Người lao động cần phải qua đào tạo
Từ trước tới nay dù chưa có quy định bắt buộc nào nhưng việc tuyển dụng người lao động qua đào tạo luôn được các doanh nghiệp ưu tiên hơn. Bởi thực tế cho thấy, nếu lao động qua đào tạo nghề bài bản thì ắt có kỹ năng ứng dụng công nghệ vào nghề nghiệp cao hơn và chính qua những lao động này mà doanh nghiệp tiếp thu được kiến thức khoa học về các lĩnh vực công nghệ mới từ hệ thống đào tạo.
Ảnh minh họa. |
Ở nước ngoài muốn hành nghề là phải có chứng chỉ hành nghề, vấn đề này họ đã thưc hiện được vài chục năm nay. Hiện nay, ở Việt Nam một số nghề cũng đã cấp chứng chỉ hành nghề như lái xe, luật sư, y tá, bác sĩ… Điều kiện cần và đủ để cho người lao động (NLĐ) có thể làm việc được ngoài bằng cấp về chuyên môn còn phải có chứng chỉ hành nghề.
Đối với những nghề đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nếu những NLĐ trong lĩnh vực này không được đào tạo thì nguy cơ xảy ra tại nạn lao động là rất lớn, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe và không bảo đảm quyền lợi cho NLĐ trong môi trường lao động khó khăn, vất vả.
Những NLĐ trong những ngành, nghề phổ biến, quan trọng mà không được đào tạo thì dễ xảy ra mất an toàn lao động, không được đào tạo thì không có kỹ năng làm việc, năng suất thấp, thu nhập thấp, công việc không ổn định, ảnh hưởng chung đến cả nền kinh tế. Mặt khác, NLĐ ở những ngành, nghề này đòi hỏi phải qua đào tạo nhằm nâng cao chất lượng và sự an toàn của người sử dụng các sản phẩm, dịch vụ trong một số lĩnh vực như y tế, du lịch dịch vụ, giao thông vận tải...
Sớm ban hành danh mục ngành, nghề phải sử dụng lao động qua đào tạo
TS Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho hay, tại Khoản 8, Điều 52 của Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định trách nhiệm của doanh nghiệp (DN) trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN): “Chỉ được sử dụng lao động đã qua đào tạo hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với những nghề trong danh mục do Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) quy định”.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng. |
Điều 212 của Bộ luật Lao động năm 2019 cũng xác định nội dung quản lý nhà nước về lao động là: “Quy định danh mục nghề chỉ được sử dụng lao động đã qua đào tạo GDNN hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia”.
Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương, khuyến khích DN chỉ sử dụng lao động đã qua đào tạo nghề nghiệp, hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
Theo đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế, chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn là một thách thức đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Để thu hẹp và lấp những “khoảng trống về kỹ năng” của lực lượng lao động, cần thực hiện đào tạo qua DN hoặc các cơ sở GDNN, đào tạo theo yêu cầu của DN.
Tuy nhiên, thực tiễn của thị trường lao động Việt Nam cho thấy, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp FDI, đang ưu tiên tập trung sử dụng lao động trẻ, chủ yếu là lao động phổ thông chưa qua đào tạo. Trình độ kỹ năng của nhóm lao động này rất hạn chế, thiếu kiến thức về vệ sinh an toàn lao động, dẫn đến năng suất lao động tại doanh nghiệp thấp, ảnh hưởng chung tới năng suất lao động quốc gia.
Mặt khác, do thiếu văn bằng, chứng chỉ về chuyên môn kỹ thuật, nên nhiều lao động chịu nhiều thiệt thòi như được trả lương không thỏa đáng và nhiều chế độ khác. Đặc biệt, NLĐ dễ bị DN sa thải khi tuổi đã cao, khi DN cập nhật công nghệ, điều chỉnh cơ cấu sản xuất kinh doanh, hoặc nền kinh tế chịu tác động của thiên tai dịch bệnh.
Do vậy, việc ban hành Thông tư quy định danh mục ngành, nghề phải sử dụng lao động qua đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn về phát triển lực lượng lao động có kỹ năng. Đồng thời, tạo hành lang pháp lý quy định các ngành, nghề mà DN phải sử dụng lao động đã qua đào tạo.
Các danh mục ngành, nghề được nghiên cứu, xem xét trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành và được xác định theo tính chất, mức độ của ngành, nghề đó ở ba tiêu chí.
Một là đối với sự nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm của NLĐ (sự an toàn của NLĐ). Hai là đối với việc sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho người tiêu dùng (sự an toàn của người tiêu dùng và xã hội). Ba là tiến tới việc nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia của nền kinh tế.
Theo đó, Danh mục ngành, nghề sử dụng lao động qua đào tạo và lộ trình thực hiện cụ thể: Danh mục 1 bao gồm 68 ngành, nghề sử dụng lao động đã qua đào tạo áp dụng từ ngày 1/1/2022. Đây là những ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Danh mục 2 gồm 90 ngành, nghề sử dụng lao động đã qua đào tạo áp dụng từ ngày 1/1/2023. Đây là những ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và một số ngành, nghề liên quan đến sức khỏe, các dịch vụ liên quan đến phục vụ con người, các ngành, nghề quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (các nghề trọng điểm ở các cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế).
Từ ngày 1/1/2024, áp dụng đối với các ngành, nghề còn lại trong Danh mục ngành, nghề đào tạo theo quy định và các ngành, nghề khác ở các trình độ sơ cấp, và các ngành, nghề được quy định bởi các luật chuyên ngành.
Việc xác định lộ trình trên giúp các DN, cơ quan, tổ chức, cá nhân người sử dụng lao động chủ động trong công tác tự đào tạo, đào tạo chuyên môn, nghề nghiệp cho NLĐ theo các trình độ phù hợp.
Dự thảo Thông tư đã được gửi lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, cơ sở GDNN và nhân dân. Về cơ bản, các ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, cơ sở GDNN đều đồng thuận với Danh mục này.
Hiện nay, LĐ-TB&XH đang tiếp tục lấy thêm ý kiến của các DN để hoàn thiện văn bản dự thảo.