phụ gia khác đi kèm. Dầu bão hòa hydrocacbon khoáng có thể được cho vào để hòa tan chấy màu, tăng trạng thái bám dính, tạo cảm giác mềm mượt khi sử dụng. Thực tế khi sản xuất mỹ phẩm, các nhà sản xuất luôn phải cố gắng đưa càng ít hóa chất càng tốt. Nhưng để làm như vậy thì không đơn giản khi yêu cầu của thị trường ngày càng khắt khe.
Bà Đỗ Anh Thư, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo sản xuất mỹ phẩm Grandpa's Garden cho biết, có nhiều chất phụ gia tạo màu được khai thác từ dưới lòng đất khi sản xuất mỹ phẩm mà phẩm khoáng là một ví dụ. Được khai khoáng lên thì trong phẩm sẽ có tạp chất. Người ta sẽ cố gắng loại bỏ các tạp chất đi nhiều nhất có thể, nhưng chắc chắn không thể hết, và trong phẩm màu sẽ vẫn có thể chứa một số kim loại. Điều này không chỉ gặp trong phẩm màu, mà còn trong nhiều vật chất khác được khai thác từ lòng đất lên.
Tuy nhiên, son dưỡng có gây ung thư không thì lại cần phải xác định cụ thể. Theo bà Đỗ Anh Thư, Son là mỹ phẩm, theo quy định của Bộ Y Tế thì nó là thứ bôi ngoài da, vì thế người tiêu dùng không nên cố tình ăn son. Nếu sử dụng son theo kiểu đó thì dù son có thành phần thế nào cũng vẫn gây độc hại.
Mẹo chọn son an toàn
PGS.TS Phạm Văn Nho cho biết, Bộ Y tế đã có danh mục các chất cấm dùng trong mỹ phẩm. Người tiêu dùng nên nắm được danh mục các chất này để khi đi mua son nói riêng, mỹ phẩm nói chung, có thể soi chiếu vào đó để lựa chọn. Tất nhiên không loại trừ trường hợp nhiều khi bị cấm mà người ta vẫn bán. Hoặc công bố trên nhãn mác không đúng với thành phần hoạt chất bên trong, công bố kiểu lập lờ hoặc không công bố.
Vậy cách sử dụng son thế nào cho an toàn? Bà Đỗ Anh Thư cho rằng, về cơ bản thì nếu người tiêu dùng mua sản phẩm có tên tuổi tại những địa chỉ phân phối uy tín, thì chỉ cần sử dụng theo đúng hướng dẫn sử dụng của sản phẩm là an toàn. Phái đẹp hãy nói không với những loại son dưỡng có chứa miniral oil (còn gọi là liquid paraffin) hay white oil (liquid petroleum). Thay vào đó hãy lựa chọn những loại son có chứa shea butter hoặc jojoba chiết xuất từ thiên nhiên giúp cung cấp độ ẩm và dưỡng môi từ bên trong. Mọi người nên chọn son dưỡng môi với các thành phần tinh dầu từ thiên nhiên như lô hội, mật ong, dầu hạnh nhân, sáp ong, tinh dầu ôlive, vitamin C, vitamin A… để môi được dưỡng hiệu quả hơn.
Dưỡng môi chỉ có tác dụng tạm thời chứ không thể giải quyết “tận gốc” vấn đề chăm sóc đôi môi. Vì vậy, không nên quá lạm dụng son dưỡng môi. Chị em nên chăm sóc cho đôi môi bằng các loại mặt nạ từ thiên nhiên như mật ong, dầu olive, sữa chua, uống nhiều nước... để giúp đôi môi bóng mượt, mịn màng hơn.
Những loại son dưỡng môi có nguy cơ gây ung thư theo công bố của Liên minh người tiêu dùng Pháp UFC Que-choisir: Son Dưỡng Yves Rocher Macadamia. Trésors de miel dưỡng môi từ Garnier Ultra Doux. Labello Original Classic Care. Son dưỡng ẩm cổ điển từ Carmex. Son dưỡng chống khô môi Nultric từ La Roche Posay. Homéostick từ Boiron. Kem dưỡng ẩm môi từ Avène. Son dưỡng cho môi khô từ Le Petit Marseillais. Kem dưỡng môi từ Aptonia. Kem dưỡng môi từ Uriage